Trong cuộc họp báo ngày 21/1, Phó Thủ tướng Surapong Tovichakchaikul xác nhận: “Trước tình hình bạo lực và biểu tình hiện nay, Hội đồng các bộ trưởng quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp để đối phó với tình hình và để áp đặt thực thi pháp luật”
Tình trạng khẩn cấp bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay (22/1) và kéo dài 60 ngày. Theo đó, lực lượng an ninh sẽ được trao thêm nhiều quyền hành. Tuy nhiên, Thủ tướng Yingluck Shinawatra khẳng định, bà không có kế hoạch trao cho quân đội vai trò lãnh đạo theo sắc lệnh tình trạng khẩn cấp.
“Đó là lí do vì sao chúng tôi vẫn tập trung vào lực lượng cảnh sát, để ngăn ngừa bạo lực như năm 2010. Các cơ quan chức năng sẽ khởi động các cuộc đàm phán”, bà Yingluck tuyên bố.
|
Chính phủ Thái Lan đã buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp để đối phó với các cuộc biểu tình ngày càng phức tạp và nguy hiểm.
|
Hiện, chưa rõ chính phủ Thái sẽ áp đặt sắc lệnh tình trạng khẩn cấp như thế nào. Sắc lệnh này cho phép cơ quan chức năng áp đặt lệnh giới nghiêm và cấm tụ tập nơi công cộng theo nhóm nhiều hơn 5 người. Cảnh sát cũng có quyền bắt giữ các nghi phạm 30 ngày mà không cần khởi tố, cũng như ngăn cấm truyền thông.
“Chúng tôi sẽ không sử dụng vụ lực. Chúng tôi không có chính sách giải tán họ và chúng tôi vẫn chưa công bố lệnh giới nghiêm”, Bộ trưởng Lao động Chalerm Yubamrung, người giám sát việc thực thi lệnh giới nghiêm cho biết.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh những ngày qua Bangkok xảy ra nhiều vụ bạo lực nguy hiểm nhắm vào người biểu tình bao gồm nhiều vụ nổ, bắn súng làm một người chết và hàng chục người bị thương theo sau chiến dịch phong tỏa thủ đô gây sức ép để lật đổ chính phủ của thủ tướng Yingluck Shinawatra. Chính phủ lẫn phe đối lập đổ lỗi cho nhau về các vụ tấn công trên.
Lần gần đây nhất tình trạng khẩn cấp được áp dụng tại Bangkok là để đối phó với các cuộc biểu tình của phe đối lập với chính phủ trước đây năm 2010, khiến hàng chục người thiệt mạng sau một cuộc trấn áp quân sự đẫm máu.
Về phần mình, lãnh đạo phe biểu tình Suthep Thaugsuban nhấn mạnh sẽ tiếp tục tuần hành bất chấp tình trạng khẩn cấp.
“Chúng tôi đã biểu tình suốt 3 tháng với tay không, không có vũ khí. Chúng tôi sẽ không dừng lại”, cựu Phó Thủ tướng Thái Lan tuyên bố.
Càng gần đến ngày bầu cử Quốc hội trước thời hạn 2/2 (phe đối lập tẩy chay), tình hình an ninh tại thủ đô Bangkok càng trở nên xấu đi. Chiến dịch phong tỏa làm tê liệt thủ đô đã diễn ra hơn một tuần. Người biểu tình vẫn tiếp tục chiếm giữ các nút giao thông quan trọng ở thủ đô.
Thủ tướng Yingluck nhiều lần khẳng định bầu cử là giải pháp tốt nhất để đưa Thái lan ra khỏi khủng hoảng. Trong khi đó, phe đối lập vẫn duy trì yêu sách đòi Thủ tướng từ chức và thay thế chính phủ bằng một “Hội đồng nhân dân” không qua bầu cử, tạm thời điều hành đất nước và cải cách thể chế.
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan đã kéo dài hơn hai tháng khiến 9 người chết và hàng trăm người bị thương.