Theo CNA ngày 27/7, hơn 454.000 người dân ở Bhutan, tương đương 85% dân số trưởng thành, đã được tiêm mũi vắc xin ngừa COVID-19 thứ hai trong tuần qua.
Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Bhutan, ông Will Parks, đã ca ngợi chiến dịch tiêm chủng đầy tham vọng này là "câu chuyện thành công lớn" đối với Bhutan.
|
Một địa điểm tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân ở Bhutan. Ảnh: AJ. |
“Chúng ta thực sự cần một thế giới, trong đó những nước dư thừa vắc xin sẵn sàng viện trợ cho những nước chưa đủ. Và điều mà tôi hy vọng thế giới có thể học hỏi là trường hợp Bhutan. Bhutan là một đất nước có rất ít bác sĩ, y tá, nhưng có nhà vua tận tâm và lãnh đạo chính phủ đã rất tích cực trong việc vận động người dân. Việc tiêm chủng cho toàn dân không phải là điều bất khả thi”, ông Will Parks nói.
Vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2021, Bhutan đã tiêm liều đầu tiên cho hơn 60% dân, sử dụng gần hết 550.000 liều vắc xin AstraZeneca do Ấn Độ tài trợ. Sau đó, Ấn Độ ngừng xuất khẩu vắc xin do đại dịch COVID-19 bùng phát tại quốc gia này.
Mời độc giả xem thêm video: Cần thêm nghiên cứu về vaccine với các biến chủng mới của SARS-CoV-2 (Nguồn video: VTV)
Đối mặt với tình trạng khoảng thời gian giữa mũi một và mũi hai ngày càng tăng, Bhutan đã kêu gọi viện trợ quốc tế. Nước này sau đó nhận được thêm nửa triệu liều vắc xin Moderna do Mỹ tài trợ thông qua cơ chế COVAX, và 250.000 liều AstraZeneca từ Đan Mạch vào giữa tháng 7.
Ngoài ra, hơn 400.000 mũi vắc xin của AstraZeneca, Pfizer và Sinopharm từ Croatia, Bulgaria và Trung Quốc và nhiều quốc gia khác dự kiến được chuyển tới quốc gia Nam Á 770.000 dân trong thời gian tới.
Chính phủ Bhutan cũng mua 200.000 liều vắc xin Pfizer, dự kiến được bàn giao cuối năm nay.
Được biết, đến nay, Bhutan ghi nhận dưới 2.500 ca mắc COVID-19, trong đó có 2 trường hợp thiệt mạng.