Đây là trường hợp hiếm hoi ông Abe nêu rõ tên của quốc gia khiến cho Nhật sử dụng quyền tham gia phòng thủ tập thể của họ để hỗ trợ các nước đồng minh. Phát biểu trong một phiên họp ở Quốc hội (Diet), ông Abe cũng chỉ ra rằng, Nhật có thể nới lỏng các quy tắc sử dụng vũ khí đối với các binh lính thuộc Lực lượng Phòng vệ (SDF) tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên Hiệp Quốc.
|
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
|
Ngoài ra, nhà lãnh đạo bảo thủ này còn đưa ra kịch bản về một cuộc tấn công của Triều Tiên lên Mỹ. “Trong trường hợp Triều Tiên tấn công nước Mỹ và khi cộng đồng quốc tế áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Bình Nhưỡng, chúng ta cũng sẽ phải thảo luận xem có nên ngăn chặn vũ khí và đạn dược được vận chuyển tới Triều Tiên hay không”.
Dường như ông Abe đang ám chỉ tới việc triển khai Lực lượng Phòng vệ hay Lực lượng Bảo vệ bờ biển để kiểm tra các tàu đến Triều Tiên. Đây được xem là một hình thức phòng vệ tập thể mà ông Abe nhắc tới mặc dù Nhật Bản không bị tấn công.
“Tôi không nên nêu tên của một quốc gia cụ thể nào cả. Tuy nhiên, tôi đã đưa Triều Tiên ra làm một ví dụ để cho câu chuyện của mình dễ hiểu hơn”, ông Abe hôm 10/2.
Khi các nhà lập pháp đối lập đặt câu hỏi về việc sử dụng vũ khí của quân phòng vệ trong các hoạt động giữ gìn hòa bình Liên Hiệp Quốc, ông Abe nói như sau: “Sử dụng vũ khí có thể coi là cần thiết để giải cứu quân đội của các quốc gia khác trong trường hợp họ bị tấn công”.
Hiện nay, Nhật đang thảo luận về việc có dùng quyền phòng thủ tập thể này hay không bằng cách thay đổi cách lý giải hiện tạo của chính phủ về Hiến pháp hòa bình.