Mỹ gửi lính thủy và tàu đổ bộ đến Libya để sơ tán ĐSQ

Google News

(Kiến Thức) - Mỹ vừa gửi 1.000 lính thủy đánh bộ cùng tàu đổ bộ chiến đấu tới bờ biển Libya trong nỗ lực hỗ trợ ĐSQ mỹ ở Tripoli trong trường hợp cần sơ tán.

Mỹ đang gửi 1.000 lính thủy đánh bộ cùng tàu đổ bộ chiến đấu tới bờ biển Libya để hỗ trợ Đại sứ quán Mỹ ở Tripoli trong trường hợp cần sơ tán, hãng tin RT của Nga dẫn lời quan chức Mỹ cho hay.
Hãng thông tấn AFP dẫn nguồn tin giấu tên trong Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, tàu đổ bộ chiến đấu USS Bataan thuộc lớp Wasp mang theo nhiều máy bay trực thăng sẽ đến bờ biển Libya do lo ngại tình hình bạo lực ở Libya có thể đe dọa an ninh ĐSQ Mỹ.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra tuyên bố khuyên người Mỹ nên rời khỏi Libya ngay lập tức.
Tàu đổ bộ USS Bataan của Mỹ. 
“Do lo ngại an ninh, Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ có hạn chế các nhân viên tại đại sứ quán Mỹ ở Tripoli và chỉ có thể cung cấp một số ít các dịch vụ khẩn cấp cho công dân Mỹ ở Libya”, thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.
Hãng thông tấn AFP cho biết Mỹ có 250 lính thủy đánh bộ, 7 máy bay chiến đấu Osprey và 3 máy bay tiếp dầu ở Sigonella, Italy trong trường hợp khẩn cấp.
Trước đó, thủ lĩnh nhóm quân sự Ansar Al-Sharia của Libya, ông Mohamed Zahawi lên tiếng cáo buộc chính phủ Mỹ đứng sau cuộc phản công của tướng Haftar.
“Chúng tôi nhắc nhở Mỹ, nếu họ can thiệp họ sẽ gặp những kịch bản còn tồi tệ hơn những vũng bùn mà họ gặp phải ở Afghanistan, Iraq và Somali. Mỹ chính là người đứng sau tướng Haftart trong những hành động đẩy Libya về phía nội chiến”, ông Mohamed Zahawi tuyên bố ngày 27/5.
Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó lên tiếng phủ nhận vai trò của Mỹ trong các chiến dịch của tướng Haftar. Tướng Haftar từng có thời gian hàng thập kỷ ở Mỹ trước khi trở về Libya vào năm 2011 để tham dự cuộc chiến lật đổ cố Tổng thống Libya Muammar Gaddafi.
Sau cuộc lật đổ chính phủ của ông Gaddafi năm 2011, các nhóm vũ trang đã gây ra tình trạng bất ổn ở Libya do sự yếu kém của lực lượng quân đội và cảnh sát nước này. Quốc hội Libya vẫn trong tình trạng chia rẽ, chưa thực sự tiến hành cải cách dân chủ kể từ năm 2011. Hiến pháp mới của Libya vẫn chưa sẵn sàng.
Ngô Trang

Bình luận(0)