Làn sóng bạo lực mới ở Iraq, ít nhất 70 người chết

Google News

(Kiến Thức) - Làn sóng bạo lực mới xảy ra tại gần như toàn bộ các khu vực có người Sunni ở Iraq đã giết chết ít nhất 70 người và làm hơn 230 người khác bị thương.

Nhân viên an ninh Iraq tại hiện trường vụ đánh bom xe ở Jadidat al-Shatt, tỉnh Diyala, cách thủ đô Baghdad 40 km về phía bắc ngày 10/6.

Theo Reuters, làn sóng bạo lực bùng phát sau vài ngày yên ắng. Trong bối cảnh  bế tắc chính trị không được giải quyết, nhiều người lo ngại Iraq sẽ rơi vào một cuộc chiến sắc tộc toàn diện.

Reuters đưa tin, không lực lượng nào nhận trách nhiệm về tình trạng bạo lực hôm qua. Tuy nhiên, các chiến binh Sunni có liên kết với mạng lưới khủng bố al-Qaeda được cho là đã tấn công các lực lượng an ninh. Thậm chí, chúng dùng chiến thuật tấn công chính các nhóm tôn giáo của chúng nhằm mục đích kích động hơn nữa cuộc xung đột đẫm máu với cộng đồng người Shiite.

2 người đàn ông tại hiện trường vụ đánh bom xe ở Jadidat al-Shatt, tỉnh Diyala, cách thủ đô Baghdad 40 km về phía bắc ngày 10/6.

Vụ tấn công bạo lực đẫm máu mới nhất diễn ra ở thành phố Mosul, với 5 xe bom nhắm mục tiêu vào các lực lượng an ninh, giết chết ít người 29 người và khiến 80 người khác bị thương. Một lệnh giới nghiêm đã được ban hành ngay sau khi vụ tấn công.

"Có rất nhiều người chết... Hầu hết là thành viên của các lực lượng an ninh", một bác sĩ tại bệnh viện Mosul cho biết.

Một cuộc tấn công khác nhắm vào người Hồi giáo Sunni xảy ra ở thành phố Awja (quê hương của Saddam Hussein) cũng như ở các thị trấn Dour và Taji, làm 13 người đã thiệt mạng.

 Hiện trường tan hoang sau vụ đánh bom xe ở Jadidat al-Shatt, tỉnh Diyala,

Tại Judaida al-Shat, một thị trấn của tỉnh Diyala, một vụ đánh bom tự sát và 2 xe bom phát nổ cùng lúc trong khu chợ đông đúc giết chết 13 người. Theo AFP, các nhân chứng cho rằng al-Qaeda thực hiện những vụ tấn công trên.

Trong khi đó, 10 người cũng bị thiệt mạng ở Kirkuk, tỉnh phía bắc Iraq, sau các vụ bạo lực. Những khu vực có nguy cơ xảy ra tấn công bạo lực nhất là những vùng lãnh thổ mà các nhóm dân tộc Sunni, Kurd và Turkmenistan chung sống.

Các nhà quan sát đã so sánh làn sóng bạo lực mới nhất ở Iraq có mức độ nghiêm trọng tương đương với giai đoạn đẫm máu nhất 2006-2007.

Thủ tướng Nuri Maliki đã nỗ lực giảm căng thẳng chính trị bằng cách tổ chức một cuộc đàm phán với 2 đối thủ chính trị lớn nhất, Chủ tịch Quốc hội người Sunni và thủ lĩnh khu vực tự trị người Kurd. Tuy nhiên, nỗ lực giảm căng thẳng chính trị thất bại. Nhiều người cho rằng, các bất đồng chính trị ở Iraq sẽ thổi bùng lên bạo lực sắc tộc toàn diện đẫm máu trong nước.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Bạch Dương

Bình luận(0)