Nhật Bản và Mỹ đã công bố Hướng dẫn hợp tác quốc phòng mới trong ngày 27/4, cho thấy Tokyo sẵn sàng gánh vác vai trò quốc tế mạnh mẽ hơn.
Hướng dẫn quốc phòng Mỹ-Nhật Bản mới được công bố trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter với Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và Bộ trưởng Quốc phòng Gen Nakatani tại New York ngày 27/4.
Hướng dẫn hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật mới được công bố vào thời điểm Trung Quốc đang phô trương sức mạnh “cơ bắp” và nguy cơ vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên gia tăng.
|
Thủ tướng Abe dự kiến sẽ gặp Tổng thống Barack Obama trong ngày 28/4.
|
Phía Mỹ vẫn cam kết đảm bảo an ninh cho Nhật Bản và Hướng dẫn hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật bao trùm tất cả các vùng lãnh thổ thuộc quyền quản lý của Tokyo, trong đó có quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
Hướng dẫn mới cho phép Nhật Bản hợp tác toàn cầu về mặt quân sự: từ phòng chống tên lửa đạn đạo, không gian mạng và các cuộc tấn công từ vũ trụ đến an ninh hàng hải.
Hướng dẫn này dựa theo một nghị quyết của Nội các Nhật Bản nhằm diễn giải lại Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Nghị quyết này cho phép Nhật Bản thực hiện quyền "phòng vệ tập thể”, cho phép Nhật Bản có thể bắn hạ tên lửa bay về phía Mỹ và trợ giúp các nước thứ ba đang bị tấn công.
Tại một cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Nhật Bản, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gọi là Hướng dẫn quốc phòng Mỹ-Nhật mới này là “một sự chuyển đổi lịch sử”.
Là trọng tâm của chuyến thăm Mỹ tuần này của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Hướng dẫn quốc phòng mới Mỹ-Nhật là một tín hiệu cho thấy Tokyo sẵn sàng gánh vác trách nhiệm nhiều hơn đối với an ninh của Nhật Bản.
Thủ tướng Abe, dự kiến gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 28/4, có thể sẽ muốn Washington đảm bảo rằng Mỹ sẽ trợ giúp Nhật Bản nếu thấy cần thiết, trong một cuộc đụng độ với Trung Quốc.
Theo nhà nghiên cứu Adam Liff thuộc Chương trình Trung Quốc và thế giới của Đại học Princeton-Harvard, Hướng dẫn quốc phòng Mỹ-Nhật mới có thể mở rộng phạm vi địa lý của hợp tác Mỹ-Nhật, bao gồm các lĩnh vực như an ninh mạng và chống khủng bố.
Mặc dù có được cam kết quân sự của Washongton, nhưng Tokyo vẫn lo lắng về việc Mỹ có thể sẽ không bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp xảy ra xung đột trên quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) trên Biển Hoa Đông, do bị cắt giảm chi tiêu quốc phòng và do có quan hệ kinh tế ràng buộc với Trung Quốc.