|
Tàu Nhật và Mỹ trong một cuộc tập trận chung.
|
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel trong tháng 10 đã đồng ý với kế hoạch nâng cấp các nguyên tắc chỉ đạo trong vấn đề hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật. Đồng thời, Washington cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch thay đổi Hiến pháp hòa bình của Tokyo để sở hữu đầy đủ quyền “tự vệ tập thể”.
Hiến pháp Nhật do Mỹ soạn thảo năm 1947 sau khi Chiến tranh thế giới thứ 2 chấm dứt, nghiêm cấm Tokyo sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế và hạn chế vai trò tự vệ của quân đội nước này.
“Quyền tự vệ tập thể là một trong những quyền cơ bản của các quốc gia bình thường trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Nhưng khi vấn đề tự vệ tập thể liên quan đến chủ quyền của Hàn Quốc thì việc tham khảo quan điểm của chúng tôi là điều cần thiết. Seoul cũng đã yêu cầu Mỹ cân nhắc lập trường của chúng tôi”, một quan chức cấp cao giấu tên của Hàn Quốc nhấn mạnh.
Đồng thời, vị quan chức Seoul cũng cảnh báo, việc Nhật Bản nỗ lực tăng cường khả năng quân sự thông qua sửa đổi Hiến pháp không nên vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Hàn Quốc và yêu cầu Washington cân nhắc về vị trí của nước này trong kế hoạch sửa đổi, nâng cấp các đường lối chỉ đạo tự vệ chung Mỹ-Nhật.
Tại Seoul, có một mối quan ngại đang nổi lên mạnh mẽ rằng, việc Tokyo tăng cường năng lực quân sự cũng như việc sửa đổi của các nguyên tắc, đường lối chỉ đạo tự vệ chung Nhật-Mỹ có khả năng dẫn đến hậu quả, quân đội Nhật Bản sẽ hiện diện tại Hàn Quốc trong các sứ mệnh do Washington dẫn đầu.
Ngoài ra, vị quan chức Hàn Quốc cũng lưu ý thêm: “Năng lực tự vệ tập thể của Nhật Bản nên được giới hạn và phải cân nhắc, xem xét quan điểm, ý kiến của các nước láng giềng”. Washington đã bày tỏ sự quan tâm đối với yêu cầu của Seoul.
Ngoài ra, phát biểu về những nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán 6 bên vốn bị trì hoãn đã lâu về chương trình hạt nhân Triều Tiên, vị quan chức Hàn Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của Bắc Kinh trong việc đảm bảo Bình Nhưỡng thực sự chân thành đối với vấn đề phi hạt nhân hóa.
“Để nối lại các cuộc đàm phán, hành động đi trước chân thành của Triều Tiên là một điều kiện tiên quyết. Đối với vấn đề này, vai trò của Trung Quốc rất quan trọng”, quan chức Seoul nhấn mạnh.
Tháng trước, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận về việc xây dựng một lộ trình đề cao vai trò của Bắc Kinh trong việc khôi phục lại các cuộc đàm phán giải trừ quân bị.
Theo đó, sự hợp tác giữa Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ là rất cần thiết để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, quan chức Seoul nhấn mạnh.