Ông Yuri Poznychenko đã sống ở ngôi làng Stepanovka gần biên giới với Nga này suốt cả cuộc đời mình. Ông kể rằng, mình được sinh ra một vài năm sau khi Hồng Quân Liên Xô giành lại vùng đất này và cả ngọn đồi chiến lược Saur Mogila từ tay Đức Quốc Xã.
Vốn là một người khắc kỷ và giỏi chịu đựng các hoàn cảnh khác nhau, nhưng những sự kiện xảy ra những tháng gần đây đã khiến lão nông dân trào nước mắt.
|
Người phụ nữ đang hướng mắt ra phía bên ngoài, nơi pháo kích đang diễn ra.
|
Vào ngày 28/7 hồi năm ngoái, khi các cuộc đụng độ giữa lực lượng Quân đội chính phủ Ukraine và phe ly khai thân Nga để giành lấy ngôi làng trên diễn ra ác liệt , một tay súng thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia đã bắn chết người con trai 36 tuổi của ông lão.
“Họ (tức lực lượng quân chính phủ) nói rằng, họ nghĩ con trai tôi là một dân quân ly khai. Sau đó, họ đã xin lỗi. Một anh lính chính phủ đã cùng tôi lo hậu sự cho con trai”, ông Poznychenko nói trong khi nhanh tay gạt những giọt nước mắt rơi xuống.
Vào tháng 6/2014, khi đoàn phóng viên CNN tới, Stepanovka còn là một làng quê yên ấm. Người dân tuy nghèo nhưng họ có công ăn việc làm và đủ ăn. Tuy nhiên, giờ đây, mọi thứ đều khác xưa. Các cuộc đụng độ giữa Kiev và phe ly khai nổ ra ở ngôi làng, biến nó trở nên tan hoang.
Ông Poznychenko và vợ mình là những thành viên duy nhất của đại gia đình bám trụ lại Stepanovka. Họ sống trong cảnh thiếu thốn thực phẩm và mất điện triền miên. Ông bảo rằng, chính quyền Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) đang kiểm soát hoàn toàn khu vực trên đã cam kết sẽ khôi phục lại điện. Tuy nhiên, cho tới nay, tình trạng này vẫn chưa được khắc phục.
Cảnh đổ nát đìu hiu sau các cuộc giao tranh quanh làng Stepanovka và nhiều làng mạc khác ở miền đông Ukraine là hình ảnh quen thuộc. Ánh đồng từ những vỏ đạn đã dùng loé lên trong ánh mặt trời mùa đông. Những bao tải cát xệ xuống trên những chiến hào công sự bỏ hoang. Vỏ xe tăng và những xe quân sự khác đã chuyển sang màu vàng hoen gỉ.
Lệnh ngừng bắn được các bên thỏa thuận vào hồi đầu tháng 9/2014 dường như chỉ làm chậm lại diễn biến của cuộc chiến sự vùng Donbass này.
Xuôi về hướng đông, quanh đoạn giao lộ quan trọng và ngã ba đường sắt ở thị trấn Debaltsevo, khoảng 30 tình nguyện viên Kiev vừa tới từ thủ đô đang nhìn vào giữa màn sương mù lạnh giá. Họ chiếm được một khoanh đất bị bao vây bởi ba phía.
Một số tình nguyện viên đã có mặt ở đây 2 tháng. Hầu như ngày nào họ cũng đều hứng các đợt tấn công của phe ly khai. Tuy nhiên, cho tới nay, họ vẫn cố gắng giữ vị trí chiến đấu và đào hầm để chống cái giá lạnh của trời đông buốt giá. Tuy nhiên, họ cầm cự nơi đây mà chưa nhận được tiếp viện nào. Họ khó lòng đánh trả lại bất cứ cuộc tấn công quy mô lớn nào.
Ở thị trấn gần đó, không khí tang thương bao trùm nơi đây. “Pháo kích xảy ra hầu như hàng ngày, từ cả hai bên. Tôi chẳng quan tâm ai kiểm soát nơi đây. Điều tôi muốn chỉ là hòa bình mà thôi”, một người đàn ông đang đứng trên đống đổ nát từ ngôi nhà mình nói.
Từ ngôi làng luôn hứng chiu các đợt pháo kích, bà lão Galina 73 tuổi đã tới vùng Debaltsevo này. Lúc chạy loạn, bà chỉ kịp mang theo những đồ đạc thiết yếu. Nhìn xuống đôi giày cũ kĩ, bà nói rằng, mình rất sợ hãi mỗi đợt pháo kích nổ ra. Bà quá sợ đến nỗi không dám ăn hay ngủ. Hòa bình chưa được lặp lại ở vùng đất chiến sự này.
|
Người dân miền đông Ukraine đang đứng xếp hàng ở một trại tị nạn.
|
Trong khi đó, bên ngoài rạp xiếc cũ của thành phố Donetsk, hàng dài người dân đang kiên nhẫn đứng xếp hàng chờ tới lượt mình để nhận thực phẩm do một tổ chức từ thiện phân phát. Đứng dưới tấm bản áp phích quảng cáo một chương trình xiếc, họ nhận những túi lớn đựng rau củ. Tuy nhiên, cứ cách 2 tuần, họ lại tới đây nhận hàng cứu trợ.
Hầu hết những người đứng đợi đều là người cao tuổi. Một vài bà mẹ đơn thân cũng có mặt ở đó. Nét lo lắng và tiều tụy hiện rõ trên khuôn mặt họ. Số thực phẩm trên do ông trùm ngành thép Rinat Akhmetov hỗ trợ.
Ở gần đấy, một hàng dài người đang đứng ở trạm xe buýt để rời khỏi thành phố Donetsk này. Nhiều người cố gắng đi đăng ký thông tin cá nhân ở các khu vực do chính phủ kiểm soát để họ có thể nhận lương hưu. Tuy nhiên, trong thành phố miền đông này, giờ chẳng còn ngân hàng hay máy rút tiền tự động (ATM) còn hoạt động.
Dẫu rằng vậy, chính quyền DPR đã từng cam kết, họ sẽ nhanh chóng chu cấp lương hưu cho người dân sinh sống ở vùng đất có diện tích xấp xỉ bằng Conneticut. Tuy nhiên, chính quyền nước cộng hòa ly khai tự xưng lại không có bất cứ kinh nghiệm quản lý hành chính một khu vực dân cư rộng lớn nào như Donetsk cả. Người dân thường phàn nàn về sự quản lý của chính quyền DPR. Một số cuộc biểu tình nhỏ đã diễn ra ở các thị trấn.
Dẫu biết rằng, sống trong vùng chiến sự sẽ rất nguy hiểm, những dân Donbass hiểu rằng, họ không có đủ điều kiện để chuyển tới sống ở một nơi an toàn. Do vậy, họ phải vật lộn để tồn tại, để sống sót trong những đợt tấn công từ hai phía.
Bà lão 83 tuổi đang đứng bên ngoài ngân hàng cuối cùng còn hoạt động ở Donetsk này nói: “Tôi không có tiền. Tôi có lẽ sẽ chết vì chẳng có gì để ăn cả”.