Công nghiệp tang lễ nở rộ ở Nhật Bản

Google News

Nhiều công ty tang lễ ở Nhật đưa ra các dịch vụ đa dạng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng tại đất nước có dân số già nhất thế giới.

- Nhiều công ty tang lễ ở Nhật đưa ra các dịch vụ đa dạng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng tại đất nước có dân số già nhất thế giới.

Sổ tay đặc biệt

Khi giới trẻ Nhật nhắc tới từ "shukatsu", ý của họ là "tìm việc". Tuy nhiên, ngày nay, nhiều người lớn tuổi đã chơi chữ để từ này mang một nghĩa khác - chuẩn bị cho lúc rời khỏi thế gian. Dân số Nhật đang già đi một cách rõ rệt và nhanh chóng. Hơn nữa, việc con cái sống cùng bố mẹ dưới một mái nhà không còn phổ biến. Chính vì thế, bố mẹ già ít phụ thuộc vào con cái, thậm chí họ còn tự chuẩn bị mọi thứ cho tang ma của mình.

Theo Viện Nghiên cứu An ninh Xã hội và Dân số Quốc gia Nhật Bản, số người từ 75 tuổi trở lên sống một mình sẽ chạm mốc 4,29 triệu vào năm 2030, gấp đôi tỉ lệ năm 2005.

Đám tang và nơi an nghỉ cuối cùng là những điều quan trọng mà người già tính tới. Ngoài ra, nhiều người còn xét xem họ phải làm gì với tài sản của mình. Bên cạnh tài liệu chính thức như di chúc, còn có các "lưu ý cuối cùng" bao gồm những vấn đề không liên quan tới pháp luật như thông điệp sau khi chết và những lời nhắn nhủ cho họ hàng, bạn bè. Ngoài ra, sổ tay đặc biệt cũng rất phổ biến. Loại sổ tay này cung cấp cho người già cách để phân loại và tổ chức kiểu tang lễ mà họ muốn, liệt kê người thân, bạn bè, thống kê tài chính và cách thức xử lí số tài sản đó.

Công ty sản xuất văn phòng phẩm Kokuyo đã bắt đầu tung ra thị trường sổ tay đặc biệt 64 trang từ tháng 9/2010 và tính đến tháng 6/2012, món hàng này đã tiêu thụ được tới 250.000 bản. Hãng Kokuyo cho biết một nửa trong số khách hàng của họ là từ 60 tuổi trở lên còn một nửa ở khoảng 50 tuổi, thậm chí thấp hơn. "Nhiều người trong số đó còn chưa nghỉ hưu. Điều đó có nghĩa là các thế hệ trẻ hơn cũng muốn chuẩn bị cho mình", phát ngôn viên Hideyuki Ebisawa nói.

Những đám tang kiểu truyền thống không còn phổ biến vì chi phí đắt đỏ.
Những đám tang kiểu truyền thống không còn phổ biến vì chi phí đắt đỏ.

Cạnh tranh, giảm giá

Ngày nay, người già có nhiều lựa chọn hơn trước kia bởi các công ty tang lễ đưa ra các dịch vụ rất đa dạng. Đám ma kiểu truyền thống không còn phổ biến như trước. Để tổ chức nghi lễ kiểu này tại chùa, người ta phải chi tới hơn 1 triệu yen (hơn 265 triệu đồng). Vì thế, nhiều người thích tang lễ nhỏ gọn, không tốn kém.

Ngành công nghiệp tang lễ đã gây ra ảnh hưởng khá lớn. Theo Hiệp hội Tiêu dùng Nhật Bản, chi phí trọn gói cho một tang lễ trung bình vào năm 2007 là 2,31 triệu yen. Trong năm 2010, một năm sau khi tập đoàn Aeon, điều hành một chuỗi siêu thị, tung ra các dịch vụ của mình, chi phí trung bình đã giảm xuống 1,99 triệu yen.

Tập đoàn Aeon còn đưa ra một gói tang lễ với giá chỉ 498.000 yen (132 triệu đồng). Nơi tổ chức tang lễ có thể chứa được 15 - 50 người, phạm vi nhỏ hơn nhiều so với những nhà tang lễ truyền thống.

Trong tháng 4 vừa qua, tập đoàn này đã tổ chức một buổi trưng bày dịch vụ tang lễ tại Tokyo International Forum ở Chiyoda Ward, thu hút 56.000 người tham dự. Bên cạnh đó, Aeon cũng cung cấp các dịch vụ phổ biến như mời nhà sư, mướn người khóc thuê và tư vấn về thuế thừa kế.

Gần đây, giới chức TP Tokyo còn đưa ra dịch vụ jumokuso (đám tang cây cối) dành cho cá nhân. Người ta chỉ cần trả một khoản phí là tro cốt của mình sẽ được chôn dưới gốc cây trong một công viên đặc biệt ở Kodaira. Lợi thế của mô hình này là khách hàng chỉ phải chi trả một lần duy nhất. Công viên này có đủ chỗ cho 10.700 người. Hiện nay, 500 suất đã được bán theo hình thức xổ số vì có tới 8.169 người đăng ký.
Phương Thanh (Theo Japantimes)
[links()]

Bình luận(0)