Trả lời hãng tin AFP, Tsang Kin-shing, có mặt trên con tàu cá Kai Fung số 2, cho biết: "Chúng tôi đi đánh bắt cá". Tuy nhiên, người này từ chối tiết lộ lộ trình của chuyến đi và chỉ cho biết nhóm của ông ta gồm 13 người cùng với 2 nhà báo, tuyên bố sẽ khởi hành đi về hướng quần đảo Trường Sa.
Nhà hoạt động Hong Kong Lo Chau cũng cho biết: "Nếu không có cá ở Nam Sa - cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam, chúng tôi sẽ đi bất kỳ đâu thuộc “lãnh thổ” của Trung Quốc mà có cá, chính vì thế chúng tôi không thể nói ngay lúc này là chỗ nào sẽ có cá”.
|
Nhà hoạt động Hong Kong Lo Chau nói chuyện điện thoại trên tàu cá Kai Fung số 2.
|
Nhóm 13 nhà hoạt động Hong Kong này lên kế hoạch “đi bắt cá” ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Điều này được cho giống hệt "chiêu bài", mà họ từng làm ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp giữa Trung Quốc với Nhật Bản trên Biển Hoa Đông, để khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh.
Cụ thể, vào tháng 8 năm ngoái, nhóm các nhà hoạt động này đã sử dụng một tàu cá tiếp cận Điếu Ngư/Senkaku - quần đảo tranh chấp giữa Bắc Kinh và Tokyo, cắm một lá cờ Trung Quốc tại đây, nhưng đã bị bắt giữ và trục xuất bởi chính quyền Nhật Bản.
Lần này, lấy cớ đi câu cá ở quần đảo Trường Sa, không loại trừ khả năng nhóm này cố tình tiếp cận các khu vực đang là điểm nóng tranh chấp chủ quyền để thực hiện mưu đồ chính trị.
Tuy nhiên, thuyền cá chở nhóm tới Trường Sa đã bị cấm rời khỏi vùng biển Hong Kong. Chiếc thuyền cá tên là Kai Fung số 2, xuất phát từ cảng Victoria của Hong Kong đã bị kiểm tra đột xuất. Sau quá trình kiểm tra kéo dài hơn một giờ, chiếc thuyền bị kéo về bến cảng với các tàu chính phủ theo sau giám sát.
"Cục Hàng hải và Cảnh sát đã quyết liệt kéo chiếc thuyền đến trạm an ninh", một tuyên bố của nhóm cho biết vào cuối ngày qua. Cảnh sát Hong Kong chưa bình luận về vấn đề này.
Trước đó, tháng 8 năm nay, nhóm này cũng cố tiếp cận quần đảo Điếu Ngư/Senkaku lần thứ 2 nhưng bị Cục Hàng hải Hồng Kông chặn lại với “lý do an toàn”.