Uẩn khúc khó giải quanh cái chết của Alexander đại đế

Google News

(Kiến Thức) - Alexander đại đế qua đời ngày 11/6/323 TCN. Cho đến nay, cái chết của nhà cầm quân lỗi lạc này vẫn là một bí ẩn.

Alexander Đại đế được đánh giá là một trong những danh tướng kiệt xuất của nhân loại khi chinh phạt được nhiều vùng đất trên thế giới. Tên tuổi của Quốc vương thứ 14 của nhà Argead ở vương quốc Macedonia (thời kỳ 336 TCN - 323 TCN) được xếp chung vào danh sách với những nhà cầm quân tài ba khác trong lịch sử như Napoleon Bonaparte, Julius Caesar và Thành Cát Tư Hãn.
Alexander đại đế qua đời năm 323 TCN tại cung điện của Nebechadnezzar II ở Babylon sau khi ông lên cơn sốt và rất nhanh sau đó, không thể nói năng và đi lại. Vị hoàng đế vĩ đại của thế giới cổ đại này lâm bệnh trong 12 ngày trước khi qua đời ở tuổi 32. Nguyên nhân cái chết của Alexander Đại đế đã trở thành câu hỏi lớn đánh đố giới chuyên gia trong hơn 2.000 năm qua. Nhiều giả thuyết về cái chết của Alexander Đại đế được đưa ra nhưng đều chưa được chứng minh.
Tiến sĩ Leo Schep - nhà độc học công tác tại Trung tâm Chất độc quốc gia ở New Zealand nhận định Alexander Đại đế không có khả năng bị đầu độc bằng thạch tín như một số giả thuyết. Bởi lẽ, nếu Alexander Đại đế bị đầu độc bằng thạch tín thì sẽ qua đời rất nhanh.
Uan khuc kho giai quanh cai chet cua Alexander dai de
 Alexander Đại đế qua đời năm 32 tuổi để lại một bí ẩn khó giải.
Thay vào đó, trong nghiên cứu mới của mình, tiến sĩ Schep lập luận rằng, veratrum album - một loại cây có độc họ lily, còn được biết đến dưới cái tên cây lê lư trắng hay cây lê lư giả có thể được sử dụng làm độc dược đầu độc Alexander Đại đế.
Đây là loại cây thường được người Hy Lạp để cho lên men sau đó sử dụng như là một phương pháp điều trị bằng thảo dược để người bệnh nôn ra các chất độc. Điều quan trọng hơn đó là veratrum album cũng có thể là nguyên nhân khiến Alexander Đại đế lâm bệnh trong 12 ngày trước khi qua đời.
Giả thuyết này khá trùng khớp với một ghi chép về cái chết của Alexander Đại đế của nhà sử học cổ đại Hy Lạp có tên Diodorus. Theo bản ghi chép đó, Alexander Đại đế nói rằng ông cảm nhận thấy cơn đau sau khi uống một bát rượu hỗn hợp để vinh danh Hercules.
“Dấu hiệu của việc bị đầu độc bằng vetratrum là sự bắt đầu đột ngột của cơn đau ở phần bụng trên và xương ức, có thể kèm theo cảm giác buồn nôn và nôn mửa. Kế đến là nhịp tim chậm, huyết áp giảm và yếu cơ. Alexander Đại đế đã có các triệu chứng tương tự khi lâm bệnh”, trích nội dung trong bản nghiên cứu được đăng trên tạp chí y học Clinical Toxicology.
Tiến sĩ Schep đã nghiên cứu bí ẩn về cái chết của Alexander Đại đế trong hơn 10 năm sau khi ông được một nhóm tiếp cận, đề nghị phối hợp thực hiện một bộ phim tài liệu của BBC năm 2003. Tuy nhiên, tiến sĩ Schep lưu ý rằng mặc dù ông đã đưa ra một giả thuyết nhưng nguyên nhân thật sự dẫn đến cái chết của Alexander Đại đế vẫn chưa được chứng minh.
Một giả thuyết khác được đưa ra đó là Alexander Đại đế chết vì bệnh tật. Theo đó, nhà cầm quân lỗi lạc này qua đời có thể là vì mắc bệnh sốt rét hoặc thương hàn. Tuy nhiên cũng có người cho rằng Alexander Đại đế bị ám sát khi có nhiều kẻ thù muốn lấy mạng ông. Nhiều người được cho là có động cơ giết hại Alexander Đại đế như âm mưu giết cha giành vương quyền của con cái nhà cầm quân này hay tướng quân của Alexander Đại Đế không thực hiện bất cứ mệnh lệnh nào của nhà vua và từng tham gia nổi dậy.
Cho đến nay, rất nhiều giả thuyết về cái chết của Alexander Đại Đế được đưa ra và trở thành chủ đề tranh luận sôi nổi. Tuy nhiên, tất cả chỉ đều là giả thuyết và không có ai có thể chứng minh được giả thuyết của mình là đúng hoàn toàn.
Video 5 sự thật thú vị về Alexander Đại đế (nguồn: History Answers):

Tâm Anh (theo Independent, Topsecretwriters)

Bình luận(0)