Gia Cát Lượng là một quân sư toàn tài có khả năng "liệu việc như thần", một nhà ngoại giao cự phách và cũng là một nhà phát minh tài năng. Khi nhắc đến mối quan hệ giữa Lưu Bị và Gia Cát Lượng, dân gian vẫn thường lưu truyền câu chuyện Lưu Bị ba lần đến lều tranh tìm Gia Cát Lượng cũng như sự trân trọng tài năng tuyệt đỉnh của Lượng.
Trong mắt của người đời sau, khi Gia Cát Lượng đồng ý về bên Lưu Bị làm quân sư, hai người thân thiết và gắn bó như cá với nước. Lưu Bị và Gia Cát Lượng trở thành hình mẫu chuẩn trong quan hệ quân – thần.
Tuy nhiên, theo Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc CRI, nếu điểm lại một số sự kiện trong thực tế lịch sử Trung Quốc, người ta hiểu rằng, sau khi Lưu Bị tam cố thảo lư đến khi gửi con ở Thành Bạch Đế, quan hệ giữa Lưu Bị và Gia Cát Lượng không hề thân thiết như "Tam Quốc Diễn Nghĩa" khắc họa. Khổng Minh càng không phải là người Lưu Bị ưu ái nhất ở nước Thục.
|
Lưu Bị ba lần tới lều tranh để mời Gia Cát Lượng làm quân sư. Ảnh minh họa: CRI.
|
Sau trận Xích Bích, Lưu Bị tiến hành chiến dịch giành Tây Xuyên. Dù Gia Cát Lượng trấn giữ Kinh Châu, nhưng Lưu Bị vẫn dùng Bàng Thống và Pháp Chính làm người trợ thủ chính để lấy Thục. Mãi về sau Lưu Bị mới điều Gia Cát Lượng dẫn quân vào Tây Xuyên.
Trong cuộc chiến giành Hán Trung, trợ thủ chính cho Lưu Bị vẫn là Pháp Chính, còn Gia Cát Lượng chỉ ở phía sau làm công tác hậu cần. Trong chiến dịch này, Gia Cát Lượng không phát huy tác dụng ở vai trò tham mưu. Đến khi Lưu Bị chính thức quản lý Hán Trung, vị trí của Gia Cát Lượng vẫn xếp sau Pháp Chính.
Một thực tế khác mà sử sách ghi chép lại, rằng Lưu Bị vô cùng tin tưởng Quan Vũ. Ông giao Quan Vũ trấn thủ Kinh Châu, một nơi vô cùng quan trọng, nhưng cuối cùng Kinh Châu vẫn thất thủ. Nếu khi đó Lưu Bị cho Quan Vũ vào Xuyên Trung, để Gia Cát Lượng lưu lại Kinh Châu thì rất có thể kết cục không thảm hại như vậy.
Sau khi Quan Vũ thất thủ ở Kinh Châu, Lưu Bị điều binh đánh Ngô, nhưng cũng không cho Gia Cát Lượng tham gia, thậm chí không hề quan tâm tới ý kiến của Lượng. Sau khi quân Thục rơi vào vòng vây của lửa và thất bại thảm hại, Gia Cát Lượng mới cảm thán rằng: "Nếu Pháp Chính ở đây tất khuyên được Chủ không tiến quân sang phía đông, giờ tiến quân sang đông, tất rơi vào hiểm nguy." Câu nói cho thấy, trong mắt Lưu Bị, vị trí số một thuộc về Pháp Chính chứ không phải Gia Cát Lượng.
Bất đồng quan điểm
|
Lưu Bị và quân sư Khổng Minh Gia Cát Lượng. Ảnh minh họa: Sohu. |
Để giải thích cho thực tế này, giới học giả đưa ra nhiều lý do. Thứ nhất, tư duy chiến lược của Lưu Bị và Gia Cát Lượng không thể thống nhất. Theo "Long Trung đối sách", Gia Cát Lượng cho rằng cách duy nhất để Lưu Bị củng cố quyền lực chỉ có thể là chiếm Kinh Châu và Ích Châu.
Kinh Châu khi đó do Lưu Biểu, một người đã già lại không có người kế nghiệp thực sự tài giỏi, nắm giữ. Nếu Lưu Bị chiếm Kinh Châu thì đường vào nước Thục sẽ rộng mở, đồng thời có lợi thế về phòng thủ vì Kinh Châu được Hán Thủy và Miện Thủy che chở.
Ích Châu là vùng đất do Lưu Chương, một tôn thất khác của nhà Hán, quản lý. Người này cũng không phải bậc gian hùng tới mức không thể đánh bại. Ngoài ra, Ích Châu chính là đất khởi nghiệp của Bái Công Lưu Bang, là vùng đất cực kỳ hiểm trở, sản vật phong phú.
Sau khi chiếm Kinh Châu, Ích Châu, Lưu Bị chỉ còn việc ổn định lãnh thổ, xây dựng quân đội, bắc địch Tào Tháo, đông hòa Tôn Quyền, chờ thời cơ thiên hạ có biến để tiêu diệt cả hai đối thủ chính, thống nhất Trung Quốc.
Tuy nhiên, Lưu Bị lại là người theo chủ nghĩa cơ hội, chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, không có cái nhìn chiến lược lâu dài. Ông chỉ muốn chiếm cứ một phương, làm vương ở một nước nên không coi trọng ý tưởng liên kết với Ngô của Gia Cát Lượng. Bên cạnh đó, Lưu Bị không tin tưởng Gia Cát Lượng. Anh trai của Gia Cát Lượng là Gia Cát Cẩn giữ trọng trách ở nước Ngô, hơn nữa từng là sứ thần nước Ngô sang Kinh Châu thương lượng.
Phải đối mặt với mối quan hệ phức tạp ấy, Lưu Bị vẫn không xóa bỏ được mối nghi ngờ cá nhân với Gia Cát Lượng. Trong "Độc thông niên luận", Vương Phu Chi cũng phân tích rất sâu sắc về mối quan hệ giữa Lưu Bị và Gia Cát Lượng. Ông viết rằng, ý tưởng của Gia Cát Lượng là nhất định phải giữ Hán, diệt Tào. Nếu không liên kết với Đông Ngô mà phải chịu sự khống chế của nó, thì khó lòng tiến hành Bắc phạt.
Còn ý đồ của Lưu Bị lại khác. Lưu Bị lúc đầu muốn tự cường, sau lại muốn tự lập vương nên đã hợp nhất với Quan Vũ. Vì thế Lưu Bị không tin Gia Cát Lượng bằng Quan Vũ. Lòng nghi ngờ mối quan hệ giữa Lượng và Đông Ngô quá sâu sắc. Thậm chí Lưu Bị còn nghi ngờ Lượng câu kết với Tử Du. Về sự kiện gửi con ở Bạch Đế Thành, Lưu Bị để Gia Cát Lượng nhận Lưu Thiện làm con nuôi có thể coi là chuyện cực chẳng đã. Khi Lưu Bị sắp lâm chung, mâu thuẫn giữa Ích Châu và Kinh Châu đã vô cùng sâu sắc, Lưu Thiện lại không phải là quân vương kiệt xuất, không đủ khả năng xử lý tình thế phức tạp khi đó. Hơn nữa Pháp Chính, Bàng Thống đã qua đời, người duy nhất Lưu Bị có thể dựa chỉ là Gia Cát Lượng.