Thành Thái tên thật là Nguyễn Phúc Bửu Lân là con thứ 7 của vua Dục Đức và bà Từ Minh Huệ hoàng hậu Phan Thị Điểu. Ông sinh năm Kỷ Mão 1879. Sau khi vua Đồng Khánh mất năm 1888, ông được khâm sứ Pháp Rheinart và triều đình chọn nối ngôi.
Vua Thành Thái có người cô ruột là công nữ Thiện Niệm. Chồng bà này là Diệp Văn Cương, làm thông dịch cho Công sứ Pháp với Nam triều. Việc Thành Thái được lên ngôi là nhờ vào sự khéo léo của ông này trong quá trình thông dịch giữa Nam triều với đại diện của Pháp. Lễ đăng quang của vua Thành Thái tổ chức vào năm 1889.
Xung quanh vua Thành Thái có nhiều giai thoại tình ái, nhiều lần lẻn ra khỏi cung đi chơi đêm nên có khi người ta tưởng lầm rằng ông là người ham chơi bời. Thực chất, vua Thành Thái lại là một người sớm có tinh thần chống Pháp. Không thể theo con đường như vua Hàm Nghi vì xung quanh ông giờ đây toàn là tai mắt của người Pháp, vua Thành Thái lựa chọn một cách riêng. Ông đã xây dựng những đội nữ binh để chờ thời cơ nổi lên đánh Pháp.
Sách Chuyện tình vua chúa hoàng tộc Việt Nam nói rằng: “Lợi dụng cái yếu của xã hội trọng nam khinh nữ, khi người ta (kể cả người Pháp) ít chú ý đến võ lực của nữ, mà trong tam cung lục viện, với sự kín đáo của Đại nội, của Tử Cấm Thành, số nữ lại đông nhất vì triều đình có quyền tuyển nữ. Vậy nên Thành Thái nghĩ đến việc dùng lực lượng phái đẹp chống Pháp, giành độc lập”.
|
Vua Thành Thái trong một lần đi thăm toàn quyền Pháp. Ảnh: Internet. |
Để làm việc này, vua Thành Thái thường giả vờ đóng vai một người hám sắc, đi bắt phụ nữ nhập cung để luyện tập quân sự. Việc này tất nhiên được làm một cách hoàn toàn bí mật. Đầu tiên nhà vua cho cận vệ thân tín đến tiếp xúc với những người ông chọn và gia đình họ. Nếu đồng ý thì ông sẽ hẹn ngày giờ và địa điểm rồi “dàn cảnh” bắt cóc đưa về cung cấm.
Thường một đội nữ binh gồm 50 người. Sau khi luyện tập quân sự đã thuần thục, đội này lại được bí mật trao trả về gia đình đợi khi cần thì nhập ngũ chống Pháp và nhà vua lại tuyển lựa một đội mới.
Để bảo mật, các nàng bị “bắt cóc làm vợ” thường được đưa vào Tử Cấm thành bằng cửa hữu của Phòng thành vì đường chạy dọc bên ngoài hoàng thành dẫn đến cửa hữu rất vắng vào ban đêm, hai bên đường lại không có nhà dân chúng. Cửa này lại nằm gần làng Kim Long, bởi thế, các nàng ở làng này được ưu tiên tuyển mộ nhiều hơn cả.
Đáng chú ý là các nàng thiếu nữ làng An Ninh (giáp Kim Long) được tuyển mộ hầu hết là thợ dệt vải, vì An Ninh là nơi dệt vải nổi tiếng. Do đó, Thành Thái cho tổ chức ở Đại nội các chợ bán vải do các nữ binh ấy dệt trong Đại nội để vừa che mắt được địch vừa cho nữ binh có việc làm mà trang trải các phí tổn, kể cả may quân phục.
Cùng với việc lập đội nữ binh, vua Thành Thái còn tích cực nghiên cứu các loại vũ khí tân tiến. Ông đã nhờ họa sĩ Lê Văn Miến (tốt nghiệp trường Mỹ thuật Paris) vẽ các kiểu súng Pháp để ông cho đúc và trang bị cho đội nữ binh.
Mọi việc đang tiến hành thuận lợi, nhà vua đã chiêu nạp được 4 đội thì sự việc bị bại lộ do thượng thư Bộ Lại và Cơ mật viện báo cho Khâm sứ Pháp là Levécque. Để che mắt, Thành Thái giả điên cào cấu các bà cung phi thân Pháp và xé hết các bản vẽ vũ khí.
Lợi dụng cơ hội này, người Pháp vu cho ông bị điên để ép ông thoái vị. Khâm sứ Pháp nói thẳng là đã biết ông có ý đồ chống Pháp nên không để ông ở ngôi được. Nếu muốn tại vị thì ông phải ký vào một tờ giấy xin lỗi, tuyên bố với quốc dân là có mưu đồ chống lại nước Pháp, nay phải thành thực hồi tâm. Nhưng Thành Thái đã ném thẳng tờ tuyên cáo thảo sẵn ấy xuống đất từ chối.
Năm 1907, ông bị phế truất rồi bị đưa đi quản thúc tại Vũng Tàu và 9 năm sau ông cùng với vua Duy Tân bị đày ra đảo Réunion. Bởi thế đội nữ binh của ông chưa có cơ hội xuất trận. Tuy nhiên, điều đó chứng tỏ ông là người có tinh thần chống Pháp chứ không phải chỉ là hạng vua bù nhìn cam chịu mất nước.