Nguyễn Chí Thanh – vị tướng của những phong trào lịch sử

Google News

(Kiến Thức) - Nói đến tướng Nguyễn Chí Thanh, có một điểm nổi bật đặc biệt là ở đâu có ông, ở đó bùng lên những phong trào sôi nổi và thiết thực.

Ông tướng nông dân
Nhiều người gọi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là ông tướng nông dân. Tên gọi này có nhiều ý nghĩa. Một là ông vốn xuất thân nông dân, 14 tuổi đã phải bỏ học đi làm tá điền kiếm sống nuôi gia đình sau khi cha ông mất. Việc học hành dở dang nhưng ông chịu khó tự học nên có vốn kiến thức rất rộng. 
Nhiều cán bộ từng làm việc với ông viết trong cuốn sách Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đều thừa nhận ông hiểu biết rộng lớn, lập luận rất chặt chẽ. Như tướng Trần Độ nói: “Nhiều lúc anh nói mà tôi cảm tưởng anh đang nhắc lại các bài giảng mà tôi được học ở học viện quân sự của Liên Xô”.
 Tướng Nguyễn Chí Thanh xem ngô giống một gia đình ở Tây Bắc thời làm Trưởng ban Nông nghiệp TƯ. Ảnh tư liệu.
Thứ hai là năm 1960, khi ông đang là Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của quân đội thì Trung ương điều sang làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương. Như vậy là từ ông tướng cầm quân, tướng Thanh sang làm Tư lệnh mặt trận Nông nghiệp.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1/1/1914 - 1/1/2014), Kiến Thức xin gửi tới bạn đọc bài viết: "Nguyễn Chí Thanh – vị tướng của những phong trào lịch sử" . 
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vốn tên là Nguyễn Vịnh. Ông sinh ngày 1/1/1914 tại làng Niêm Phò, huyện Quảng Điền – Thừa Thiên Huế. Trong kháng chiến chống Pháp, ông là Chủ nhiệm Việt Minh Trung bộ, Bí thư xứ ủy Trung Kỳ kiêm Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên Huế. Ông là người có công tổ chức kháng chiến chống Pháp ở miền Trung và thường được người dân ca ngợi là linh hồn của Bình Trị Thiên kháng chiến.
Cuối năm 1950, Trung ương gọi ông về Việt Bắc nhận chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của quân đội. Năm 1959, trong đợt phong quân hàm thứ hai của quân đội ta, ông đã được Bác Hồ đã ký sắc lệnh phong quân hàm Đại tướng. Sau tướng Giáp, Nguyễn Chí Thanh là người thứ 2 được phong ngay một lần quân hàm Đại tướng.
Nhận thấy ở tướng Thanh sự tháo vát và năng lực tổ chức tốt, cuối năm 1960, Trung ương Đảng điều ông sang mặt trận Nông nghiệp vốn đang gặp nhiều khó khăn. Giao nhiệm vụ Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương cho ông, Bác Hồ dặn: “Phong trào mới nhóm, trầm trầm. Chú hãy cố gắng tìm cho được điển hình tốt rút kinh nghiệm và phát huy nó lên để đánh tan bầu không khí kém phấn khởi”.
Nhận nhiệm vụ, tướng Thanh rất tích cực đi thực tế cơ sở. Từ những hợp tác xã ở đồng bằng đến các bản làng miền núi đều lưu dấu chân ông. Quan điểm của tướng Thanh là phải đi sâu đi sát với thực tế thì mới thấy được những cái mới, cách làm hay, điển hình tốt cũng như các mặt yếu kém để từ đó có phương hướng công tác.
Ngay trong năm 1960, tướng Thanh về thăm hợp tác xã Đại Phong (xã Phong Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) – một hợp tác xã tiên tiến, điển hình về phong trào hợp tác hóa sản xuất nông nghiệp.
Hợp tác xã Đại Phong mới ra đời từ năm 1959. Trước thời điểm hợp tác xã ra đời, mỗi năm nông dân chỉ cấy được một vụ còn lại phải bỏ hoang vì đất nhiễm mặn. Sau khi hợp tác xã ra đời, người dân Đại Phong quyết tâm khai hoang mở rộng sản xuất và thâm canh tăng vụ.
Người dân Đại Phong được tập hợp trong hợp tác xã đã không tiếc công sức đào hàng ngàn mét khối đất để đắp đê ngăn mặn, cải tạo ruộng đồng. Đất đai không phụ nông phu, từ những đầm phá nhiễm mặn mênh mông nước, nay đã biến thành những cánh đồng. Từ đây nông dân Đại Phong đã cấy được 2 vụ một năm, đẩy lùi được đói nghèo và còn có thóc dư đưa ra miền Bắc.
Sau khi thăm hợp tác xã Đại Phong về, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã lập tức cho phổ biến mô hình Đại Phong lên báo đài. Từ đó dấy lên một phong trào thi đua lao động sản xuất sôi nổi, rầm rộ, rộng khắp nông thôn miền Bắc đầu những năm 1960. Đó là phong trào học tập, đuổi kịp và vượt hợp tác xã Đại Phong.
Nói về đóng góp của tướng Thanh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, sách ảnh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đánh giá: “Thời gian trực tiếp phụ trách mặt trận nông nghiệp không dài (từ cuối năm 1960 – 1963) nhưng đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã có những cống hiến quan trọng, góp phần tạo nên “luồng gió mới” trên đồng ruộng Việt Nam trong những năm tháng cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đồng chí đóng góp rất lớn vào việc củng cố, đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa và phát triển sản xuất nông nghiệp”.
Cờ ba nhất trong luyện quân
Trước khi phong trào “Gió Đại Phong” bùng lên trên mặt trận nông nghiệp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã khơi dậy một phong trào khác không kém phần sôi nổi trong quân đội. Đó là phong trào thi đua “Cờ Ba nhất”.
Một đơn vị luyện tập hưởng ứng phong trào "Cờ Ba Nhất". Ảnh chụp từ sách ảnh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Phong trào này nảy mầm từ đại đội 2, tiểu đoàn 10, trung đoàn 68 pháo binh thuộc đại đoàn 304. Trước đây đơn vị này là đơn vị còn nhiều yếu kém trong huấn luyện nhưng sau một thời gian kiên quyết phấn đấu chống tư tưởng bảo thủ, trì trệ, ra sức khiêm tốn học tập, quyết tâm vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật nên đơn vị đã trở thành đơn vị tiên tiến. Ngày 18/6/1960, trong hội thi pháo binh toàn quân, đơn vị đã được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thay mặt Tổng quân ủy tuyên dương thành tích và trao tặng danh hiệu “Ba nhất”.
Sau sự kiện này, “Ba nhất” đã được phát triển thành một phong trào có sức lan tỏa trong toàn quân. Nội dung “Ba nhất” gồm: nhất về huấn luyện quân sự, rèn luyện kỹ thuật; nhất về gương mẫu kỷ luật và nhất về lao động sản xuất.
Mục tiêu “Ba nhất” được nêu lên như một khẩu hiệu hành động có sức hấp dẫn mạnh mẽ trong các đơn vị quân đội. Trước tiên, ở trong binh chủng Pháo binh, các đoàn pháo binh: Tất Thắng, Yên Thế, Trường Sơn đã nhanh chóng đặt mục tiêu đuổi kịp và vượt thành tích của đại đội 2 pháo binh của đại đoàn 304. Kế đó, các đơn vị khác trong toàn quân cũng sáng tạo các chương trình để thi đua tạo nên phong trào “Cờ Ba Nhất” sôi nổi trong quân đội những năm 1960.
Đối với sự phát triển quân đội, phong trào “Cờ Ba Nhất” có những tác dụng rất tích cực. Nó lấy huấn luyện chiến đấu, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu làm trung tâm, lấy việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị mình làm mục tiêu thi đua cụ thể.
Nội dung của “Cờ Ba Nhất” bao gồm từ huấn luyện chính trị đến quân sự nên rất toàn diện. Qua thực tiễn phát triển phong trào, các đơn vị lại sáng tạo ra nhiều hình thức phong phú. Việc thi đua giúp cho các đơn vị trong quân đội có mục tiêu phấn đấu để vượt các đơn vị bạn mà cũng là vượt qua sức ỳ, trì trệ của chính mình.
Những năm 1960 nước ta có ba phong trào lớn là “Sóng Duyên Hải” của công nhân, “Gió Đại Phong” của nông dân và “Cờ Ba Nhất” của quân đội. Ở Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1960, Bác Hồ nói: “Công nhân phất cao ngọn cờ Duyên Hải, nông dân phất cao ngọn cờ Đại Phong, quân đội anh hùng phất cao ngọn cờ Ba Nhất. Công-Nông-Binh đại thi đua, đại đoàn kết, CNXH nhất định thành công, Nam Bắc nhất định thống nhất một nhà”.
Trong 3 phong trào đó thì 2 phong trào có vai trò và công lao khởi xướng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Bởi thế, ông xứng đáng với danh hiệu một vị tướng phong trào như cách gọi kính trọng của những đồng chí, đồng đội.
Vũ Tiến Đức

Bình luận(0)