Lạ lùng những người “thà chết không chịu làm vua”

Google News

(Kiến Thức) - Vua chúa tưởng như là ngôi vị mà ai cũng muốn giành được. Nhưng lịch sử Việt Nam đã ghi nhận nhiều trường hợp trái ngược hoàn toàn.

Hiệp Hòa và ngôi báu “từ trên trời rơi xuống”
Vua Hiệp Hòa (1847 – 1883) tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Dật, là con út trong số 29 người con của vua Thiệu Trị. Ông “bị” làm vua trong một hoàn cảnh khá đặc biệt để rồi phải trả giá bằng mạng sống của mình.
Tháng 10/1883, sau khi vua Tự Đức mất, theo di chiếu, Hoàng tử trưởng Dục Đức (là con nuôi) lên nối ngôi, nhưng chỉ làm vua được 3 ngày thì bị hai Phụ chính Đại thần là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường bức chết và đề nghị lên Hoàng thái hậu Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức), đưa Hồng Dật lên làm vua.
 Vua Hiệp Hòa.
Hồng Dật khi đó đã 36 tuổi, đang sinh sống tại xóm nghèo Kim Long như một người dân thường. Khi binh lính đến rước về cung để đưa lên làm vua mới, Dật đã quá sợ khóc rống lên, cố hết sức thoái thác. Đình thần phải đến tận nơi năn nỉ, nhưng Hồng Dật vẫn không đi, nên cuối cùng phải dùng đến vũ lực để đưa ông vào kinh thành.
Ngày 30/7/1883, Hồng Dật lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Hiệp Hòa. Trong thời gian làm vua bất đắc dĩ, ông tỏ ra nhu nhược, sẵn sàng thỏa hiệp với thực dân Pháp.
Làm vua được 4 tháng thì Hiệp Hòa viết chiếu xin thôi làm vua. Các quan Phụ chính đại thần có tư tưởng cấp tiến vốn không ưa Hiệp Hòa nên giả vờ đồng ý, cho khiêng võng ra ngoài thành rồi buộc ông uống thuốc độc mà chết.
Trịnh Bồng trốn mất tăm mất tích để khỏi phải làm chúa
Trịnh Bồng ( 1740-1787 ) là vị chúa thứ 12, cũng là vị chúa cuối cùng trong các chúa Trịnh của lịch sử Việt Nam. Ông là con của Uy Nam Vương Trịnh Giang, anh họ của Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm và là bác họ của Đoan Nam Vương Trịnh Khải. Khi cha con Trịnh Sâm cầm quyền, ông được phong là Côn Quận Công.
Khi xảy ra vụ án năm Canh Tý (Trịnh Khải âm mưu dấy loạn để giành quyền lực năm 1780), Trịnh Khải bị Trịnh Sâm ghét và phế làm con út không cho kế nghiệp, nhưng con thứ là Trịnh Cán lại quá yếu đuối.
Sau khi Trịnh Sâm mất, Trịnh Cán lên ngôi chúa. Lực lượng kiêu binh đã nổi loạn lật đổ Trịnh Cán và rước Trịnh Bồng lên làm chúa. Tuy nhiên, bao nhiêu lần Trịnh Bồng được đưa về phủ chúa là bấy nhiêu lần ông bỏ trốn. Không thuyết phục được Trịnh Bồng, kiêu binh bèn lập Trịnh Khải làm chúa.
Trong thời gian trốn chạy, Trịnh Bồng sống lẩn lút ở ven biển rồi sau đó cạo đầu đi tu, tự xưng là Hải Đạt thiền sư, đi khắp vùng Lạng Sơn, Cao Bằng.
Sau khi Trịnh Khải chết trong tay quân Tây Sơn, phe cánh họ Trịnh lại tìm kiếm Trịnh Bồng để dựng làm chúa. Khi người của triều đình tìm gặp, Trịnh Bồng chối rằng mình không phải là con cháu họ Trịnh, rồi sau lộ tung tích thì vẫn một mực chối từ về làm chúa. Cuối cùng ông trốn biệt vào rừng sâu và chết mất tăm mất tích mà không ai hay.
Hoàng tử Linh Lang từ chối ngôi vua
Hoàng tử Linh Lang là một nhân vật gắn liền với lịch sử Việt Nam thời nhà Lý, hầu như không xuất hiện trong chính sử mà chỉ được nhắc đến nhiều qua các thần phả.
Theo đó, Linh Lang là con vua Lý Thánh Tông, sinh 1064, được đặt tên là Hoằng Chân. Mẹ ông là cung phi thứ 9, quê ở Đồng Đoàn xã Bồng Lai, Đan Phượng, trấn Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội). Có thần phả lại ghi ông là con vua Lý Thái Tông, tên Hoàng Lang và không rõ năm sinh.
Sự nghiệp của Linh Lang được các nguồn tài liệu đề cập khác nhau. Có nguồn ghi rằng khi quân Tống sang đánh, Linh Lang xin vua cấp 5.000 quân và voi trận ra dẹp được. Sau tiệc mừng thắng trận, nhà vua tỏ ý muốn nhường ngôi, nhưng ông không nhận. Sau đó ít lâu, ông lâm bệnh nặng và qua đời.
Có thần phả thì cho rằng, Linh Lang vốn là con của thủy cung, được lệnh đầu thai làm con trai vua để đánh giặc giữ nước. Sau khi đánh lui quân giặc, ông đã từ chối ngôi vị rồi hóa thành thuồng luồng và biến mất trong làn nước hồ Tây.
Ngày nay Linh Lang là vị thần được thờ tại nhiều ngôi đền khác nhau, nổi tiếng nhất là đền Voi Phục (phường Ngọc Khánh, Hà Nội) - một trong Tứ trấn của kinh thành Thăng Long xưa.
Hoàng Phương

Bình luận(0)