Vật tượng trưng quyền lực
Ngày 30/8/1945, vua Bảo Đại đọc chiếu thoái vị trong buổi mít tinh có 5 vạn dân Huế tham gia. Nền quân chủ phong kiến nghìn năm ở Việt Nam từ đây chấm dứt. Trong buổi lễ này, Bảo Đại đã trao cho ông Trần Huy Liệu – Trưởng đoàn đại diện Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cái ấn vàng và thanh kiếm – là những vật tượng trưng cho quyền lực nhà vua và triều đình phong kiến.
Trong cuốn sách Cõi người của Trần Huy Liệu có nói rõ chiếc quốc ấn mà Bảo Đại trao cho ông bằng vàng nặng đến 7 kg. Lúc đó ông Trần Huy Liệu với sức vóc anh học trò lại bị lao tù nhiều năm nên phải lấy hết sức bình sinh mới giơ được lên cao cho đồng bào ở bốn phía nhìn thấy.
|
Một thanh kiếm vàng của vua triều Nguyễn chế tạo thế kỷ 19. Ảnh: Thể thao văn hóa.
|
Ngoài thanh kiếm nạm ngọc và cặp quốc ấn, trong buổi thoái vị, Bảo Đại còn trao cho Trần Huy Liệu một cái túi gấm bên trong có bộ quân cờ bằng ngọc. Tất cả những vật này là tài sản quốc dân nên sau đó được đưa về Hà Nội cho Chính phủ lâm thời bảo quản.
Hành trình lưu lạc
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân viết trong sách Chuyện nội cung cựu hoàng Bảo Đại thì 2 vật này có một hành trình lưu lạc khá ly kỳ.
Dẫn lời bà thứ phi Mộng Điệp, Nguyễn Đắc Xuân cho biết năm 1952, chính quyền thực dân Pháp đã trao trả lại cho Bảo Đại cặp ấn kiếm. Lúc đó Bảo Đại không ở trong nước nên bà Mộng Điệp được gọi đến nhận. Do chưa từng nhìn thấy những vật này bao giờ, bà Mộng Điệp không an tâm nên đã mời cả bà Từ Cung (mẹ cựu hoàng Bảo Đại) đi máy bay lên Buôn Mê Thuột để cùng nhận.
Đến khi Bảo Đại trở về, biết chuyện ông đã lấy ngay hai vật này ra xem và nhận là đúng cặp ấn kiếm ông đã trao cho đại diện Chính phủ lâm thời hồi 1945. Ông còn nói: “Ờ đúng rồi. Ngày xưa những thứ này ra đi nó cứu mạng anh”.
|
Ấn vàng Hoàng đế tôn thân chi bảo nặng 8,7 kg, chiếc ấn này hiện còn ở Việt Nam. Ảnh: Thể thao văn hóa
|
Về sau ta biết thêm là khi toàn quốc kháng chiến nổ ra, Chính phủ ta đã cho chôn giấu nhiều đồ vật tài sản nếu không kịp đem ra chiến khu. Trong số đó có những bảo vật của triều Nguyễn như cặp ấn kiếm nói trên.
Về thời điểm cặp ấn kiếm được quân Pháp tìm thấy có những tài liệu khác nhau. Có người nói cuối năm 1946 quân Pháp đào đất xây đồn bốt ở ngoại thành đã bắt gặp 1 thùng dầu hỏa bằng sắt tây bên trong có cái kiếm bị bẻ đôi sơn màu đen cùng một cái ấn. Một nguồn tin khác nói rằng, ngày quân Pháp bắt gặp ấn kiếm ngày 28/2/1952 ở làng Nghĩa Đô và thanh kiếm bị gãy là do trong lúc đào bới người ta chạm vào.
Bà Mộng Điệp cũng kể với nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân rằng “Chính tay tôi đã lau chùi (cho cặp ấn kiếm) khi ông Lê Thanh Cảnh đi tàu bay từ Hà Nội đem lên Ban Mê Thuột giao cho tôi. Cái kiếm bị bẻ làm đôi. Tôi nhờ hai người hầu cận là anh Tứ Lang và anh Thừa Tể đi hàn lại. Hai anh đem cái kiếm đi hàn rồi nhờ người ta mài để không còn thấy dấu vết gãy. Còn cái ấn bằng vàng, chính tay tôi cân nặng 12,9 kg. Cái núm ấn hình con rồng. Con rồng uốn cong và ngóc đầu lên. Con rồng không được sắc sảo lắm, có đính hai hạt ngọc đỏ, trông giống như con rắn. Tôi lật nó lên có 4 chữ Triện ở dưới. Theo một người biết đọc chữ Hán thì 4 chữ ấy là Nguyễn triều chi bảo. Sau khi chùi rửa sạch sẽ tôi cho ngâm vào ăm-mô-nhắc và nó sáng ra ngay”.
Bà Mộng Điệp nói thêm, năm 1953, chiến sự ác liệt nên Bảo Đại đã viết giấy cho bà mang 2 vật này cùng một số tư trang khác sang Pháp. Tại Pháp, bà Mộng Điệp đã trao các đồ đó cho hoàng hậu Nam Phương. Bà hoàng Nam Phương đã cẩn thận đưa nó cất vào tủ sắt. Đến khi bà qua đời thì chúng thuộc thừa kế của con trai bà là cựu Thái tử Bảo Long.
Câu chuyện cặp ấn kiếm lưu lạc tưởng chừng đã đến hồi kết nhưng chưa. Vào năm 1980, cựu hoàng Bảo Đại cho xuất bản cuốn hồi ký Con rồng An Nam, ông có ý định dùng chiếc ấn để làm Vi-nhét đóng vào cuối mỗi chương nhưng Bảo Long không cho mượn. Bực mình, Bảo Đại đã kiện Bảo Long ra tòa. Cuối cùng tòa phân xử cho Bảo Long được giữ thanh kiếm còn Bảo Đại giữ cái ấn. Khi Bảo Đại mất thì cái ấn về tay một bà đầm Tây – người đã sống với Bảo Đại những năm cuối đời.
Còn về thanh kiếm, trước đây nó thuộc sở hữu của Bảo Long. Tuy nhiên người ta nói rằng ông này đã nhiều lần bán đấu giá các cổ vật của hoàng gia mà ông ta giữ để lấy tiền tiêu xài nên không biết thanh kiếm này giờ có còn ở trong tay ông hay cũng đã bán rồi.
Nếu nói về giá trị thì chiếc ấn chỉ là 7 kg vàng (12,9 cân vàng nói như bà Mộng Điệp là theo đơn vị cân ta, tương đương 7 kg như cách viết của ông Trần Huy Liệu) còn thanh kiếm nặng chưa đến 1kg với một ít vàng, ngọc nạm vào. Tuy nhiên, nó là vật tượng trưng cho quyền lực quốc gia của nền quân chủ phong kiến đã được chuyển giao sang chế độ Dân chủ Cộng hòa. Bởi thế, nó có giá trị lịch sử lớn lao.