Đồng Khánh, Khải Định: Hai cha con vua bù nhìn (2)

Google News

(Kiến Thức) - Cũng giống như vua cha, Khải Định làm vua, nghĩa là... không phải làm gì cả, chỉ thỏa thích ăn chơi.

Dòng giống của vua bù nhìn
Đồng Khánh theo ý Pháp nhiều lần viết thư dụ dỗ vua Hàm Nghi (là em ông ta) ra đầu hàng, nhưng bị Hàm Nghi thẳng thừng khước từ. Đối với nhân dân và các sĩ phu, Đồng Khánh chẳng có một chút uy tín nào. Ông ta được Pháp bố trí cho ra Bắc Hà để lấy lòng dân chúng, nhưng bị dư luận phản ứng gay gắt, nên đến Quảng Bình thì lấy cớ ốm đau trở về Kinh.
Cuộc đời làm vua bù nhìn của Đồng Khánh cũng chẳng kéo dài được bao lâu. Lên ngôi năm 1885, đến năm 1889 thì chết, năm ấy mới 25 tuổi.
Đồng Khánh chết đi, con là Bửu Đảo mới lên bốn tuổi không thể nối ngôi. Hai vua tiếp theo là Thành Thái và Duy Tân đều là hai vị vua có tinh thần chống thực dân Pháp và đều bị Pháp bắt đi đầy biệt xứ. Lần này, giặc Pháp tìm mọi cách gây sức ép không muốn ngôi vua rơi vào "một hệ phái hai lần gây thất vọng" đối với chúng.
Chúng muốn sử dụng dòng giống của vua bù nhìn Đồng Khánh để dễ sai bảo. Nhưng bấy giờ theo tập tục truyền ngôi, Bửu Đảo bị vướng một điều kiện: Chưa có con nối dõi.
Ông hoàng này nổi tiếng ăn chơi trác táng chốn kinh thành. Mê mải bài bạc sát phạt đến nỗi nhiều lần cháy túi, phải chuộc bằng cách để lại ba tên lính hầu. Là con rể của đại thần Trương Như Cương, nhiều lần ông ta bắt vợ về moi tiền của bố vợ. Sau này chán ngán, bà vợ này đã phải bỏ đi tu.
Có tới 12 vợ, nhưng Bửu Đảo mắc chứng bất lực không có con. Không rõ bằng cách nào, ông ta lại làm cho một tì nữ của vợ là Hoàng Thị Cúc có thai, sinh ra Vĩnh Thụy. Nhờ vậy, Bửu Đảo được lên ngôi, lấy niên hiệu là Khải Định.
 Vua Khải Định.
Làm vua nghĩa là không làm gì cả
Cũng giống như bố, Khải Định làm vua, nghĩa là... không phải làm gì cả, chỉ thỏa thích ăn chơi. Chỉ riêng việc tổ chức "tứ tuần đại khánh" (mừng thọ 40 tuổi) Khải Định đã ban dụ: "Phải xây dựng trước Ngọ Môn một ngôi lầu 3 gian hai chái để trưng bày các lễ vật cung tiến của hoàng thái tử, hoàng tộc, văn võ bá quan, các công chúa, các mệnh phụ phu nhân. Xây thêm 6 đặc lâu để trưng bày các lễ vật của các tỉnh Trung Kỳ, Bắc Kỳ và Thừa Thiên". Thật là dịp để moi tiền, moi của.
Khải Định thích xây dựng nhiều công trình kiến trúc nửa Tây nửa ta. Điển hình là lăng Khải Định, tức Ứng Lăng, được mua vật liệu thủy tinh, sành sứ từ khắp nơi Pháp, Nhật, Trung Hoa về tô điểm.
Nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng đã viết một bài thất ngôn bát cú châm biếm Khải Định và kết bằng hai câu: "Bảo hộ trau dồi nên tượng gỗ/Vua thời còn đó, nước thì không".
Trong dịp Khải Định sang Pháp dự "đấu xảo", Nguyễn Ái Quốc đã viết một vở hài kịch mang tên Con rồng tre để chế giễu ông vua này chỉ là một bù nhìn.
Triều đình nhà Nguyễn truyền được 13 đời vua. Lịch sử nhìn nhận lại những công, tội đối với đất nước của mỗi thời kỳ một cách khách quan. Nhưng hai cha con Đồng Khánh và Khải Định không thể có bất cứ một điểm sáng nào đáng để đời sau châm chước cả.
Nguyễn Di

Bình luận(0)