Điều chưa biết về người con trai thứ hai của Stalin

Google News

Ngay sau khi lãnh tụ J. Stalin từ trần vào đầu tháng 3/1953, những thế lực cơ hội đã tìm cách hãm hại người con trai của ông.

Nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Đại nguyên soái Joseph Stalin (18/12/1878 - 18/12/2013), trên kênh 1 Đài Truyền hình Trung ương Nga trình chiếu một bộ phim tư liệu truyền hình nhiều tập. Bộ phim có nhan đề "Con trai Người cha của các dân tộc", nói về thân thế và sự nghiệp của Trung tướng Vasily Stalin (1921 - 1962), người con trai thứ 2 của nhà lãnh tụ Xô viết, từng đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh Không quân của Quân khu Moskva sau Thế chiến thứ II.
Đây là bộ phim truyền hình hợp tác giữa Nga và Ukraina, đề cập tới tiểu sử thăng trầm của Tướng V. Stalin ít nổi tiếng hơn so với người anh trai cùng cha khác mẹ là Trung úy Yakov Dzhugashvili (1907-1943), từng bị quân phát xít Đức bắt làm tù binh và đề nghị đổi lấy Thống chế Đức Friedrich Paulus bị Hồng quân Liên Xô bắt sống tại mặt trận Stalingrad. Do Stalin cương quyết từ chối nên Y. Dzhugashvili đã bị quân thù hèn hạ thủ tiêu.
Thủ vai V. Stalin là diễn viên Tây Ban Nha 27 tuổi Gela Meshi, một ngôi sao đang lên của điện ảnh nước này, đồng thời cũng là người mang 2 dòng máu Nga - Gruzia như V. Stalin lúc sinh thời.
Chào đời ngày 24/3/1921 tại thủ đô Moskva, với tên khai sinh đầy đủ là Vasily Iosifovich Dzhugashvili, V. Stalin là con đầu của J. Stalin với người vợ thứ 2 Nadezhda Alliluyeva, sau khi bà vợ đầu Ekaterina Svanidze mất lúc Y. Dzhugashvili mới được 9 tháng tuổi. Còn bà N. Alliluyeva cũng nhắm mắt xuôi tay vào tháng 11/1932, khiến J. Stalin lâm vào cảnh "gà trống nuôi con", do vậy tình thương của người cha càng thêm mãnh liệt hơn…
Nhưng khi Thế chiến thứ II bùng nổ, không như giới lãnh đạo chóp bu ở các nước khác, lãnh tụ Stalin quyết định cả 2 người con trai của mình đều phải ra mặt trận cầm súng chống quân thù. Anh cả Y. Dzhugashvili chiến đấu trong lực lượng Pháo binh, rồi bị bắt làm tù binh trong một trận đánh không cân sức gần thành phố Smolensk cửa ngõ phía tây của nước Nga.
 Trung tá V. Stalin lái máy bay chiến đấu bảo vệ bầu trời Moskva trong Thế chiến thứ II.
Về phần V. Stalin xung phong vào Không quân, lần lượt tham gia các trận đánh then chốt của Hồng quân như bảo vệ Moskva và Stalingrad (nay là Volgagrad), giải phóng Belarus và Ba Lan, rồi tổng công kích quân Đức Quốc xã tại sào huyệt cuối cùng của chúng là thủ đô Berlin. Trong các trận không chiến gìn giữ bầu trời của Tổ quốc, Trung tá V. Stalin đã bắn rơi 2 máy bay tiêm kích và cường kích của quân phát xít. Đến cuối năm 1942, ông được phong hàm Đại tá Không quân.
Sau khi Thế chiến thứ II kết thúc, Đại tá V. Stalin được trao nhiều phần thưởng, huân, huy chương cao quý, cũng như với kinh nghiệm trực tiếp chiến đấu đã được Ban lãnh đạo Bộ Tư lệnh Đặc khu Thủ đô (nay là Quân khu Moskva) đề cử giữ chức Tư lệnh Lực lượng Không quân phòng thủ Moskva. Đồng thời ông cũng được đề nghị thăng hàm cấp tướng để tương xứng với chức vụ mới.
Theo quy chế lúc ấy thì cấp tướng trong lực lượng vũ trang Xôviết phải được đích thân Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng J. Stalin ký duyệt bổ nhiệm. Do con trai đầu đã hy sinh nên J. Stalin dồn hết tình thương của mình cho V. Stalin, tuy vậy nhà lãnh tụ đã nhiều lần gác lại việc phong hàm tướng cho con bởi "phải trau dồi phẩm chất cùng tích lũy kinh nghiệm nhiều hơn nữa", như nguyên văn bút phê của Stalin kèm ký tự gạch chéo bằng mực đỏ xóa tên của V. Stalin trong danh sách dự kiến phong cấp tướng định kỳ.
Mãi tới giữa năm 1946, Đại tá quyền Tư lệnh Không quân Moskva mới được phong hàm Thiếu tướng để trở thành Tư lệnh chính thức. Đến đầu năm 1948, ông được thăng lên Trung tướng Tư lệnh lực lượng Phòng không Không quân của Quân khu Moskva. Đồng thời tướng V. Stalin cũng thân chinh đứng ra thành lập 2 đội bóng đá và khúc khôn cầu đại diện Quân khu Moskva, từng giành được thứ hạng cao trong các giải đấu quy mô toàn Liên bang.
 Một cảnh của bộ phim truyền hình được đông đảo khán giả theo dõi.
Một sự việc nữa chứng tỏ đức tính đáng ca ngợi của lãnh tụ Stalin, bất chấp các thế lực sau này vì mục đích hèn hạ cố tình làm hoen ố hình ảnh của nhà lãnh đạo kiên cường. Chủ tịch J. Stalin cương quyết cách chức con trai ruột, sau khi xảy ra sự cố tai nạn tại cuộc trình diễn phi cơ quân sự thường niên ở sân bay Tushino vào tháng 7/1952, tuy V. Stalin không trực tiếp chỉ đạo sự kiện này. Sau đó ông phải chuyển về Học viện Quân sự Trung ương, trở thành một giảng viên bình thường của Khoa Huấn luyện Không quân.
 V. Stalin cùng cha và em gái Svetlana.
Ngay sau khi lãnh tụ J. Stalin từ trần vào đầu tháng 3/1953, những thế lực cơ hội đã tìm cách hãm hại người con trai của ông. Chỉ nội 3 tuần lễ sau, Tướng V. Stalin đã bị Bộ trưởng Quốc phòng Nikolai Bulganin "không cho mang quân phục cấp tướng nữa, do hình thức kỷ luật trước đây của Stalin còn quá nhẹ"(?!), như sử sách quân sự từng ghi lại.
Tới cuối tháng 8/1954, Tướng V. Stalin chính thức bị tước quân tịch và phải ra Tòa án binh, dựa trên những bằng chứng vô căn cứ, tòa đã tuyên phạt ông mức án 8 năm tù giam về tội "tiết lộ bí mật nhà nước và làm mất uy tín của lãnh đạo cao cấp".
Sau 7 năm ngồi tù dưới một cái tên khác để bạn tù khỏi phát hiện ra, trước sự phản đối của những cán bộ trung kiên từng làm việc dưới quyền lãnh tụ Stalin, tháng 4/1961, V. Stalin được tha trước thời hạn, đồng thời được phục hồi cấp bậc và được hưởng phụ cấp là 300 rúp/tháng, tương đương mức lương cấp tướng. Nhưng điều nghiệt ngã hơn là con trai của Stalin bị cấm cư trú vĩnh viễn tại Moskva và Gruzia quê hương, cũng như không được mang họ Stalin "cha sinh mẹ đẻ" nữa.
Trong những năm cuối đời, V. Stalin sống cùng vợ con tại thành phố Kazan, thủ phủ nước Cộng hòa tự trị Tatarstan, rồi mất tại đây vào ngày 19/3/1962, thọ 42 tuổi.
Theo An ninh thế giới

Bình luận(0)