Trong lịch sử Trung Hoa, chuyện đào lăng mộ nhằm mục đích trả thù và vơ vét đồ tùy táng quý giá không phải là hiếm, thậm chí trở thành cơn sốt vào đời Hán. Những nhân vật có tiếng như Ngũ Tử Tư, Hạng Vũ, Tào Tháo, Hoàng Sào… đều từng thực hiện việc "táng tận thiên lý" này. Trong thời kỳ hiện đại, nổi tiếng nhất là vụ đào lăng mộ Từ Hy thái hậu với quy mô chưa từng có, do tướng quân phiệt Tôn Điện Anh cầm đầu.
Tôn Điện Anh là ai?
Tôn Điện Anh sinh năm 1889, tại Tôn Gia Trang, huyện Vĩnh Thành, Hà Nam. Tên thật là Khôi Nguyên, nhũ danh là Kim Quý, thường gọi là Tôn Lão Điện, do mặt bị rỗ nên có biệt danh là "Tôn Ma tử". Từ nhỏ, Tôn đã lăn lộn giang hồ, tính gan góc, máu mê đỏ đen, thường xuyên ra vào các sòng bạc, nhờ giỏi các ngón nghề cờ bạc bịp mà quen biết rộng rãi với nhiều tay có máu mặt.
Tôn gia nhập và nhanh chóng trở thành thủ lĩnh của Miếu Đạo hội - một hội tôn giáo được thành lập từ cuối thời nhà Thanh ở vùng Dự Tây, nhưng bên trong là vận chuyển, buôn bán thuốc phiện.
|
Tôn Điện Anh. |
Tôn Điện Anh tung hoành ở Lạc Dương đến năm 1922 thì bị Tổng Tư lệnh quân Trực Lệ là Ngô Bội Phu truy bắt vì tội buôn bán thuốc phiện, phải chạy trốn lên Thiểm Tây. Nhờ các mối quan hệ cũ, Tôn được Quân đoàn trưởng Lục quân số 1 ở Hà Nam là Đinh Hương Linh che chở và cất nhắc lên làm phó quan. Tôn kêu gọi giáo đồ Miếu Đạo hội về tòng quân dưới trướng mình, dần dần trở nên rất có thế lực trong giới quân phiệt, quy thuộc Tưởng Giới Thạch.
Năm 1928 là năm các tướng quân phiệt hỗn chiến dữ dội, dân chúng đói khổ, quốc khố sạch không. Quan binh bộ tướng của Tôn Điện Anh lại là lính tạp, vốn không thuộc quân chính quy của Quốc dân đảng nên Tưởng Giới Thạch không coi trọng, quân lương bị thiếu triền miên, có đến nửa năm không có lương ăn. Vì thế lòng quân rối loạn, thường xảy ra nhiều chuyện bất bình. Tôn Điện Anh lo sợ nếu kéo dài tình thế này thì quân tan rã hết, còn mình cũng khó giữ được tính mạng trong buổi chiến loạn.
Trong lúc tình thế nguy cấp, Tôn Điện Anh như bừng tỉnh khi sực nhớ đến loại "thuốc giải" mà các tiền bối nổi tiếng như Tào Tháo, Hoàng Sào… đã làm: đào lăng mộ tìm châu báu. Vừa hay là quân của Tôn đang chiếm đóng ở huyện Tuân Hóa, kề cận Thanh Đông lăng.
Hoàng lăng - nghĩa trang hoàng gia triều Thanh có 5 nơi, ba nơi ở tỉnh Liêu Ninh, hai nơi ở tỉnh Hà Bắc, nổi tiếng nhất là Thanh Đông lăng ở núi Mã Lan, huyện Tuân Hóa, Hà Bắc (ngoài ra còn có Tây lăng ở huyện Dịch). Nơi đây chiều dài nam bắc là 125km, đông sang tây rộng 20km, chiếm diện tích 2.500km², địa thế có quần sơn bao bọc, phong cảnh tươi tốt, đúng là "phong thủy bảo địa".
Kể từ năm 1663 an táng Hoàng đế Thuận Trị đến năm 1935 an táng hoàng quý phi cuối cùng của Vua Đồng Trị, qua 272 năm, Đông lăng là nơi yên nghỉ ngàn đời của 5 hoàng đế: Hiếu lăng của Vua Thuận Trị, Cảnh lăng của Khang Hy, Dụ lăng của Càn Long, Định lăng của Hàm Phong; 15 hoàng hậu, 136 phi tần, 3 hoàng tử, 2 công chúa, tổng cộng có 161 người.
Thanh Đông lăng trước đó luôn thiết lập hệ thống quan binh đồn trú bảo vệ, có cơ cấu của Tôn nhân phủ, Lễ công bộ thường trực xử lý các công việc trong lăng tẩm. Nhưng từ năm 1914, Bộ Nội vụ giao việc bảo quản lăng tẩm cho tôn thất nhà Thanh quản lý, nhân viên giữ lăng không còn lương bổng nên bỏ việc, chuyển sang khai khẩn đất rừng quanh lăng làm sinh kế. Từ đó về sau, rừng và đất Đông lăng bị xâm hại ngày càng nghiêm trọng.
Sau khi Đông lăng nằm trong sự quản lý của nhóm quân phiệt Bắc Dương thì những đền đài lộ thiên trong Đông lăng luôn bị trộm viếng, gỡ hết các chữ bằng đồng, biển sơn son thếp vàng… Năm 1927, lăng của Huệ Phi bị đào trộm, đồ tuẫn táng bị lấy sạch còn thi thể bị lôi ra ngoài quan tài.
Sau khi đã quyết, Tôn Điện Anh đến gặp thượng cấp là Từ Nguyên Tuyền, Tổng chỉ huy Quân đoàn, trình bày những khó khăn về quân lương, sau đó thầm thì rằng "trong đám thuộc hạ có kẻ đề nghị nên khai quật hoàng lăng để lấy chi phí nuôi quân, sắm vũ khí".
Từ Nguyên Tuyền lúc đầu kinh ngạc vì thông tin động trời này, nhưng cũng vốn xuất thân là tay cờ bạc, biết cơ hội phát tài đã đến nên y cứ ậm ừ, không nói cho phép cũng chẳng phản đối. Tôn Điện Anh biết tỏng ý "sếp" đã đồng ý nên lập tức triển khai trận thế, ngụy trang bằng cách "diễn tập quân sự" để khai quật Đông lăng.
Dùng thuốc nổ phá lăng
Trong Đông lăng thì lăng của Càn Long và Từ Hy thái hậu là hoành tráng nhất. Lăng Càn Long bắt đầu xây dựng từ năm 1743, qua 30 năm mới hoàn công, hao phí đến 1,8 triệu lượng bạc trắng.
Lăng mộ của Từ Hy Thái hậu qua 13 năm xây dựng với hao phí lên tới hàng triệu vạn lượng bạc, được xưng là "Kim-Mộc-Thạch tam tuyệt". Riêng số vàng lá dùng đắp trong ba đại điện của Từ lăng đã là 4.592 lượng vàng. Tổng cộng có 2.400 con rồng vàng và 64 chiếc cột chạm trổ hình rồng, dơi đều thếp vàng thật. Những rường cột trong đại điện đều làm bằng loại gỗ thượng phẩm: gỗ lê hoa vàng. Loại gỗ này nay đã gần như tuyệt tích, rất rắn chắc, vân gỗ dày mà đẹp, giá có thể nói là "tấc gỗ, tấc vàng". Riêng quan tài của Từ Hy được chế từ thứ gỗ quý hơn nữa: Nam mộc tơ vàng.
|
Quan tài Từ Hy thái hậu bị phá nát. |
Tất cả đá dùng trong lăng mộ Từ Hy đều là loại Hán bạch ngọc thượng phẩm, được điêu khắc cực kỳ tinh xảo. Phù điêu trên Hán bạch ngọc trong điện Long Ân đều theo đồ hình "Long truy phụng" - phụng hoàng bay trước, rồng đuổi theo sau, 76 trụ trong điện đều chạm hình "Nhất phụng áp song long" - hai phụng đè một rồng, thể hiện quyền uy vô thượng của vị thái hậu này.
Ngày 4/7/1928, thuộc hạ của Tôn Điện Anh là Đàm Ôn Giang và Hàn Đại Bảo đưa công binh đến khai quật lăng mộ của Từ Hy Thái hậu, được gọi là Phổ Đà Dụ Định Đông lăng.
Nhưng đoàn công binh chia nhau đi đào bới các chỗ suốt 2 ngày 2 đêm vẫn không tìm thấy cửa dẫn xuống địa cung. Tôn Điện Anh nóng ruột cho đi bắt 6 người vốn từng là kỳ binh coi sóc Đông lăng đến hỏi, nhưng họ đều nói không biết cửa lăng. Tôn tức giận cho tra khảo đến chết 2 người. Sau cùng mới có thông tin là có 1 người thợ đá họ Khương ở cách đó 10km từng tham gia xây lăng an táng Từ Hy, Tôn Điện Anh lập tức cho quân đến mời. Lúc đầu ông Khương không dám nói vì đó là trọng tội, nhưng Tôn Điện Anh làm áp lực, nếu không chỉ ra sẽ giết chết đứa con trai độc đinh nên ông Khương đành tuân lệnh.
Cửa vào lăng được tìm ra, nhưng cửa được bít bằng nhiều tầng đá hoa cương rất lớn. Giữa các tảng đá được quét chất kết dính bằng hỗn hợp vôi - gạo nếp - dầu cây đồng nên cực kỳ kín kẽ, còn khó đục hơn đá núi tự nhiên. Công binh sử dụng nước axít tưới vào nhưng vẫn vô hiệu.
Nửa đêm hôm ấy, thấy binh lính mồ hôi đổ ròng ròng mà cửa lăng vẫn "trơ như đá, vững như đồng", Tôn Điện Anh điên tiết quát lớn: "Mau đem thuốc nổ tới đây!". Lần đầu tiên trong lịch sử, thuốc nổ được sử dụng công khai để phá lăng mộ.
"Ầm, ầm", sau những tiếng nổ kinh thiên động địa, cửa đá bít lăng mộ Từ Hy vỡ toác sau 20 năm phong kín. Lẫn trong cát đá là những luồng khí lạnh từ trong mộ thoát ra rợn người.
Những toán lính đã được chuẩn bị sẵn sàng lập tức xông vào địa cung. Phía ngoài cửa mộ, Tôn Điện Anh đã cho một toán vệ binh canh gác chặt chẽ, kẻ nào dám vào trộm châu báu trốn ra sẽ bị bắn chết.
Sạch sành sanh vét…
Sau khi dọn sạch châu báu vàng ngọc xung quanh quan tài Từ Hy và đồ tùy táng trong "giếng phong thủy", binh lính của Tôn Điện Anh dùng búa nạy tung quan tài Từ Hy ra và hốt sạch sẽ số châu báu lót bên trong. Trong "Thế Tải Đường tạp ức" của một sĩ quan tham gia vụ phá mộ này thì: "Lúc ấy, nắp quan tài mở ra, ánh sáng chói lòa, binh sĩ mỗi người cầm một chiếc đèn pin lao tới đều đứng sững kinh ngạc. Nhìn vào quan tài, Tây Thái hậu diện mạo như còn sống, thấy rõ ở ngón tay mọc lông trắng dài cả tấc (?)… Châu báu đầy trong quan tài, cấp bậc lớn thì lấy thứ lớn, quân lính thì lấy thứ nhỏ. Trưởng quan chỉ huy hạ lệnh lột phụng bào, lấy sạch châu báu trên đó…".
Tương truyền, khi nhập liệm, Từ Hy đội mũ phụng quán, trên mũ có gắn một viên trân châu to bằng quả trứng gà, theo giá đương thời là hơn 10 triệu lượng bạc trắng. Trong miệng Từ Hy ngậm một viên minh châu, tương truyền có thể phát sáng trong đêm từ ngoài 100 bước; trên cổ đeo 3 xâu chuỗi, trong đó 2 chuỗi bằng trân châu, 1 chuỗi bằng hồng bảo thạch; mình mặc lễ phục dệt bằng sợi tơ vàng; tay cầm một nhánh hoa sen bằng ngọc.
Ngoài ra, bên cạnh thi hài còn đặt các đồ bồi táng như tượng Phật bằng vàng, ngọc; các đồ bằng san hô, đá quý các loại. Nghe nói sau khi bỏ đồ bồi táng xong, thấy quan tài vẫn còn chỗ hở, các quan phụng táng lại đổ thêm vào 4 hộp trân châu và 2.200 miếng hồng thạch, lam thạch, lục thạch. Riêng số châu báu "lấp chỗ trống" này đã đáng giá 2,23 triệu lượng bạc trắng.
Thi hài của Từ Hy bị lôi ra ngoài, bị cậy miệng để lấy hạt minh châu đang ngậm. Do hầm tối, chỉ sử dụng đèn pin, có 3 sĩ quan do tranh giành báu vật đã bị bắn chết.
Tin về Tôn Điện Anh trộm báu vật ở Đông lăng mau chóng lan ra toàn Trung Quốc, các đoàn thể xã hội liên tiếp gửi thông điện đến chính quyền Quốc dân đảng yêu cầu nghiêm trị kẻ chủ mưu trộm lăng. Tướng Diêm Tích Sơn ra lệnh cho Chủ tịch tỉnh Hà Bắc là Thương Chấn tra xét thật nghiêm vụ này, Tưởng Giới Thạch cũng ban mệnh lệnh "những kẻ liên quan phải truy bắt tới cùng, ra sức điều tra, không được buông lỏng". Thuộc hạ của Tôn Điện Anh là Sư đoàn trưởng Đàm Ôn Giang đóng quân ở Bắc Bình bị bắt...
Tôn Điện Anh thấy thế nguy nên tìm đủ cách để chạy tội. Nhờ sự giúp đỡ của Từ Nguyên Tuyền tạo mối quan hệ để thông "cửa ải" Đệ nhất phu nhân Tống Mỹ Linh, Tôn Điện Anh lập tức đưa đến dâng tặng rất nhiều báu vật, trong đó có chiếc mũ phụng hoàng gắn trân châu của Từ Hy Thái hậu trên đó có viên ngọc trân châu cực lớn.
Về sau, thời hai đảng hợp nhất chống Nhật, Tống Mỹ Linh sang thăm Mỹ lấy viên trân châu này gắn trên... giày khiến Tổng thống Nhà Trắng và quan viên đều kinh ngạc.
Đồng thời, Tôn Điện Anh tặng cho Tưởng Giới Thạch thanh Cửu Long bảo kiếm và rất nhiều đồ giải trí, thư họa quý báu (được biết Tưởng Giới Thạch đã cho tìm những chuyên gia đồ cổ nổi tiếng giám định những thứ này rồi mới thu nhận). Tôn Điện Anh còn tặng Tống Tử Văn gối ngọc phỉ thúy hình quả dưa, tặng cho Khổng Tường Hy viên bảo thạch trên hài của Từ Hy Thái hậu. Các quan chức cao cấp như Diêm Tích Sơn, Từ Nguyên Tuyền cũng đều được hối lộ hậu hỹ. Kết quả là Tôn Điện Anh bình an vô sự cho đến khi bị Quân đội nhân dân Trung Quốc bắt giữ và chết năm 1946.