Lê Tung, một vị quan thời Lê và cũng là người làm sử. Tuy ông không tham gia biên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư, nhưng bài Việt giám thông khảo tổng luận của ông đã góp phần vào phần mở đầu của bộ quốc sử này. Qua việc viết sử ông muốn khuyên răn nhà vua hiểu được lẽ hưng vong của các triều đại trước.
Mượn lời để khuyên vua
Lê Tung tên thật là Dương Bang Bản, người làng Yên Cừ, huyện Thanh Liêm, xứ Sơn Nam (nay là đất Nam Hà). Ông sinh năm Tân Mùi (1451). Năm Hồng Đức thứ 15 (1484), Dương Bang Bản đậu Hoàng Giáp, được vua Lê Thánh Tông ban quốc tính họ Lê và đổi tên là Lê Tung.
Năm Quý Sửu (1493), Lê Tung được sung chức phó sứ sang nhà Minh mừng việc lập Thái tử. Năm Kỷ Mùi (1499), ông được cử đi đón sứ bộ nhà Minh. Năm Ất Sửu (1505), Lê Tung được sung chức Thừa tuyên sứ ở Thanh Hoá. Năm Đinh Mão (1507), ông lại được sung chức chánh sứ đi sứ triều Minh. Năm Kỷ Tỵ (1509), ông phò Lê Tương Dực chống Lê Uy Mục rồi được bổ làm Thượng thư bộ Lễ tước Đôn Thử bá kiêm Quốc Tử giám tế tửu, kiêm Đông các đại học sĩ.
Năm Hồng Thuận thứ 6 (1514), Lê Tung được vua Lê Tương Dực sai làm bản tóm tắt bộ sách sử Việt giám thông khảo của Vũ Quỳnh và ông đã soạn thành một cuốn sách mỏng đặt tên là Việt giám Thông khảo tổng luận. Trong lời mở đầu, Lê Tung nói rõ là sách được làm theo lệnh của vua Lê Tương Dực "muốn tóm tắt đại yếu để cho khi xem mà đạo cương thường của trời đất càng rõ rệt, đạo trị bình của đế vương càng rõ thêm...".
Trong phần kết luận, Lê Tung viết: "Cúi xin Hoàng đế bệ hạ, trong lúc muôn việc thư nhàn, nghiên cứu trị đạo, đọc các việc của Triệu, Đinh, Lý, Trần thì biết được mệnh trời, lòng người mất hay còn, hiểu rõ cơ đồ của nước hưng hay phế, phân biệt được quân tử, tiểu nhân, đằng nào tiêu, đằng nào trưởng, xét rõ khí số, phong tục thế nào thịnh thế nào suy; do đó mà chính sự của các triều đại hay hay dở có thể biết rõ được cả".
Qua cuốn sách Lê Tung muốn mượn lời để khuyên răn Lê Tương Dực, một ông vua vốn say mê tửu sắc, hiểu về cái lẽ hưng vong của các triều đại mà ông gọi là sự lý của đời xưa - đời nay với hy vọng giúp vua tránh xa cái vết xe đổ của các triều đại trước.
|
Tranh minh họa. |
Đạo của đế vương cũng không ngoài cương thường
Để đạt được mục đích Lê Tung đã lần lượt bình luận từng bậc đế vương một theo dọc chiều thời gian về đức độ, về tài trí, về sự nghiệp. Lê Tung chỉ nói vắn tắt khen, chê. Ví dụ, đối với Khúc Thừa Dụ, ông phê rằng: Là chúa hiền của nước Việt; đối với Khúc Thừa Mỹ ông phê rằng: Năng phu dịch, trăm họ ta oán; đối với Dương Đình Nghệ: Hai lần đánh bại tướng giặc, thu lại dư đồ, song không có mưu dự phòng tai vạ, bị con nuôi giết chết; đối với Ngô Quyền: là bậc tài giỏi của đời, nhưng ký thác không được người tốt...
Quan điểm của Lê Tung về "cái lẽ hưng vong xưa nay" gồm ba điểm chính: một là do cái đạo cương thường; hai là sự tôn sùng, sự mê tín đạo Phật, ba là do mệnh trời và lòng người tin theo hay không. Trong ba điều nay thì điểm thứ nhất và điều thứ ba là cốt lõi.
Trước tiên, Lê Tung trích dẫn Chu dịch nói rằng: "Có trời đất rồi mới có muôn vật, có muôn vật rồi mới có vợ chồng, có vợ chồng rồi mới có cha con, có cha con rồi sau mới có vua tôi". Tiếp đến ông dẫn sách Đại học: "Lòng có chính thì sau mình mới sửa được, nhà có tề thì sau nước mới trị được, nước có trị thì sau thiên hạ mới bình được" để suy ra rằng đạo trời đất không thể ngoài cương thường và đạo của đế vương cũng không thể ngoài cương thường.
Kết luận này được Lê Tung xem như là nguyên lý, như là tiêu chuẩn để phân định đúng sai, chính tà, là nguyên nhân sâu xa của sự hưng vong của các triều vua, các triều đại. Tất cả các bậc đế vương sẽ đều được xem xét dưới cái lăng kính này, đều được phán xét dựa trên cái chuẩn mực này.
(còn nữa)