Vượt luồn qua con ngõ ấy là chạm ngôi đình Ứng Thiên mà cách đây gần 1.000 năm, chính vua Lý Thánh Tông đã cho dựng để thờ nữ thần giúp vua đánh bại giặc Chiêm Thành.
Báo mộng cho vua
|
Đình Ứng Thiên trải qua gần 1000 năm tuổi. |
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương dù đã rất yếu, nhưng khi nghe chúng tôi tham vấn về huyền tích nữ thần Hậu Thổ, một thần Hoàng làng mà hiện đang được thờ ở ngôi đình cổ này, thì cụ Xương nhanh nhẻo hẳn. Một phần cũng vì từ lâu, cụ đi tầm các tư liệu chính thống về nữ thần Hậu Thổ mà chưa được tỏ tường. Duy có một tư liệu nói về nguồn gốc lập dựng đình Ứng Thiên. Đó là “Báo Cực truyện”. Sách này chép: Xưa kia, Lý Thánh Tông nam chinh Chiêm Thành, đến cửa biển Hoàn Hải thoắt bị gió to mưa lớn, sóng cuộn ầm ầm, long thuyền dao động cơ hồ muốn chuyển; nguy cấp không ngờ, vua rất lo sợ. Giữa lúc đang bàng hoàng, vua bỗng thấy một người con gái ước độ hai mươi tuổi, mặt tựa hoa đào, mày đậm màu dương liễu, mắt sáng như sao, miệng cười như hoa nở; nàng mặc áo trắng, quần lục, lưng mang đai, dịu dàng bước đến bạch với vua rằng:
Thiếp là tinh của đại địa Nam Quốc, thác cư ở làng Thuỷ Vân đã lâu lắm, xem thời mà ra nếu gặp được lúc tốt. Bây giờ gặp được long nhan, chí nguyện sinh bình được thỏa, cúi xin Bệ hạ chuyến đi này nên hết sức mẫn cán, toàn thu hoạch thắng lợi. Thiếp tuy là bồ liễu mong manh cũng nguyền đem sức mọn mặc nhiên phù tá Bệ hạ; ngày khải hoàn, thiếp xin chờ đây để bái yết. Nói đoạn biến mất. Vua kinh hãi tỉnh giấc, nhưng lại hoan hỉ triệu tả hữu đến, thuật chuyện trong mộng; tăng thống Huệ Lâm Sinh tâu rằng: Thần có nói là thác sinh trên cây, ở làng Thuỷ Vân, bây giờ nên tìm ở cây hoặc giả có linh nghiệm gì chăng?
Cây giống đầu người
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương cho rằng: “Báo Cực truyện” tuy không phải nguồn sử liệu mang tính chính thống; ngược lại còn mang nhiều huyền tích liêu trai, nhưng dù sao đó gần như là tư liệu duy nhất, đầy đủ nhất để nói về Hậu Thổ phu nhân.
|
15 đạo sắc phong. |
“Báo Cực truyện” cũng viết tiếp sau lời tâu của tăng thống Huệ Lâm Sinh, rằng: Vua cho là phải, mới bảo người tùy tùng đi tìm ở các bãi sông quả nhiên được một cái cây, đầu rất giống người, hình như có dấu sơn cũ giống trong giấc mộng. Vua mới lập hiệu là Hậu Thổ phu nhân, đặt hương án trong ngự thuyền, tự nhiên sóng gió im lặng, cây cối hết lay chuyển.
Kịp lúc vua đến Chiêm Thành, trong khi giáp trận như có Thần giúp, được đại thắng. Ngày khải hoàn, ngự thuyền đậu lại chỗ cũ, sắc lệnh lập đền, gió mưa lại nổi như xưa. Sư Huệ Lâm tâu: Để xin một keo, về Kinh Sư sẽ lập đền. Xin một keo liền được ngay. Về đến kinh đô, vua bảo thầy xem đất, xây đắp đền thờ ở làng An Lãng, rất có linh ứng, hễ có người nào phỉ báng nguyền rủa, lập tức mắc phải tai họa.
Thời vua Anh Tông, nhân trời đại hạn, quần thần xin đắp một cái đàn hình tròn ở Nam Giao để tế trời, thỉnh Nguyên Quân làm đàn chủ. Nguyên Quân cho vua nằm thấy rằng: Bản bộ có thần Câu Mang làm mưa rất giỏi. Vua lấy làm mừng mới hội nghị quần thần lại, định rước thần Hậu Tắc phối với trời, thần Hậu Thổ phối với đất, lập đàn ở Nam Giao mà đảo. Quả nhiên được mưa to xối xả. Vua cả mừng, sắc hạ rằng: Hậu Thổ Phu Nhân có Câu Mang Thần Quân là chủ về việc mùa xuân; từ nay về sau phàm đến lễ Lập Xuân có con trâu đất phải đem về nạp ở đền thờ.
Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, sắc phong Hậu Thổ Thần Địa Kỳ Nguyên Quân. Năm thứ tư, gia phong hai chữ Nguyên Trung. Năm Hưng Long 21, gia phong bốn chữ Ứng Thiên Hóa Dục.
Phối thờ “Thần mưa gió”
Các cán bộ Ban quản lý di tích đình Ứng Thiên cho biết, đình này còn có tên gọi dân gian là đình Mẫu. Cùng với việc thờ Hậu Thổ phu nhân, đình còn phối thờ hai vị đại vương khác làm Hoàng làng. Đó là hai vị thần không có tên tuổi cụ thể, được gọi là “thần mưa” và “thần gió”. Theo huyền tích, thì hai vị đại vương là người giúp việc cho Hậu Thổ phu nhân trong việc hô mưa gọi gió khi nhân gian cầu khấn.
|
Chiếc chuông đồng cổ đình Ứng Thiên. |
Theo bật mí của một cán bộ quản lý, thì hiện nay đình Ứng Thiên còn giữ được tổng thảy 15 đạo sắc phong các triều phong kiến. Cùng với đó là chiếc chuông đồng quý giá và một số vật cúng tế từ thời lập đình. Hiện nay, qua nhiều lần tôn tạo, đình Ứng Thiên khá khang trang. Sân đình lát gạch đỏ, các cột kèo được tu bổ chắc chắn. Còn lại 3 cây cổ thụ khá lớn, gồm một cây mít và hai cây muỗm.
Nhiều nhà nghiên cứu khi đến đình Ứng Thiên đều trầm trồ về kiến trúc tinh xảo và đặc sắc ở các phù điêu hình rồng, hình hoa văn thực vật, vân mây trên thần kẻ của nhà tiền tế và cung cấm. Đặc biệt, những mảng chạm nổi trên côn-nê đỡ mái dưới phương đình thể hiện tài hoa của những hiệp thợ mộc xưa.
Bà Nguyễn Thị Hoa, một người dân ở Láng Hạ, cho biết: “Mỗi khi lên đình là chúng tôi được học thêm về lịch sử, về công tích của thần Hoàng làng. Đó cũng là chỗ dựa tâm linh, là cõi thiêng của người địa phương”. Cũng theo bà Hoa, vào tháng 3 và tháng 9 âm lịch hàng năm, đình Ứng Thiên đều tổ chức các ngày đại lễ rất linh đình và tôn kính. Rất nhiều quý khách từ khắp các nơi đổ về để cầu an, cầu tài và cầu lộc.
Hiện nay, đình Ứng Thiên còn giữ được bảo vật mà hiếm có đình nào có được, đó là ba thần tượng cổ kính. Cùng với đó là hai bức hoành phi: Trợ Lý bình Chiêm/Phù Trần bãi vũ.
Hai bên ban thờ vẫn còn rõ mồn một câu đối hay khắc chữ theo lối đá thảo: “Ỷ mộc thế nhân vân tắc y trường kinh đế mộng phù Trần, trợ Lý – Hạn cam vũ lộ phúc dân sinh” – xin lược dịch: Nương cây, ẩn bóng xiêm áo mây hồng kinh mộng đế giúp Lý phù Trần/Nắng lâu mưa ngọt phúc ban dân”.
Mời độc giả xem thêm video Chiêm ngưỡng áo long bào của vua Bảo Đại được phục chế tiền tỷ: