“Cận cảnh” lễ lên ngôi của vua Minh Mạng

Google News

9 tiếng súng lệnh vang lên, vua Minh Mạng bước lên bậc thềm ngồi ngự trên ngai vàng đặt chính giữa điện...

Minh Mạng tên thật là Nguyễn Phúc Đảm, còn có tên khác là Nguyễn Phúc Kiểu, sinh ngày 23 tháng 4 năm Tân Hợi (25-5-1791), ông là con trai thứ tư của vua Gia Long và Thuận Thiên Cao hoàng hậu Trần Thị Đang. 

Mặc dù có những ý kiến khác nhau, thậm chí có nhiều phản đối nhưng cuối cùng vua Gia Long đã quyết chọn Nguyễn Phúc Đảm làm người kế vị và lập làm Hoàng Thái tử năm Ất Hợi (1815). Nguyên do vua không chọn cháu đích tôn (Thái tử Cảnh) làm người kế vị bởi vì người cháu này cũng như cha của mình có tư tưởng thân Pháp và chịu nhiều ảnh hưởng của đạo Gia Tô, nếu sau này cho nối ngôi sẽ có những ảnh hưởng tới triều đình. Ngược lại hoàng tử Đảm vốn là người sùng đạo Nho, không ưa đạo Gia Tô và không có cảm tình với người Pháp – tư tưởng này giống với Gia Long vì thế được lựa chọn, lại được cho ra ở điện Thanh Hòa để quen dần với việc trị nước.

 Chân dung vua Minh Mạng trong sách của John Crawfurd (xuẩt bản năm 1828).

Sáng ngày mồng một Tết Nguyên đán, tháng giêng năm Canh Thìn (14-2-1820) Hoàng tử Đảm chính thức làm lễ đăng quang lên ngôi hoàng đế ở điện Thái Hòa, đặt niên hiệu là Minh Mạng. Tại đây thiết đại triều, oai nghi, long trọng với sự có mặt của các hoàng thân, đại thần, lễ phục chỉnh tề, cờ xí, tàng lọng đủ loại rợp trời rực rỡ, còn xung quanh điện Thái Hòa trang hoàng lộng lẫy. Khi tới điện Thái Hòa, trong tiếng chuông trống rền vang ở hai nhà Tả, Hữu Đại Cung môn, 9 tiếng súng lệnh vang lên, vua Minh Mạng bước lên bậc thềm ngồi ngự trên ngai vàng đặt chính giữa điện. Một vị đại thần tâu vua dùng ấn ngọc truyền quốc - tượng trưng cho uy quyền và truyền chiếu lên ngôi. Chiếu chỉ được một vị quan có giọng tốt đọc lên và sau đó công bố để thần dân biết về lễ đăng quang, sau đó bản chiếu văn sẽ được niêm yết ở Phu Văn Lâu và sao làm nhiều bản gửi đi các tỉnh. 

Bài chiếu có đoạn viết:

“Lớn thay, Thánh tổ thần tôn ta: cõi nam gây nên, âu vàng dựng nước. Mưu tốt, công to, sáng ngời từ trước, ơn sâu đức lớn để lại đời sau. Hoàng khảo ta vâng nhận mệnh lớn, lại dựng nghiệp to, cầm gươm đánh giặc, đội mũ trị dân. Hơn hai trăm năm khai thác, võ công sáng rực từ xưa. Thân mười tám năm ân cần, đế đức với trời cùng lớn, đỉnh Hiên Viên mới đúc xong mà núi hồ không kéo lại được, hoa Đường Nghiêu chợt vừa rụng, đến hang sâu cũng thấy đau thương. Thực hoàng thiên giáng tai ương cho cả nước, nên hoàng khảo để gánh nặng cho mình ta.

Trẫm lấy đức mỏng giữ ngôi nguyên lương, nghỉ bóng cây, cưỡi trên thuyền, dạy bảo kính theo khuôn phép; cày cấy ruộng, làm nhà cửa để mưu toàn việc dành cho nhờ ở mưu mô. Nghĩ gánh vác khó nhọc, thêm thương xót chừng nào! Bởi vô cùng mạnh cả, cũng vô cùng lo nghĩ, nỗi noi càng giữ lòng hiếu tư; mà đã được ngôi to, tất lại được tiếng hay, khó thác vinh theo thiên cố mệnh. Nay Chu Công đại thần nội ngoại văn võ trăm quan dâng sớ khuyên trẫm sớm chính vị hiệu để theo lòng mong đợi của mọi người. Bởi thế, châm chước lễ văn, bớt thương thuận biến, lên ngôi hoàng đế ở điện Thái Hòa. Trẫm vâng mệnh sáng của trời, nhận mệnh sáng của hoàng khảo, vậy lấy năm nay làm năm Minh Mạng năm đầu để chính huy xưng mà tỏ đại thống.

Than ôi, nối chí noi việc là hiếu tư, mong tuyên dương đức tốt liệt thánh; ăn mừng ban ơn về xuân thu để thấm thía cả thứ dân. Vậy bá cáo rộng ra, cho mọi người nghe biết”.


Sau khi tuyên chiếu, buổi lễ kết thúc bằng 9 phát đại bác chào mừng, tân hoàng đế lên xe giá trở về điện Cần Chánh, các quan sắp xếp hai hàng quỳ lạy 5 lạy chúc tụng. Cũng chiếu theo lệ cũ, sau lễ đăng quang và ban bố chiếu lên ngôi, vua Minh Mạng ra chiếu ban ân gồm 16 điều ân xá, theo đó: 1. Nhân dân, ai thiếu tiền thuế sản vật từ năm Gia Long thứ 18 (1819) trở về trước đều không phải đóng nữa; 2. Miễn toàn bộ tiền, thóc các loại thuế đinh, thuế điền và thuế sản vật của năm Minh Mạng thứ nhất (1820); 3. Các hoàng đệ, hoàng điệt được phong tước công đều được cấp thêm lương bổng 500 quan tiền và 500 phương gạo; 4. Các hoàng đệ còn bé chưa được phong tước công, đợi 3 năm trưởng thành sẽ do bộ Lễ bàn tâu xin sắc phong; 5. Người trong tôn thất mà chưa có quan chức sẽ do bộ Lễ cùng với Tôn Nhân phủ tra rõ tông phái xa gần rồi tâu lên, cấp thêm tiền, gạo theo thứ bậc, 6. Văn võ, quan viên từ tứ phẩm trở lên, ở ngoài từ tam phẩm trở lên đều cho thăng một cấp, đợi nghị định phụng hành; 7. Văn võ, quan viên ở Kinh từ ngũ phẩm trở xuống, ở ngoài từ tứ phẩm trở xuống, hiện có lương bổng thực tiền, đều theo lệ tiền và gạo của bản bổng, lại cấp thêm cho một tháng lương nữa; 8. Văn võ, quan viên từ tam phẩm trở lên, cha mẹ hiện còn thì theo phẩm, chuẩn cho cáo sắc, nếu chết rồi thì cũng theo phẩm, chuẩn cho phong tặng; 9. Con các quan văn võ tam phẩm trở lên, trừ con các công thần Vọng các đều định quan tước, đều cho một con hưởng tập ấm, được vào Quốc Tử Giám học, người nào đã trưởng thành có thể bổ dụng được sẽ cho các đại thần cử, theo tứ tự dẫn tiến, tùy tài mà bổ dụng; 10. Trong số quan viên, công thần Vọng các, trừ con cháu trưởng và dòng đích, tuổi đã trưởng thành, đã trao quan chức rồi, còn ai không có con cháu dòng đích mà có con thứ hoặc cháu thứ, sẽ cho cai quản hoặc quan địa phương khai rõ lý lịch, cam kết, giao cho bộ Lễ xét thực chước định cấp cho quan tước hoặc cấp cho tiền và gạo; 11. Những công thần đã chết mà không có con cháu thừa tự, đều cho viên cai quản hoặc quan doanh trấn sở tại điều tra rõ về người đó, nếu người vợ vẫn còn và thủ tiết thì đem sự tình báo lên bộ Lễ tâu xin, sẽ cấp cho tiền và gạo để nuôi thân; 12. Các bách thần cả nước đều cho bộ Lễ tra rõ xin phong tặng có cấp bậc; 13. Quốc Tử Giám trước đã đặt học hiệu, nay đặt thêm nhà, thêm phòng, phát lương cho các sinh viên để tiện đọc sách, tập văn; 14. Các trường Hương thí khoa Kỷ Mão (1819) năm Gia Long thứ 18, trừ những người đã trúng tứ trường, tam trường đã được cho làm hạng ngoại tiêu sai rồi, còn những người trúng nhị trường thì cho miễn sưu lính 3 năm, người trúng nhất trường cho miễn sưu lính 2 năm; 15. Từ mờ sáng ngày Tết Nguyên đán năm Minh Mạng thứ nhất trở về trước, những người phạm tội quân lưu trở xuống, dù đã kết án hay chưa đều cho tha cả. Còn các tù bị tội chết, có bao nhiêu người đều giao cho bộ Hình tra rõ tội danh nặng nhẹ để tâu lên, xin chỉ khoan giảm có thứ bậc; 16. Trộm cướp bất luận nặng hay nhẹ, thủ phạm hay tòng phạm, ai biết sửa lỗi, tự thân đến doanh trấn các thành sở tại thú tội, đều được khoan miễn tội. 

So với việc ban ơn thiên hạ của các vua triều Nguyễn thực hiện sau khi đăng quang ngôi vị thì vua Minh Mạng được coi là người khoan giảm rộng rãi nhất. Ông ở ngôi gần 21 năm thì lâm bệnh mất vào ngày 28-12 năm Canh Tý (tức ngày 20-1-1841) tại điện Quang Minh, thọ 50 tuổi, được đặt miếu hiệu là Thánh Tổ và thụy hiệu là Thể thiên Xương vận Chí hiếu Thuần đức Văn vũ Minh đoán Sáng thuật Đại thành Hậu trạch Phong công Nhân hoàng đế. 

Là một hoàng đế có tài nhưng Minh Mạng vẫn có những nhược điểm, hạn chế nhất định; đánh giá về ông, nhà nghiên cứu Trần Trọng Kim trong sách Việt Nam sử lược đã viết như sau: “Trong đời vua Thánh Tổ làm vua, pháp luật, chế độ, điều gì cũng sửa sang lại cả, làm thành một nước có cương kỷ. Nhưng chỉ vì ngài nghiêm khắc quá, cứ một mực theo cổ, chứ không tùy thời mà biến hóa phong tục; lại không biết khoan dung cho sự sùng tín, đem giết hại những người theo đạo, và lại tuyệt giao với ngoại quốc làm thành ra nước Nam ta ở lẻ loi một mình. Đã hay rằng những điều lầm lỗi ấy là trách nhiệm chung cả triều đình và cả bọn sĩ phu nước ta lúc bấy giờ, chứ không riêng chi một mình ngài, nhưng ngài là ông vua một nước, việc trong nước hay dở thế nào, ngài cũng có một phần trách nhiệm rất to, không sao chối từ được. Vậy cứ bình tình mà xét, thì chính trị của ngài tuy có nhiều điều hay, nhưng cũng có nhiều điều dở; ngài biết cương mà không biết nhu, ngài có uy quyền mà ít độ lượng, ngài biết có dân có nước mà không biết thời thế tiến hóa. Bởi vậy cho nên nói rằng ngài là một ông anh quân thì khí quá, mà nói rằng ngài là ông bạo quân thì không công bằng. Dẫu thế nào mặc lòng, ngài là một ông vua thông minh, có quả cảm, hết lòng lo việc nước, tưởng về bản triều nhà Nguyễn chưa có ông vua nào làm được nhiều công việc hơn ngài vậy”.

TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU

Theo Pháp luật & Xã hội

Bình luận(0)