Đại thái giám Lý Liên Anh được xếp vào
hàng lộng quyền, gian xảo và giàu có bậc nhất trong số những hoạn quan
triều Thanh. Được biết đến là kẻ thân cận và tâm phúc của Từ Hy Thái
hậu, Lý Liên Anh nắm giữ thực quyền, “át vía” hoàng đế, thậm chí gây
nhiễu loạn cả chốn hậu cung.
Núp bóng Lão phật gia Từ Hy, hoạn quan này đã vơ vét rất nhiều tài sản,
làm giàu cho bản thân và gia tộc mình. Có quan điểm cho rằng, thời ấy,
mức độ giàu sang của gia tộc họ Lý còn vượt trội hơn cả hoàng thất.
Những năm cuối thời Quang Tự, thiên hạ từng đồn, riêng số bạc tại kinh
thành của thái giám này đã lên đến 1.600 vạn lượng. Thêm vào đó là cơ
man những địa sản và ngọc ngà châu báu được tích trữ trong nhà.
|
Chân dung Lý Liên Anh. |
Sau khi Từ Hy thái hậu băng hà vào năm Quang Tự thứ 34, Lý Liên Anh như
“đứa trẻ mất mẹ”, trở nên lạc lõng, bơ vơ giữa triều đình. Lo xong tang
lễ cho bà hoàng, ông cáo lão với Long Dụ thái hậu, xuất cung lui về ở ẩn
tại Nam Hoa Viên. Đây chính là nơi được Từ Hy thái hậu vì sủng ái mà
ban tặng.
Ba năm sau, tức vào ngày 4/3/1911, Lý Liên Anh qua đời, hưởng thọ 63
tuổi. Dẫu rằng, số phận một con người đã khép lại, nhưng những bí ẩn
liên quan tới thân thế lẫn phần kết lạ lùng của cuộc đời ông ta thì vẫn
luôn là dấu hỏi lớn.
Bí ẩn mộ phần
Mộ phần của đại thái giám này được cho là ở Ân Tế Trang, thuộc quận Hải
Định, Bắc Kinh. Theo kết quả điều tra văn vật của thành phố Bắc Kinh năm
1958, khu nghĩa địa Ân Tế Trang là nơi chôn cất khoảng hơn 2.700 thái
giám.
Trong số những mộ phần ấy, mộ của Lý Liên Anh được đánh giá là có quy mô
hoành tráng hơn cả. Dân gian từng lưu truyền câu chuyện thú vị liên
quan tới nơi an nghỉ của hoạn quan này.
|
Tạo hình Lý Liên Anh trên phim. |
Có cả ngàn dân công được động viên tới xây dựng mộ của thái giám họ Lý.
Người ta còn thu mua lượng lớn trứng gà từ những thôn trang rồi bỏ sạch
lòng đỏ, chỉ lấy lòng trắng trộn với vôi, cháo nếp thành một thứ vữa đặc
sệt để xây mộ. Vì vậy, tiền của đổ vào nơi an nghỉ ngàn thu của hoạn
quan này quả không ít.
Có người từng vịnh một bài thơ về “mộ phần trứng gà” của Lý Liên Anh như sau:
Mã liệp phong đầu kê noãn phần
Lê dân huyết lệ nhiễm thạch khôi
Khả thán Liên Công đạt hiển hoạn
Yên dữ tam bảo cộng tranh huy?
Trong đó, từ “tam bảo” ý chỉ “Tam bảo thái giám” Trịnh Hòa. Đây là một
hoạn quan đầu đời nhà Minh, có tên khai sinh là Mã Tam Bảo. Ông chính là
nhân vật nổi tiếng trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, đã thực hiện
những chuyến vượt biển lịch sử tới Tây Nam Á và Đông Phi. Lý Liên Anh
sinh thời vô cùng sùng bái Trịnh Hòa. Hằng năm, cứ đến tiết Thanh Minh,
đại thái giám này lại tới trước mộ Trịnh Hòa mà khấn bái.
Kỳ bí xác chết không vẹn thây
Năm 1966, khi mở quan tài của Lý Liên Anh, ngoài những trân châu, ngọc
phỉ thúy, mã não..., người ta không khỏi “dựng tóc gáy” vì phần thi thể
của thái giám này chỉ còn trơ lại mỗi đầu lâu và một bím tóc dài. Vì sao
hài cốt của hoạn quan này lại thiếu mất phần thân? Phải chăng, ông ta
đã bị sát hại tới nỗi chết chẳng toàn thây?
Có quan điểm cho rằng, Lý Liên Anh đã bị Long Dụ hoàng hậu ép phải chết.
Riêng số tài sản khổng lồ mà một đời ông ta gom góp, tận thu được đã bị
bà hoàng đem phát tán khắp nơi. Dẫu vậy, mọi chuyện vẫn kín như bưng,
sử sách không hề ghi chép bất cứ chi tiết nào, bởi xét cho cùng, sát hại
hoạn quan từng được Từ Hy thái hậu sủng ái hết mực là chuyện kinh thiên
động địa trong chốn hoàng cung bấy giờ.
Lại có ý kiến cho rằng, sinh thời, vì thói tham lam chuyên ăn của đút,
lại lắm mưu nhiều kế thao túng triều dã, nên Lý Liên Anh bị quần thần
bách tính căm ghét. Nên rời khỏi hoàng cung chưa được bao lâu, ông ta đã
bị kẻ khác vì uất hận mà giết chết.
Khủng khiếp hơn, dân gian còn đồn rằng, đại thái giám này đã bị đạo tặc
cướp sạch tài sản và đâm chết ở vùng biên giữa Sơn Đông và Hà Bắc. Hai
tên hầu cận hoảng loạn tới nỗi chỉ kịp nhặt đầu chủ nhân rồi tháo chạy
thục mạng.
Nhưng cũng có quan điểm cho rằng, sở dĩ, hài cốt của Lý Liên Anh mất đi
phần thân là do tập tục chôn cất dành riêng cho các thái giám thời bấy
giờ. Theo quan niệm mê tín của người Trung Quốc, khi chôn cất, những
phần thi thể không còn đầy đủ bộ phận sẽ là nỗi sỉ nhục với tổ tiên.
Theo đó, vong hồn cũng không đủ tư cách diện kiến tổ tông mình nơi chín
suối. Thái giám vốn là những người khuyết thiếu bộ phận sinh dục trên cơ
thể. Vì vậy, sau khi qua đời, họ hàng sẽ chỉ lưu lại phần đầu ở mộ
chính, phần thân đã bị cắt bỏ sẽ được đem chôn ở nơi khác.
Tuy nhiên, theo ghi chép của cuốn
Thanh bái loại sao cũng như những lời thuật lại của con cháu họ Lý, cái chết của hoạn quan này chỉ đơn giản là vì bệnh tật.