Bao Công và kỳ án chiếc rương ma quái (kỳ 2)

Google News

Từ một cái đầu người không tên tuổi, Bao Công dần dần tìm ra luôn 3 vụ án mạng khác, khiến người dân trấn Tam Tinh vô cùng cảm phục.

Từ lời khai của tên trộm vặt
Sau khi Triệu Hổ về thông báo tình hình, Bao Công liền sai quân đến ngay trang viên ấy bắt giữ Diệp Thiên Nhi, đồng thời giữ tử thi ở nguyên hiện trạng, đến sáng mới khám nghiệm. Tuy trời còn tối nhưng Bao Công vẫn thăng đường, gọi Diệp Thiên Nhi ra quát hỏi: “Hãy khai báo tên tuổi đi. Tại sao ngươi lại giết người? Đã hành nghề phi pháp được bao nhiêu năm rồi?”.
Thiên Nhi tái mét mặt mày, run rẩy quỳ xuống thưa đúng như những gì đã nói với Triệu Hổ, chỉ nhận tội vì quá nghèo nên đi ăn trộm, không hề biết gì đến cái xác nằm dưới đất. Thấy Thiên Nhi không khai, Bao Công liền truyền quân lính đánh luôn 20 trượng. Thế nhưng mới đánh được 5 trượng, Thiên Nhi đã đau đến nỗi khóc rầm trời van lạy: “Thôi thôi, đau quá tiểu nhân xin khai thật. Số mệnh của tiểu nhân gặp toàn xui xẻo, lần trước đã xui lần này còn xui hơn. Thật là muốn trốn cái oan ức cũng không xong”.
Nghe vậy Bao Công hơi ngạc nhiên. Ông vốn là người rất tinh ý, nhiều lần tra hỏi phạm nhân không hề nói đến tội chính, mà theo dõi từng nét mặt, từng cử chỉ rồi bất ngờ hỏi một câu khó chịu khiến phạm nhân không kịp suy nghĩ mà khai ra sự thật. Lần này cũng vậy, Bao Công hỏi ngay: “Lần trước như thế nào mau khai đi”.
Lúc ấy, Thiên Nhi mới biết mình đã lỡ lời và đã bị bắt trúng điểm yếu đành phải cúi đầu khai thật: “Trang viên mà tiểu nhân lần vào là của Bách viên ngoại, tên tục là Bách Hùng. Mấy hôm trước, nhà Bách viên ngoại mở tiệc sinh nhật rất lớn, tiểu nhân vô công rồi nghề nên đến phụ giúp việc lau chùi quét dọn kiếm miếng cơm đem về nuôi mẹ già".
 
"Tiểu nhân tưởng nếu xong việc không được thưởng chút bạc vụn thì cũng có cơm thừa canh cặn đem về, nào ngờ hỏi đến tên quản gia là Bách An thì hắn trở mặt đánh đuổi tiểu nhân đi, không cho một xu nào. Bỏ công sức bao ngày nên tiểu nhân không thể nín được tức giận và ngay đêm hôm đó đã lẻn vào trang viên".
"Nhờ mấy ngày làm việc ở trang viên nên tiểu nhân biết hết đường đi lối lại. Lần thứ nhất tiểu nhân theo hướng phía Đông lẻn vào, đến ngay phòng của Bách phu nhân là Ngọc Nhụy định ra tay. Bà ta có rất nhiều món trang sức quý giá".
Nói đến đây sắc mặt Thiên Nhi đột nhiên tái xanh, hình như vẫn còn nhớ lại cảnh tượng đêm hôm ấy, hổn hển hồi lâu mới tiếp tục kể: “Tiểu nhân thò tay vào tủ, sờ thấy có cái hòm nhỏ khá nặng thì mừng quá, nhẹ nhàng ôm nó rút lui. Khi về đến nhà cạy khóa ra thì… thì hỡi ôi, tiền bạc tư trang đâu chẳng thấy, chỉ thấy có mỗi… một cái đầu người. Cũng vì vậy mà tiểu nhân kêu oan, xin đại nhân minh xét cho”.
Bao Công không để ý đến lời than vãn của Thiên Nhi, hỏi luôn: “Cái đầu trong hòm ấy là của đàn ông hay đàn bà?”. Thiên Nhi đáp ngay không do dự: “Đó là cái đầu của một người đàn ông”. Bao Công thở phào một cái, hình như đã ráp nối được một số sự việc hỏi xem cái đầu người đó giấu ở đâu.
Thiên Nhi lắp bắp thành thật khai rằng, trong thôn của mình có một cái vườn lớn của một người tên là Khâu Phương, nơi đó trồng rất nhiều loại bầu bí, rau dưa. Thiên Nhi vì đói quá nên lén vào hái trộm mấy trái bí định đem về nấu canh cho mẹ ăn, nào ngờ Khâu Phương bắt được liền đánh cho một trận nhừ tử, cả tháng vẫn còn đau. Do vậy Thiên Nhi đem lòng oán hận, lén đem cái đầu người vất vào trong vườn của hắn.
Nghe đến đây, Bao Công liền sai quan huyện đem quân lính đi bắt Bách An và Khâu Phương đến khai cung, còn Thiên Nhi thì tạm giam vào ngục thất. Một lúc sau trời mới sáng, một tên lính có nhiệm vụ giữ xác chết ở trang viên vào bẩm báo với Bao Công: “Thuộc hạ được phân công giữ xác chết không đầu. Khi trời sáng thì thuộc hạ định về tìm cái gì ăn đỡ đói nhưng không thể ra được bởi cái cửa trước cái vườn đã bị khóa chặt, đành phải theo lối tường trèo ra. Đi đến phía trước thì nhận ra cái vườn ấy là nhà sau của tên đồ tể họ Trịnh nên lập tức về đây bẩm báo”.
Bao Công nghe vậy rất mừng, xem chừng ông đã hiểu ra vụ án mạng. Không chờ trời sáng hẳn, Bao Công lại sai quan huyện đi bắt đồ tể họ Trịnh đến công đường, bắt hắn quỳ ở dưới sân chờ đợi. Ăn sáng xong, Bao Công mới thăng đường, chỉ mặt họ Trịnh mà mắng: “Tên sát nhân đáng chết kia, ngươi thật ác độc, đã giết người còn định đổ hết lên đầu người hiền lương. Bản quan không cần đưa ra chứng cứ nhiều, chỉ hỏi ngươi một câu là ngươi chối không biết cái đầu đưa cho Hàn sinh đem đi, đổ tội cho hắn nhưng còn cái xác phụ nữ trong vườn sau thì ngươi khai sao đây?”.
Tên đồ tể họ Trịnh nghe đã phát hiện ra xác người phụ nữ ở sau vườn thì biết có chối cũng không được, đành phải cúi đầu khai thực: “Đêm hôm Hàn sinh đến mua đầu lợn thì trước đó đã có người đặt nhiều thịt ngon nên tiểu nhân dậy sớm nấu nước. Chợt nghe có tiếng phụ nữ kêu cứu thì liền mở cửa cho người ấy vào. Tiểu nhân ghé tai vào vách nghe thử thì thấy có tiếng mấy người truy đuổi nói chuyện với nhau là ngày mai sẽ đến đây lục soát".
"Sau khi họ rút đi rồi, tiểu nhân đốt đèn lên thì mới nhận ra người mình vừa cứu là một thiếu nữ còn trẻ tên là Cẩm nương. Cẩm nương cho biết bị lừa bán vào lầu xanh nhưng không chịu tiếp khách. Lúc đó có công tử con của ngài Thái thú họ Tưởng đến lầu xanh chơi, thấy Cẩm nương có sắc đẹp liền bỏ nhiều tiền bạc ra muốn mua về làm thiếp. Cẩm nương không chịu nên sau đó Tưởng công tử lấy quyền thế ra hăm dọa nếu từ chối hắn thì sẽ bị nhiều điều đau khổ".
"Bất đắc dĩ, Cẩm nương phải giả vờ bằng lòng, đêm đến bày tiệc rượu chuốc cho hắn uống đến say mèm rồi nhân lúc trời còn tối bỏ chạy đến nhà tiểu nhân. Thấy Cẩm nương xinh đẹp, tiểu nhân nổi lòng tà dâm, tiện đang cầm con dao bén mổ lợn thì liền gí vào cổ Cẩm nương mà hăm dọa. Cẩm nương chống cự dữ dội, vùng vẫy toan bỏ chạy nên trong lúc xô đẩy ngã vào con dao, đứt mất đầu".
"Tiểu nhân lột hết quần áo định đem chôn ở vườn sau, chẳng ngờ hay lúc Hàn sinh đến gọi cửa, tiểu nhân thật ngu dại nghĩ rằng nếu như Hàn sinh thấy cái đầu thì tất sẽ vất đi, tức là phi tang giùm mình. Vì vậy mới gói cái đầu ấy đưa cho hắn”.
Nghe họ Trịnh khai rất rõ ràng, đúng với sự thực, Bao Công liền sai làm biên bản bắt hắn ký vào. Xong xuôi đến lượt Khâu Phương bị bắt dẫn đến. Bao Công cười nhạt hỏi trước luôn: “Ngươi đã chôn cái đầu người đàn ông ở đâu, mau khai ra!”.
Nghe vậy Khâu Phương không còn hồn vía nào nữa, biết chắc quan quân đã biết mọi chuyện nên khai ngay: “Đêm hôm ấy tiểu nhân chưa đi ngủ, chợt nghe ngoài vườn có tiếng động mạnh, tưởng là gian phi nhảy vào nên lập tức cầm dao chạy ra. Khi thấy đó chỉ là cái đầu người, tiểu nhân sợ quá không dám báo quan mà sai gia nhân tên là Lưu Tam đem đi chỗ khác phi tang".
"Chẳng ngờ Lưu Tam khốn nạn nhân cơ hội bắt ép tiểu nhân phải đưa 100 quan tiền mới chịu làm, tiểu nhân phải cò kè mãi, sau cùng phải bỏ ra 50 quan tiền thì hắn mới ưng chịu. Tự nhiên mất số tiền lớn như vậy, tiểu nhân thật là đau lòng nhưng không còn cách nào hơn. Tiểu nhân hoàn toàn không biết Lưu Tam đem cái đầu người ấy đi chôn ở đâu”.
Bao Công liền sai quân lính đến nhà Khâu Phương bắt giữ Lưu Tam, đồng thời giải hắn đến chỗ đã chôn đầu người, đào mang về làm chứng cứ. Quân lính vừa đi thì Bách An được giải vào. Nhìn tướng mạo trắng trẻo khôi ngô tuấn tú của hắn che giấu nét gian xảo, Bao Công đã có chút ấn tượng không tốt, quát hỏi: “Ngươi có phải là Bách An, làm quản gia cho Bách Viên ngoại không? Ngươi làm việc ở Bách Gia trang bao lâu rồi, có được đối đãi tốt không?”.
Bách An cúi đầu thưa: “Bẩm đại nhân! Bách Viên ngoại xem tiểu nhân như con ruột, đối đãi rất ân cần, không có gì phải phàn nàn”. Nghe vậy Bao Công nổi giận, chỉ mặt Bách An mà mắng: “Bách Viên ngoại đối đãi với ngươi như con cái, thế mà ngươi dám thông dâm với Bách phu nhân, thật là kẻ loạn luân khốn khiếp, đáng ném vào vạc dầu”.
Bách An nghe vậy thoáng sợ hãi nhưng vẫn cố nói cứng: “Tiểu nhân hết lòng chăm sóc cho Bách Viên ngoại lẫn phu nhân. Có thể người khác nhìn vào cho rằng tiểu nhân lén lút với phu nhân chăng, xin đại quan minh xét”.
Vụ án có quá nhiều hung thủ
Bao Công lập tức sai người dẫn Thiên Nhi ra đối chứng. Thiên Nhi liền nói: “Thôi ông quản gia hãy khai thật đi! Tối hôm đó tôi định lẻn vào ăn trộm, thấy rõ ràng ông cùng với phu nhân Ngọc Nhụy tư thông cười đùa rồi ngủ lăn ra như chết, chẳng nhẽ đó là tận tình chăm sóc cho chủ nhân sao? Bây giờ không phải lúc chối tội thông dâm mà hãy khai cho đại nhân biết cái đầu mà ông giấu trong tủ là của ai thì hay hơn”.
Nghe vậy Bách An cứng họng, mặt tái mét như xác chết. Thấy Bách An đã chịu khai, Bao Công liền quát bảo hắn phải khai cho rõ ràng, không được giấu giếm. Bách An cúi đầu khai: “Cái đầu ấy là của người em họ của Bách chủ nhân tên là Lý Khắc Minh. Nguyên lúc Bách chủ nhân còn nghèo túng có vay của Lý Khắc Minh 500 lạng, tuy đã khá giả nhưng vẫn không sao trả nổi. Ngày hôm ấy Lý Khắc Minh đến chơi, thực tế là muốn đòi dứt khoát số bạc ấy đem về đầu tư vào buôn bán".
"Chẳng ngờ khi uống rượu, Khắc Minh cao hứng kể chuyện trên đường đi có gặp một hòa thượng điên điên khùng khùng tên là Đào Nhiên Công. Hòa thượng điên này nhìn chằm chằm vào mặt ông ta rồi nói có hắc khí có thể đưa đến mất mạng. Hòa thượng liền đưa cho ông ta một cái gối tên là Du Tiên, dặn rằng hãy đưa cho Tiên Chủ thì thoát được nguy hiểm".
"Khắc Minh không biết Tiên Chủ là ai nhưng vẫn nhận chiếc gối, đưa ra cho mọi người xem, còn khoe là nằm trên chiếc gối ấy sẽ thấy mình được vào cõi tiên, có hoa thơm cỏ lạ, sống trường thọ. Bách chủ nhân nghe vậy vừa muốn chiếm cái gối Du Tiên, vừa không muốn trả nợ nên chờ Khắc Minh uống say liền chặt đầu giết chết, sai tiểu nhân đem đi chôn. Tiểu nhân đành phải tuân lời, chôn cái xác Khắc Minh ở kho chứa hàng hóa cách Bách gia trang một khoảng khá xa”.
Bao Công ngắt lời, hỏi vào vấn đề: “Tại sao ngươi chôn rồi mà vẫn còn cái đầu người trong tủ?” Bách An thưa: “Tiểu nhân trước khi đem xác Khắc Minh đi chôn, sợ rằng sau này Bách chủ nhân phát hiện ra việc thông dâm của hai người thì nguy lắm, liền giữ lại cái đầu làm áp lực, định ngâm vào thủy ngân để giữ lâu dài nên mới tạm thời cất vào cái hòm nhỏ để trong tủ của Ngọc Nhụy. Ngờ đâu xui xẻo bị Thiên Nhi lấy trộm mất cái đầu ấy, thật tình là tiểu nhân không giết người, chỉ phạm tội che giấu mà thôi”.
Bao Công gật gù, hỏi một câu khác: “Ngươi đã chôn cái xác Khắc Minh ở đâu?” Bách An đáp: “Bẩm đại nhân! Tiểu nhân đã khai rồi, đó là cái kho chứa hàng. Nhưng sau này bọn gia nhân nhiều lần thấy ma hiện hình nên đều kinh sợ bỏ việc hết, tiểu nhân phải cho sửa sang lại rồi gọi mẹ con Hàn thị đến thuê với giá thật rẻ”.
Đến đây đã đầy đủ chứng cứ, Bao Công bắt Bách An ký tên vào văn án rồi sai quân đi bắt Bách Hùng. Vụ án chết hai người đến đây tưởng như đã xong, nào ngờ lại phát sinh chuyển biến khác.
Đó là khi quan huyện theo lệnh Bao Công dẫn Lưu Tam đi đào lấy cái đầu của Khắc Minh về tới, quan huyện liền báo ngay: “Khi Lưu Tam dẫn hạ quan tới cái giếng cạn, đào lên thì không phải là đầu của Khắc Minh, mà đó là một xác của đàn ông, trên thái dương có dấu hung khí rất rõ, chắc chắn thiệt mạng là do bị người nào đó đánh vào đầu. Lưu Tam vội kêu lên là 'đào lầm' rồi dẫn qua chỗ gần đó, quả nhiên lấy được cái đầu của Khắc Minh, có dấu vết đã bị nhúng vào thủy ngân”.
Bao Công liền gọi Lưu Tam lên hỏi tại sao có cái xác của người đàn ông cạnh giếng. Lưu Tam thở dài, khai luôn, hóa ra cái xác đó tên là Lưu Tú, người anh em họ hàng với Lưu Tam. Khi Lưu Tam nhận được số bạc 50 quan của Khâu Phương đem cái đầu đi chôn thì tình cờ, Lưu Tú biết được đi theo hăm dọa.
Lưu Tam sợ quá năn nỉ chia cho Lưu Tú 10 quan nhưng Lưu Tú tham lam đòi đến 45 quan, chỉ chừa cho Lưu Tam 5 quan mà thôi. Thấy Lưu Tú bắt ép người quá đáng. Lưu Tam nổi hung gật đầu bằng lòng nhưng khi hai người cùng đào hố để chôn thì thình lình Lưu Tam từ phía sau dùng cuốc đập vào thái dương Lưu Tú rồi tiện nơi đó vắng vẻ, đào hố chôn luôn.
Khai xong Lưu Tam cúi đầu thưa: “Thật tình là tiểu nhân không muốn giết người nhưng bị ép buộc quá, lại tiếc rẻ cái công phải đi chôn giấu đầu người khổ nhọc, để kẻ khác ăn hết nên không cầm được tức giận mà ra tay giết người, không hề có chủ ý như vậy. Hôm nay chắc quỷ thần xui khiến không cho sát nhân thoát tội nên mới che mắt sao đó làm tiểu nhân đào nhầm chỗ chôn Lưu Tú”.
Vừa lúc đó Bách Hùng cũng được dẫn đến, khai phù hợp với các lời khai khác nên Bao Công cho kết thúc vụ án như sau: Đồ tể họ Trịnh vì tham dâm hại chết Cẩm nương, phải đền mạng, đem chém đầu giữa chợ. Bách Hùng cũng bị chém đầu đền mạng cho Lý Khắc Minh, gia sản bị tịch sung vào công quỹ. Lưu Tam tuy bị ép buộc nhưng đã giết người tất phải đền mạng, đem chém đầu.
Bách An là đồng phạm giết người, che giấu tội phạm bị xử chết nhưng cho toàn thây, đem giam vào ngục thất chờ ngày treo cổ. Khâu Phương giấu giếm tang chứng, bị đày đi xa. Ngọc Nhụy can tội thông dâm loạn luân, bắt làm nô tì bán cho các nhà quan. Diệp Thiên Nhi nhiều lần trộm cắp, không phải là người ngay thẳng, bắt phải sung quân lập công chuộc tội.
Hàn Thụy Long chỉ vì tham tiền phi nghĩa, không nghe lời ngăn cản của mẹ, đúng ra cũng phải trị tội nhưng Bao Công xét là người còn trẻ, đầu óc nông cạn, lại là người duy nhất để phụng dưỡng mẹ già nên chiếu cố tha cho, được tiếp tục học hành để mai sau nên người hữu dụng.
Riêng Hàn thị tuy nghèo nhưng là người có học vấn, lại biết dạy dỗ con cái, được thưởng 20 lạng bạc làm gương sáng cho các bậc phụ mẫu trong huyện. Quan huyện truy xét sự việc không ra, cũng phải trừng phạt nhưng Bao Công khoan hồng chỉ trách mắng rồi cho giữ chức như cũ.
Với kỳ án này, từ một cái đầu người không tên tuổi mà Bao Công dần dần tìm ra luôn 3 vụ án mạng khác khiến cho người dân trấn Tam Tinh hết sức cảm phục.
Theo Pháp luật & Cuộc sống

Bình luận(0)