Bảo ấn của vua chúa xưa được chế tác thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Bảo ấn biểu trưng cho đế quyền của thiên tử. Để tạo nên tín vật thiêng liêng này, người xưa đã phải kỳ công ra sao, chưa hẳn ai cũng biết.

Chuyên gia nghiên cứu Guo Fuxiang thuộc Viện bảo tàng Cố Cung nhận định, bảo ấn là biểu tượng cho quyền lực tối thượng của hoàng đế. Mất ngự ấn không khác gì hoàng đế mất đi quyền thống trị giang sơn của mình. Nói cách khác, tín vật thiêng liêng này được xem là trọng khí của một vương triều, dùng để xác nhận ý chí và mệnh lệnh của hoàng đế.

Theo trang Sohu, đa phần ấn của hoàng gia đều được lưu giữ tại các bảo tàng lớn như Cố Cung (Bắc Kinh), chỉ số ít lưu lạc trong dân gian. Trước triều Thanh, bảo ấn không có số lượng cố định, tới thời Càn Long, nhà vua đã hết sức đề cao tầm quan trọng của ấn ngọc.


Tại Viện bảo tàng Cố Cung và Bảo tàng sơn trang nghỉ mát Thừa Đức, Trung Quốc hiện vẫn còn lưu giữ vô vàn những bảo ấn của hoàng đế, vương hậu nhà Thanh. Những ấn tỷ này hoặc được làm bằng vàng, hoặc bằng ngọc với những hình dáng, màu sắc phong phú đa dạng. Đây đều là những cổ vật quý giá, những tinh hoa nghệ thuật của quốc gia này. Các hiện vật là minh chứng cho một thời hoàng kim của vương triều nhà Thanh, Trung Quốc. Trải bao năm tháng, chúng vẫn hiện hữu với thực tại, như một nhân chứng vô giá của lịch sử. Vậy, những ấn tỷ này được chạm khắc, chế tác thế nào?


Theo những ghi chép trong “Khâm định Đại Thanh hội điển sự liệt”: “Vào năm đầu thời vua Thuận Trị, việc đúc bảo ấn do bộ Lễ phụ trách, bên trái của ấn là Thanh văn, bên phải là Hán văn. Nét chữ do Nội viện ban hành. Vàng bạc phèn the do bộ Hộ lo liệu, những vật phẩm tế lễ thuộc trách nhiệm của chùa Quang Lộc”. Các tình tiết cụ thể hơn, hậu thế không được tỏ tường, nhưng những mẫu ấn còn được bảo tồn tới ngày nay và một số tư liệu, ghi chép rải rác cũng giúp chúng ta phần nào hình dung được quá trình chế tác bảo ấn dành cho các đế hậu diễn ra theo trình tự như sau:


Trước hết, Bộ Lễ sẽ căn cứ theo tiền lệ đã định sẵn, tấu báo lên vua những bảo ấn cần chế tác và đợi chỉ thị của đấng thiên tử. Sau đó, bộ phận chế tạo sẽ dùng giấy, gỗ, lụa hoặc sáp nến làm thành mẫu ấn, viết chữ lên rồi dâng hoàng thượng ngự lãm. Được sự đồng ý, ưng thuận của đấng quân vương, người chịu trách nhiệm bên bộ Lễ sẽ phát mẫu ấn tới bộ phận chế tác để đúc hoặc khắc sản phẩm theo đúng nguyên mẫu được duyệt.


Đầu tiên, bộ phận chế tác sẽ lĩnh về những nguyên vật liệu để đúc ấn, sau khi phía Khâm thiên giám chọn ra ngày lành tháng tốt, họ mới tiến hành đúc, khắc ấn theo như nguyên mẫu. Những công đoạn chế tác sẽ bao gồm: làm núm ấn, chỉnh hình, đánh bóng…sau đó đưa vào ngân khố đợi khắc chữ. Khi khắc, Khâm thiên giám sẽ chọn ra giờ tốt, riêng bộ Lễ có nhiệm vụ tấu báo lên trên để được phê chuẩn. Lúc này, bảo ấn sẽ được đem tới Nội các, sau thủ tục hành lễ tại đại đường Nội các, người chịu trách nhiệm khắc ấn sẽ tiến hành công việc theo đúng mẫu chữ do Viện hàn lâm Nội các đưa ra. Hoàn thành xong, ấn sẽ được lưu trữ trong kho của Nội các. Khi đấng quân vương chính thức cử hành hôn lễ với hoàng hậu, Thị nghênh chánh phó sứ sẽ trực tiếp lấy ấn “Hoàng hậu chi bảo” từ trong kho ra. Nếu là những bảo ấn khác, có thể trực tiếp sử dụng sau công đoạn khắc chữ….

(*) Bài viết tham khảo các nguồn Sohu.com, Wikipedia.org, Ourjg.com, Jinshizhuanke.com.

TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU

Thùy Liên (tổng hợp)

Bình luận(0)