Danh hiệu này được dùng từ khi người đó nhường ngôi vua cho con trai, cháu trai, hoặc em trai, cho đến khi qua đời; sau khi qua đời thì dùng miếu hiệu, thụy hiệu. Tuy nhiên trong lịch sử nước ta, cũng có một số trường hợp dù không làm vua nhưng vẫn được tôn làm Thái thượng hoàng.
Tùy theo triều đại hay thời kỳ mà vai trò, quyền lực của Thái thượng hoàng có khác nhau, như ở đầu thời Trần, Hồ, Mạc, Thái thượng hoàng vẫn giữ quyền lực tối cao nhưng cũng có trường hợp do bị buộc hoặc bị bắt phải làm Thái thượng hoàng nên quyền lực hầu như không có, chỉ còn danh vị mà thôi.
Nhiều người lầm tưởng rằng trong lịch sử Việt Nam, nhà Trần là triều đại đầu tiên đặt lệ hoàng đế nhường ngôi khi con trai đã trưởng thành để lên làm Thái thượng hoàng, sau đó vua đầu nhà Hồ, nhà Mạc và một số vua thời Lê Trung Hưng cũng theo lệ này nhưng thực ra nhà Lý mới là triều đại đầu tiên đặt lên tôn phong Thái thượng hoàng và ít người biết rằng triều đại này có 2 vị Thái thượng hoàng là Sùng Hiền hầu và Lý Huệ Tông.
|
Chiếc triện ngọc với bốn chữ “Thái thượng Hoàng đế”. |
Vị Thái thượng hoàng đầu tiên trong lịch sử Việt Nam là con trai út của Lý Thánh Tông, em vua Lý Nhân Tông (có sách nói Nhân Tông và Sùng Hiền đều do Thái hậu Ỷ Lan sinh ra) và là cha của vua Lý Thần Tông, không rõ năm sinh và tên thật của ông là gì, sử sách chỉ chép tước hiệu của ông là Sùng Hiền hầu. Ngoài ra Sùng Hiền hầu còn là một trong hai Thái thượng hoàng chưa từng làm vua nhưng có con làm vua nên được tôn lên ngôi vị Thượng hoàng.
Lý Thần Tông là vị vua duy nhất của nhà Lý được kế vị ngai vàng không phải do vua cha truyền cho, ông tên thật là Lý Dương Hoán, con trai Sùng Hiền hầu và gọi Lý Nhân Tông bằng bác. Do Lý Nhân Tông không có con trai nên mới đón Lý Dương Hoán vào cung nhận làm con, lập làm Thái tử và sau này truyền ngôi cho. Sách Việt sử lược cho biết ngắn gọn Lý Thần Tông là “cháu của vua Thánh Tông, con Sùng Hiền hầu”, Đại Việt sử ký toàn thư chép rõ hơn một chút khi viết Lý Thần Tông là “cháu gọi Thánh Tông bằng ông, cháu gọi Nhân Tông bằng bác, con của Sùng Hiền hầu”, riêng sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục trực tiếp đề cập thân thế của ông khi ghi Sùng Hiền hầu là “hoàng đệ của Nhân Tông”.
Theo ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư và giai thoại dân gian, vua Lý Nhân Tông không có con trai nối dõi nên rất lo buồn, một viên quan ở Thanh Hóa dâng sớ về tâu rằng:
Tại vùng ven biển của xứ có một đứa trẻ kỳ lạ khác thường, mới lên ba tuổi mà nói nhiều điều vượt trội, tự xưng là thần đồng và cho mình là con vua, người người cho là linh dị mới gọi tên hiệu Giác Hoàng.
Vua liền sai người đi dò xét, thấy đúng như lời tâu mới đưa đứa trẻ kia về kinh đô cho ở tại chùa Báo Thiên. Thấy nó mặt mũi khôi ngô, thông minh xuất chúng, vua rất yêu mến, muốn lập làm Thái tử. Cả triều đình đều can gián:
- Đứa trẻ này thông minh linh dị phải để nó thác sinh vào cung cấm mới nối ngôi Hoàng đế được.
Vua nghe theo sai lập đàn làm lễ tế cúng trong bảy ngày bảy đêm, cầu phép thác sinh hoàng tử. Một vị sư là Từ Lộ khi ấy đoán biết đứa trẻ kia là một kẻ ác thác sinh, mới bảo người chị:
- Đứa bé đó là một tên sát nhân thác sinh muốn lên làm vua, ta phải ra tay ngăn trừ để tránh hậu họn cho nước nhà.
Nói rồi liền làm một đạo bùa cùng mấy hạt châu đã làm phép đưa cho chị và dặn giả làm người đến xem lễ rồi tìm cách dán lá bùa vào một chỗ trong đàn tế và rắc hạt châu quanh đó. Đến ngày làm lễ thứ ba, khi các đạo sĩ đang cúng tế thì Giác Hoàng bỗng thấy như bị lửa đốt rồi la lên rằng:
- Khắp mọi nơi đều thấy toàn lưới sắt bao vây cả, ta chẳng còn lối nào mà thác sinh được vào cung vua?
Không lâu sau Giác Hoàng bị bệnh ngày một nguy kịch rồi chết. Vua Lý Nhân Tông cho tra xét, biết sư Từ Lộ đã làm phép yểm liền sai bắt giam rồi cho gọi các quan đại thần vào cung cùng bàn nghị định tội. Lúc ấy em vua là Sùng Hiền hầu đi qua, Từ Lộ thấy vậy mới nói:
- Nếu Ngài có lòng cứu cho tôi được khỏi tội thì tôi sẽ thác sinh vào cung để trả ơn
Sùng Hiền hầu không có con, nghe thế liền nhận lời ngay. Tới khi bàn việc trị tội Từ Lộ, các quan đều nói:
- Bệ hạ chưa có hoàng tử nên cầu cho Giác Hoàng được thác sinh vào cung mà Từ Lộ lại dám làm phép để ngăn trở thì đáng phải tội chết.
Sùng Hiền hầu thì tâu bàn theo hướng khác:
- Nếu Giác Hoàng quả là bậc linh dị thì sao Từ Lộ làm phép lại không có phép gì để giải cứu được, có phải là Giác Hoàng còn kém tài Từ Lộ xa không? Thần trộm nghĩ bệ hạ nên tha tội cho Từ Lộ để bắt Lộ phải thác sinh vào cung thì tốt hơn.
Vua ngẫm nghĩ cho là phải, ra lệnh tha cho, Từ Lộ đến gặp Sùng Hiền hầu tạ ơn cứu mạng và dặn rằng:
- Nếu phu nhân có thai, khi sắp lâm bồn thì Ngài hãy báo ngay cho tôi biết
Mấy tháng sau, vợ Sùng Hiền hầu là Đỗ phu nhân có thai, đến khi lâm bồn, đau bụng quằn quại mấy ngày chưa sinh được, ông vội sai người đến núi Phật Tích báo tin. Từ Lộ liền tắm rửa sạch sẽ rồi vào trong ghềnh núi thoát xác lại mà chết, đồng thời khi ấy Đỗ phu nhân trở dạ sinh một con trai. Sùng Hiền hầu và mọi người trong gia đình đều vô cùng mừng rỡ mới đặt tên là Lý Dương Hoán.
Điều kỳ lạ là đứa trẻ mỗi ngày một khác, chưa học hành gì mà đầu óc đã sáng láng, càng lớn càng đẹp người và có nhiều tài lạ. Khi được ba tuổi thì Lý Nhân Tông đưa vào cung nuôi dạy và nhận làm con nuôi, rồi cho lập làm Hoàng thái tử. Tháng 12 năm Đinh Mùi (1127) Lý Nhân Tông mất, Hoàng Thái tử Lý Dương Hoán (tức là hậu thân của Từ Lộ thác sinh) nối ngôi, trở thành vua Lý Thần Tông.
Năm Kỷ Dậu (1129) Lý Thần Tông tôn thân phụ Sùng Hiền hầu làm Thái thượng hoàng và thân mẫu Đỗ thị làm Hoàng thái hậu, ở tại cung Động Nhân, việc này bị các sử gia phong kiến chê trách, như Lê Văn Hưu từng bàn: “Thần Tông là con người tông thất, Nhân Tông nuôi làm con, cho nối đại thống, đáng lẽ phải coi Nhân Tông làm cha mà gọi cha sinh là Sùng Hiền hầu làm hoàng thúc, phong mẹ đẻ Đỗ thị làm Vương phu nhân, như Tống Hiếu Tông đối với Tú An Hy Vương và phu nhân Trương thị, để tỏ ra là một gốc mới phải. Nay phong Sùng Hiền hầu làm Thái thượng hoàng, Đỗ thị làm Hoàng thái hậu, chả hóa ra là hai gốc ư? Bởi Thần Tông bấy giờ còn trẻ thơ mà các công khanh trong triều như Lê Bá Ngọc, Mậu Du Đô lại không biết lễ nên mới thế” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Đó là quan điểm của sử gia phong kiến sau này bình luận, chỉ biết rằng trên thực tế Sùng Hiền hầu trở thành vị Thái thượng hoàng đầu tiên trong lịch sử nước ta. Ông ở ngôi vị này đến tháng 5 năm Canh Tuất (1130) thì qua đời, được triều đình truy tôn thụy hiệu là Cung Hoàng đế.
TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU