Thái hậu Từ Dũ là bà Hoàng Thái hậu nổi tiếng của triều Nguyễn. Bà là người đức hạnh, có học thức, giỏi nuôi dạy con cái, yêu quý dân chúng... Trong 55 năm tại vị, từ khi trở thành Hoàng Thái hậu dưới triều Tự Đức cho đến lúc mất dưới thời Thành Thái, bà luôn được coi là một bà hoàng cao quý nhất của triều đình nhà Nguyễn.
Chiếc cúc áo có hình con phượng
Thái hậu Từ Dũ là mẹ vua Tự Đức (1848 - 1883), vợ vua Thiệu Trị (1841 - 1847). Bà có tên thật là Phạm Thị Hằng, con gái Thượng thư bộ Lễ Phạm Đăng Hưng. Bà Phạm Thị Hằng sinh ngày 9/5 năm Canh Ngọ, niên hiệu Gia Long 9, tức ngày 10/6/1810, người huyện Tân Hòa (nay là Gò Công) tỉnh Gia Định. Thuở nhỏ là con gái phải theo nếp gia phong, phải chăm lo học nữ công gia chánh, coi sóc việc thêu thùa, nấu nướng. Nhưng do sinh ra trong một gia đình nho giáo bố là công thần nhà nước, mẹ lại là người trọng văn thơ, nên bà Phạm Thị Hằng cũng theo mẹ ham đọc sách, thông hiểu kinh sử, rèn luyện tính hạnh, đạo đức, nho phong.
Năm bà 14 tuổi, do có tiếng tốt nên được vợ vua Gia Long, tức Thuận Thiên Cao Hoàng hậu tuyển vào cung, cho làm vợ lẽ Hoàng trưởng tử Miên Tông. Bấy giờ, cùng làm vợ lẽ Miên Tông còn có người con gái họ Nguyễn là con của Kinh Môn quận công Nguyễn Văn Nhân. Nhưng do chức của người cha lớn hơn nên Nguyễn Thị được xếp vào bậc cao hơn Phạm Thị Hằng. Tuy vậy, do được dạy dỗ chu đáo nên bà Phạm Thị Hằng tỏ rõ người thấm nhuần lễ nghĩa nho gia nên vẫn được mẹ vua và vua thương mến.
Có lần vua Minh Mạng sai cho mỗi người một chiếc áo sa cổ có đính hoa vàng. Khi hai người từ tạ thì mẹ vua lại cho mỗi người một cúc áo vàng, chiếc chạm hình con phượng, chiếc chạm cành hoa, đều được gói kín trong hộp, thầm vái trời rằng: "Xin cho người có con trước được chọn chiếc cúc chạm hình phượng". Bà Phạm Thị Hằng vẫn chọn được chiếc cúc áo có chạm hình con phượng. Sau đó, năm 15 tuổi bà Hằng sinh trưởng công chúa Diên Phúc, sau một năm lại sinh thứ trưởng công chúa và ngày 25/8 năm Kỷ Sửu, niên hiệu Minh Mạng thứ 10 (tức ngày 22/9/1824) bà Phạm Thị Hằng sinh ra Nguyễn Phúc Hồng Nhậm (tức vua Tự Đức sau này).
|
Hoàng Thái Hậu Từ Dũ.
|
Ngồi sau tường nghe việc quan
Ngày 11/1/1841, vua Minh Mạng qua đời, đến ngày 11/2/1841, Miên Tông chính thức lên ngôi, đặt niên hiệu Thiệu Trị. Năm này vua Thiệu Trị phong bà Phạm Thị Hằng chức cung tần.
Năm Quý Mão (1843), Hồng Nhậm được phong Phúc Tuy Công, cũng trong năm này, bà Phạm Thị Hằng được phong Thành phi, đứng đầu bậc thứ hai của các vợ vua, về danh nghĩa là người đứng hàng thứ sáu trong số 21 bà vợ vua có chức vị cao.
Tháng 2 năm Bính Ngọ (1846) bà Phạm Thị Hằng lại được phong Quý Phi, thực tế là người vợ lớn nhất của Thiệu Trị, đứng đầu các cung vì vua Thiệu Trị chưa phong ai là Hoàng hậu và Hoàng quý phi.
Theo Đại Nam chính biên liệt truyện thì vua thường ngồi ở điện Khâm Vạn nghe chính sự, sai hậu ở sau tường nghe trăm quan tâu việc, lời vua huấn thị rõ hay không... Khi vua gần mất, mọi việc về sau đều dặn dò ủy thác cho Hậu. Ngày 5/ 11 năm Đinh Mùi (1847) Thiệu Trị qua đời, Ngày 23/11/1847 (ngày mồng 3/10 năm Đinh Mùi) Hồng Nhậm lên ngôi, đặt niên hiệu là Tự Đức cho năm sau là năm Mậu Thân.
(còn nữa)