Mạc Mậu Hợp phá nát cơ đồ vì háo sắc
Mạc Mậu Hợp (1560 – 1592) là vị vua thứ 5 của nhà Mạc thời Nam Bắc triều trong lịch sử Việt Nam. Khi lên ngôi ông mới được 2 tuổi, việc triều chính do hai ông chú là Mạc Kính Điển và Mạc Đôn Nhượng phụ tá.
Khi trưởng thành, Mạc Mậu Hợp trở thành một vị vua sống xa hoa, trụy lạc, kiêu ngạo, không quan tâm chuyện triều chính, hay nghe xiểm nịnh, ít lắng nghe lời bàn luận, khuyên can của các bậc lương thần. Thế và lực của nhà Mạc dưới thời Mạc Mậu Hợp ngày càng sa sút.
Đặc biệt, chính thói hoang dâm, hiếu sắc của Mạc Mậu Hợp đã đẩy cơ nghiệp của nhà Mạc đến chỗ suy vong.
Để thỏa mãn dục vọng của mình, Mạc Mậu Hợp đã không ngần ngại “mưu giết bề tôi, đoạt mỹ nhân”. Do thích vợ của viên trấn thủ Nam đạo Sơn quận công Bùi Văn Khuê, ông đã lên kế hoạch giết danh tướng này để cướp vợ.
Kế hoạch bị đổ bể khiến Bùi Văn Khuê đem quân quay sang quy phục vua Lê và chúa Trịnh Tùng. Theo gương Bùi Văn Khuê, hơn 10 tướng nhà Mạc cũng bỏ Mạc Hậu Hợp để chạy sang phe Lê – Trịnh.
Điều này khiến quân Mạc suy yếu nghiêm trọng và bị quân Trịnh Tùng đánh tan tác sau đó không lâu. Mạc Mậu Hợp phải bỏ kinh thành trốn chạy nhưng không thoát, cuối cùng đã bị Trịnh Tùng treo sống 3 ngày rồi chém đầu tại bãi cát Bồ Đề, sau đó đem đóng đinh vào 2 con mắt, bêu ra ngoài chợ 5 ngày.
Vương triều Mạc đã chấm dứt cùng với cái chết của Mạc Mậu Hợp.
Đồng Khánh – con rối của người Pháp
Đồng Khánh (1864 – 1889) là vị Hoàng đế thứ 9 của nhà Nguyễn. Tại vị từ năm 1885 đến 1889, ông nổi tiếng là một vị vua bù nhìn thân Pháp.
Sau khi được lên làm vua, tất cả mọi việc người Pháp yêu cầu, Đồng Khánh đều răm rắp nghe theo. Không chỉ công khai thừa nhận nước Pháp là “thượng quốc”, ông vua này còn khen thưởng những quan lính Pháp "có công" đàn áp phong trào yêu nước của người Việt.
|
Vua Đồng Khánh.
|
Không dừng lại ở đó, Đồng Khánh còn nhượng đất để thực dân Pháp mở rộng đồn Mang Cá và ký hiệp ước biển các hải cảng quan trọng của Việt Nam là Hải Phòng và Đà Nẵng thành nhượng địa của Pháp.
Để ban thưởng cho sự ngoan ngoãn của Đồng Khánh, người Pháp cho ông được hưởng thụ một cuộc sống cực kỳ xa hoa với những buổi tiệc tùng hoành tráng, những bộ trang phục khảm ngọc dát vàng…
Theo yêu cầu của Pháp, Vua Đồng Khánh đích thân ra tận Quảng Bình để dụ vua Hàm Nghi và các quan tùy tùng chống Pháp về hàng, hứa là sẽ cho cai trị 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh nhưng không thành công.
Thực dân Pháp cũng bố trí cho Đồng Khánh ra Bắc Hà để lấy lòng dân chúng, nhưng bị dư luận phản ứng gay gắt, nên đến Quảng Bình thì ông vua bù nhìn lấy cớ ốm đau trở về kinh đô.
Cuộc đời của Đồng Khánh chấm dứt ở tuổi 25 trong sự bàng quan của người đời.
Khải Định – ông vua lố lăng
Vua Khải Định (1885 – 1925) là vị vua thứ 12 của nhà Nguyễn. Cũng như cha mình là Đồng Khánh, ông được biết đến như một ông vua bù nhìn, tay sai đắc lực của thực dân Pháp trong kế hoạch cai trị Đông Dương.
Trước khi lên làm vua, Khải Định được người đời biết đến như một kẻ nghiện cờ bạc, thường xuyên bị thua, có khi phải cầm bán cả những đồ dùng và người hầu hạ. Khi đã lên ngôi, ông bị đánh giá là một vị vua chỉ ham chơi bời.
|
Vua Khải Định.
|
Khải Định rất chuộng trang điểm, ăn mặc lòe loẹt. Ông tự sáng chế ra những bộ y phục mới cho mình và cho cả quan hộ vệ. Do không tuân theo y phục hoàng bào truyền thống của các vua chúa, ông thường bị đả kích trên báo chí đương thời. Ông cũng cho xây dựng nhiều công trình xa hoa, nổi tiếng nhất là lăng của chính ông – bị nhiều người chê là có kiến trúc lai căng.
Tháng 5/ 1922, Khải Định sang Pháp dự Hội chợ thuộc địa ở Marseille. Đây là lần đầu tiên một vị vua triều Nguyễn công du chính thức ra nước ngoài. Chuyến đi này đã làm dấy lên nhiều hoạt động của người Việt Nam yêu nước nhằm phản đối ông.
Tại Pháp, trên tờ báo Người cùng khổ, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc có một loạt bài chế giễu Khải Định, trong đó có truyện ngắn "Vi hành" và còn viết vở kịch Con rồng tre, diễn ở ngoại ô Paris. Nhà cách mạng Phan Chu Trinh đã gửi Thất điều trần - một bức thư dài trách Khải Định 7 tội.
Tháng 9/1924, từ Pháp về, Khải Định còn lo tổ chức lễ tứ tuần đại khánh rất lớn và tốn kém, bắt nhân dân khắp nơi gửi quà mừng. Sau lễ mừng thọ, ngân sách Nam triều kiệt quệ, Khải Định cho tǎng thêm 30% thuế điền, khiến sự phẫn nộ của dân chúng tăng lên ở khắp nơi.
Khải Định ở ngôi được 10 năm thì bị bệnh nặng và mất khi 40 tuổi.