Bây giờ con đã lớn khôn, đã đủ tỉnh táo để nhận ra rằng, mẹ giờ này đã nằm yên dưới ba tấc đất, mới thấm thía lời Phật dạy: Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc/ Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không?
Con là một đứa trẻ tính tình ngang ngạnh, nóng nảy, nhiều khi làm mẹ phiền lòng. Ngày còn bên cạnh mẹ, vào ngày rằm, mồng một hay ngày lễ, mẹ đều đưa con lên chùa vãn cảnh, thắp hương và dùng bữa cơm chay trong chùa. Bữa cơm đạm bạc với muối tương, rau dưa nhưng rất ngon miệng. Nghe mẹ giảng giải, dần dần tính tình con như dịu lại.
Mẹ thường quan niệm: “Phật tại tâm” nên thường tự chế biến đồ ăn chay trong bữa cơm gia đình. Đồ ăn chay thường là những món dễ làm, dễ ăn, nhưng nhờ đôi bàn tay khéo léo, sự sáng tạo mới có được món ăn sinh động. Điều ấy khiến con thích ăn những món ngon mẹ nấu hơn bao giờ hết.
Nhưng cho đến bây giờ, con vẫn bàng hoàng khi nghĩ rằng mẹ đã không còn bên con nữa. Cứ mỗi mùa Vu Lan con lại nhớ về mẹ, thấy xót lòng khi nghe câu ca “Dù ai buôn bán đâu đâu/ Cứ rằm tháng bảy mưa ngâu thì về”.
|
Không kìm được nước mắt trong ngày Vu Lan. Ảnh minh họa. |
Khi ấy con thường trở về ngôi nhà của mẹ con mình, nấu bữa cơm chay cúng mẹ. Con vẫn nhớ y nguyên lời mẹ dặn: Chữ “hiếu” không nằm ở mâm cao cỗ đầy mà ở thái độ của những người con, tấm lòng thành kính, cách đối nhân xử thế.
Những đêm tối của mùa lễ Vu Lan năm nào con cũng nghe thấy tiếng mẹ gọi về ăn cơm. Khi ấy con thấy mình đang bay, qua những nóc nhà tỏa khói thơm mùi cơm vừa chín tới, bay qua con đường hoa dại lạnh lẽo những ngôi mộ, qua con đường núi đá lởm chởm, qua con đường lưng chừng trời mịt mờ sương giăng. Con mong gặp mẹ da diết.
Khi con về gần đầu làng thì có người cài lên ngực áo một bông hồng màu trắng. Con về đến đầu ngõ thì thấy đường không bóng người, mẹ mặc áo lụa trắng, đội nón mê, sương buổi sớm vờn vũ trên khuôn mặt thánh thiện của mẹ.
Mẹ đang tỉ mẩn rót từng phễu cháo trắng bằng lá đa, lá mít có gắn que tre ở đầu. Những phễu cháo được cắm theo hàng tạo thành lối đi dài. Những vong hồn vất vưởng nơi cõi âm gần nhau hơn, chợt ấm lại nhờ hớp cháo lá đa.
Con lao lên phía trước, tưởng như sắp được sà vào lòng mẹ, quàng tay lên cổ mẹ, duỗi chân níu lấy chân mẹ, thoả thích hít hà hương thơm trên cơ thể mẹ như thuở nhỏ. Nhưng tất cả chỉ là ảo giác. Mẹ vụt qua trước mắt như một cái quệt tay nhòe nhoẹt. Con thấy người mình lạnh toát. Con gọi mẹ thao thiết mà chỉ thấy quanh mình ngào ngạt hương quỳnh.
Mẹ chỉ có con là người thân duy nhất. Ngày còn sống, mẹ chỉ yêu hoa quỳnh, loài hoa mẹ mang tên. Cái tên ấy nghe đã nhiều truân chuyên. Ngày bố bỏ hai mẹ con đi tìm cuộc sống mới, mẹ ở vậy nuôi con đến khi lớn khôn.
Căn bệnh tim đã cướp mẹ của con trong một ngày tháng 7 giông gió. Mẹ dặn khi mất hãy trồng bên mộ mẹ một khóm quỳnh. Mẹ sẽ về với con mỗi khi quỳnh nở. Mồ côi, con nhìn mầu trắng hoa quỳnh chỉ thấy bơ vơ. Ngày mẹ mất, con trồng bên mộ mẹ một khóm hoa quỳnh. Quỳnh vẫn ra hoa đều đặn những mùa lễ Vu lan.
Ngày mẹ đi xa, ngày nào con cũng viết thư cho mẹ với lòng tin mãnh liệt rằng mẹ sẽ nhận được thư của con. Con nhớ những lá thư mẹ gửi con ngày học xa nhà, mẹ động viên, nhắc nhở con cố gắng. Lần nào đọc con cũng khóc. Bây giờ con lại viết thư cho mẹ, chỉ mong khi đọc được mẹ sẽ mỉm cười. Con kể cho mẹ nghe chuyện học hành ở trường, chuyện bạn bè ở lớp, chuyện nỗi buồn khi vắng mẹ.
Bữa cơm nào con cũng nấu phần mẹ, sắp bát đũa cho mẹ. Chiều nào cũng ra ngõ đợi mẹ đi làm đồng về. Nhiều ánh mắt ái ngại khi nhìn vào con, họ sợ rằng con cứ như thế thì không bao giờ thoát ra khỏi nỗi buồn. Họ sợ rằng con không bình thường. Nhưng họ không biết được rằng những ký ức ấy đã giúp con sống sót sau giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời.
Bây giờ con đã lớn khôn, đã có một gia đình hạnh phúc và cũng đã làm mẹ. Con đã đủ tỉnh táo để nhận ra rằng, mẹ giờ này đã nằm yên dưới ba tấc đất, mới thấm thía lời Phật dạy:
Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không?
Đêm nay trăng rằm, con đốt thư gửi mẹ ngày Vu Lan...
Độc giả: Quỳnh Anh
(Nguồn: Giáo dục Việt Nam)