"Tôi thương bố, nhưng tôi không thể để ông vào nhà được, nếu để ông vào các con của ông sẽ đuổi tôi ra khỏi nhà"
“Tôi thương bố, nhưng tôi không thể để ông vào nhà được, nếu để ông vào các con của ông sẽ đuổi tôi ra khỏi nhà”. Bà H. con dâu cả của ông N. phân trần khi quyết tâm không mở cửa cho bố chồng vào nhà.
Đem bố ra bỏ đường
Ngày 7/9, nhiều người dân quanh khu vực đường Núi Trúc (Đống Đa, Hà Nội) bất bình khi chứng kiến cảnh ông N.V.N (87 tuổi) sau 2 tháng nằm viện, khi xuất viện được các con ông đưa tới nhà người con dâu cả. Nhưng người con dâu V.T.T.H (51 tuổi) quyết không mở cửa để đưa ông N. vào nhà, nên các con ông đã đặt ông nằm ngay vỉa hè.
Ông N. chỉ được nằm trên một manh chiếu mỏng trải ra vỉa hè, đắp trên người cái chăn mỏng dưới trời khi nắng, lúc mưa gần 10 tiếng đồng hồ, từ 12h tới 20h.
|
Sau khi từ viện về, ông N. được các con đưa tới nhà con dâu cả và vợ ông N. đang sống, nhưng người con dâu quyết không cho ông vào nhà, nên ông N. bị các con đặt nằm ngay vỉa hè. |
Một số người dân ở đây cho biết, căn nhà số 11 Núi Trúc trước đây là của vợ chồng ông N. mua lại từ sau kháng chiến chống Pháp, do vợ ông N. đứng tên chủ hộ. Vợ chồng ông sinh được 4 người con, 2 trai và 2 gái. Sau đấy, khi người con trai cả của ông lập gia đình, bố mẹ cho sống trong căn nhà này.
Vì ông N. và vợ không hợp nhau nên hai người ly thân từ cách đây mấy chục năm, vợ ông ở lại căn nhà này sống với người con trai cả. Còn ông N. ở với những người con khác. Năm 2010, con trai cả của ông qua đời, cô con dâu vẫn nhận nuôi mẹ chồng.
Mọi chuyện sẽ chẳng vấn đề gì nếu ông N. không đổ bệnh cách đây hơn 2 tháng, sau khoảng nửa tháng nằm viện, ông được cho xuất viện. Lúc này bà H. (con dâu cả) bàn với cậu con trai út của ông N. làm thủ tục cho ông N. vào Viện Dưỡng lão.
Nhưng chỉ vào Viện Dưỡng lão được vài ngày thì ông N. bị ngã, lại phải nhập viện để chữa trị tiếp. Tới ngày 7/9, ông N. được cho xuất viện.
Sau khi xuất viện, ông N. được đưa tới nhà bà H., nhưng bà H. quyết không cho các con ông N. đưa ông vào nhà. Hai bên xảy ra giằng co, sau đó bà H. đóng cửa nhà rồi bỏ sang nhà bên. Không cho ông N. vào được nhà, các con gái của ông N. đã đặt ông nằm ngay ở cửa.
Chứng kiến sự việc đau lòng, xót thương cho ông N. nhiều người dân xung quanh đã tập trung phản đối. Tới 20h các con ông N. đưa ông về nhà người con gái thứ 2.
“Tôi là hàng xóm nhưng chứng kiến cảnh ông như thế này tôi không thể chấp nhận được, trách nhiệm của ai, đúng sai tôi không biết, nhưng đã là con cháu phải có trách nhiệm, ít ra phải cho ông vào nhà, không thể để ông như thế này được”, một người dân sống bên cạnh bức xúc.
Con dâu nói gì?
Chứng kiến sự việc từ đâu, và ngồi ‘quan sát’ ở nhà bên cạnh, cháu gái ông N. (con người con trai đầu) phân trần: “Cậu con trai út giờ đang trốn tránh, để cho hai con gái và con rể ra mặt chăm sóc ông ở vỉa hè.
Trước đây ông N. sống với cậu con trai út, nhưng cậu út thường bỏ mặc ông một mình ở nhà, ông buồn nên suy sụp, rồi ốm. Sau thời gian chăm sóc ở viện, họ chối quá nên mới đưa lên đây cho con dâu chăm sóc. Còn nhà này hộ khẩu chỉ có bà nội và hai mẹ con tôi”.
|
Ông N. phải nằm vỉa hè, trời lúc nắng, khi mưa, dù ông vừa phải nằm viện hơn 2 tháng, xuất viện là các con ông đưa về đây. |
Còn bà H. (con dâu ông N.) cho rằng, sau khi ông N. được đưa về đây phường đã xuống xử lý, gặp các bên liên quan, và đã quyết định hộ khẩu của ông ở đâu về nhà đấy, còn nhà này ông không có hộ khẩu. Giờ các con ông đang có ý định chống đối với quyết định của chính quyền.
“Tôi chỉ nuôi một người, mẹ hoặc bố, và mọi người đã thống nhất tôi nuôi mẹ. Giờ tôi mở cửa ra ông vào nhà thì làm sao đưa ông đi được nữa? Họ muốn chiếm nhà của tôi, muốn đẩy mẹ góa con côi ra đường, công sức của tôi vứt đi. Nhà này là của tôi mua, trước đây là nhà thuê. Giờ các con gái của ông chỉ cần đưa ông vào được trong nhà là đẩy tôi ra đường, làm sao tôi cho ông vào được?”, bà H. phân trần.
Theo bà H., dù rất thương bố chồng nhưng đành cầm lòng, không thể cho ông vào được và cũng không thể nhìn được cảnh ông nằm vỉa hè nên phải sang nhà bên lánh mặt.
Còn theo con rể của ông N. (chồng con gái thứ 2 của ông N.) trách nhiệm nuôi ông bà là của hai người con trai. Lâu nay ông nuôi bố vợ, làm vẹn tình nghĩa, nhưng giờ ông ốm, nhà này trước kia là của ông N., ông muốn về đây để có chết cũng chết ở nhà mình, không thể chết ở nhà con rể được.
“Tôi là rể, nhưng tôi thấy để ông thế này không được. Nếu nhà không có con tôi nhận trách nhiệm ngay, nhưng nhà trai, gái đủ cả. Người ngoài nhìn vào ai chấp nhận được, không ai có đạo lý nào cả. Nếu có đạo lý, cứ cho ông vào nhà nằm tạm, rồi gia đình họp với nhau, lúc đó hãy nói tới trách nhiệm”, con rể ông N. bức xúc.
Theo thông tin người dân cung cấp, các con của ông N. đều được học hành thành đạt, có công ăn việc làm ổn định, người làm bác sĩ, người bảo hiểm, có cả trong ngành giáo dục.
(Theo Phụ Nữ & Đời Sống)
[links()]