Tiền triệu từ một đêm làm cửu vạn vùng biên

Google News

Khi tất cả đã chìm sâu vào giấc ngủ cũng là lúc các "phi đội" cửu vạn ở Bản Phiệt (Bảo Thắng, Lào Cai) bắt đầu công việc cho một đêm dài.

- Khi tất cả đã chìm sâu vào giấc ngủ cũng là lúc các "phi đội" cửu vạn ở Bản Phiệt (Bảo Thắng, Lào Cai) bắt đầu công việc cho một đêm dài.

Nhất thân, nhì quen

Từ lâu, Km số 6 Bản Phiệt đã là một trong những nơi vận chuyển hàng lậu qua đường tiểu ngạch một cách rầm rộ nhất. Đêm nào cũng vậy, khoảng thời gian từ 23h là lúc các tay buôn ra mặt chỉ huy đám cửu vạn bốc dỡ hàng hóa ở khu vực biên giới để vận chuyển về Việt Nam hoặc ngược lại.

Có được một suất cửu vạn trong "phi đội" bốc vác không hề đơn giản. Để có danh sách trong "phi đội" này, cửu vạn phải có những mối quan hệ thân quen, thậm chí là anh em người nhà đủ sức tin tưởng mới có thể được chủ hàng gật đầu đồng ý.

Nhờ một người bạn là người bản địa giới thiệu là anh em, chúng tôi mới được chủ hàng ở Bản Phiệt ghi tên vào danh sách cửu vạn. Mỗi nhóm bốc hàng tập trung khoảng 10 thanh niên to khoẻ, số nhiều là người Tày hoặc người Mông ở khắp các huyện thuộc tỉnh Lào Cai.

23h đêm, hầu hết tất cả cửu vạn đến xin việc đều tập trung tại quán bún phở, đồ ăn đêm Chung Thủy 2 sát ngay cạnh đường quốc lộ. Ở đó, phía bên trong là nơi để xe, phía ngoài các cửu vạn tập trung ăn uống hoặc ngồi chờ việc. Khi nào chủ hàng gọi, các cửu vạn mới được vào kho bốc dỡ hàng theo chỉ đạo của các "cai đầu dài".

Một cửu vạn tên Chư, người dân tộc Mông ở huyện Bảo Hà cho biết, cả tuần lễ ngồi chờ tại quán ăn đêm này để xin việc nhưng chưa được. Lý do rất đơn giản, vì không có người quen trong các nhóm bốc vác ban đêm nên chủ hàng không tin tưởng.

Những điều luật bất thành văn ở khu vực bốc vác hàng lậu khá nghiêm ngặt. Vì thế, anh bạn người bản địa nhận tôi vào làm bốc vác đã ra quy định cấm tôi không được ghi âm chụp ảnh, không được ngó nghiêng hay xâm phạm vào khu vực của nhóm cửu vạn khác.

Được biết, những kho hàng lậu ở Bản Phiệt đều có những "bảo kê" rất hung tợn, sẵn sàng đánh đập hoặc xử lý bằng luật rừng với những cửu vạn chẳng may phạm luật. Đã có những người bị đánh thừa sống thiếu chết, thậm chí bị trừng phạt bằng những kiểu tra tấn như thời trung cổ.

Chưa hết, để giám sát một cách chặt chẽ, tại các kho hàng này đều có các camera được lắp đặt rất tinh vi. Nhóm nào chuyển hàng, nhận hàng hoặc bốc dỡ hàng đều được quan sát rất kỹ càng.

Ngoài đường quốc lộ, các "đại bàng" (tức các tay bảo kê có nhiệm vụ canh gác - PV) đi lại bằng xe máy để quan sát những người bị tình nghi là nhà báo, công an mật hoặc biên phòng để báo về cho chủ hàng ngừng bốc dỡ.

Phóng viên trong vai cửu vạn.
Phóng viên trong vai cửu vạn.

Có sức khoẻ và biết im lặng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở khu vực biên giới Bản Phiệt, mỗi đêm có hàng trăm cửu vạn được huy động để vận chuyển những bao tải hàng sang bên kia biên giới. Hàng hóa gồm đủ thứ, từ mì chính đến thịt lợn, thịt bò, bột ngọt, sữa, nước ngọt đến quần áo, chăn màn...

Cứ một tấn hàng bốc dỡ thành công, cửu vạn được trả 65.000đ. Một nhóm 10 người có nhiệm vụ chuyển hàng xuống các xuồng máy chờ sẵn dưới sông. Để làm được liên tục mấy tiếng liền, cửu vạn phải có sức khỏe dẻo dai và giỏi mang vác vật nặng.

Một nguyên tắc ở các kho hàng lậu là cửu vạn phải biết im lặng. Khi vào làm, chủ hàng tên Hương nói với chúng tôi: nếu chẳng may bị biên phòng quây bắt thì không được khai gì, chỉ nói không biết. Ai hỏi gì cũng không được nói địa chỉ, tên tuổi của chủ hàng hoặc cách thức vận chuyển.

Anh Mà Thanh Ván ở Mường Khương là trưởng nhóm của một đội cửu vạn có mặt ở Bản Phiệt cho biết: "Nếu anh em khoẻ mạnh, nhanh nhẹn thì một đêm sẽ bốc được hàng chục kho hàng. Tính ra, mỗi cửu vạn cũng được từ 500.000 - 800.000 đồng/đêm. Nhưng nếu không thuận lợi hoặc bị biên phòng bắt thì coi như mất trắng".

Đúng 0 giờ đêm, một đội xuồng máy từ phía Trung Quốc chở hàng tiến tới áp sát khu vực kho hàng ở Bản Phiệt. Sau khi được phân công, các trưởng nhóm dẫn cửu vạn đến vận chuyển hàng lên bờ, sau đó chuyển thẳng lên các xe container đã chờ sẵn phía trong một con đường nhỏ.

Chúng tôi hì hục chuyển những bao tải các loại to nhỏ. Phía bên trong bao tải được trưởng nhóm tiết lộ là bột ngọt và thuốc lá. Có những xuồng máy chỉ chuyên chở hàng điện tử hoặc thực phẩm.

Nơi tập trung của các cửu vạn.
Nơi tập trung của các cửu vạn.

Mong cả đời làm cửu vạn

Làm nghề bốc vác ở vùng biên dù có vất vả, có nguy hiểm nhưng có điều lạ, là ai cũng mong mỏi, cũng ước ao cả đời được làm cửu vạn. Nhóm của chúng tôi có anh Ma Đem, người dân tộc Tày ở Bảo Yên, đã làm cửu vạn được 5 năm. Nhờ cái nghề này, mà anh Đem lấy được vợ, dựng được nhà, nuôi con cái ăn học.

Tuy không phải lúc nào cũng có việc để làm nhưng thu nhập từ cửu vạn vùng biên không phải là ít. Mỗi đêm bốc vác thành công, cửu vạn cũng đã có tiền triệu trong tay. Nếu làm thêm, liều lĩnh vác hàng cấm qua biên giới thì sẽ được ăn hoa hồng. Nhưng sự làm thêm này không phải ai cũng dám, vì họ biết dễ bị bắt, bị đi tù.

Ở xã Bản Cái của huyện Bắc Hà cũng có một nhóm hàng chục thanh niên làm việc cho một chủ hàng tên Quang ở Bản Phiệt. Họ mong mỏi có việc làm không chỉ để lấy tiền nuôi gia đình mà ước mơ xa hơn là tích lũy vốn để "góp cổ phần" với chủ và hưởng "hoa hồng".

Các chủ hàng buôn lậu ở Bản Phiệt khá thoáng trong việc chi tiền thưởng cho các cửu vạn. Có những chuyến hàng thành công, ngoài tiền công, cửu vạn còn được thưởng thêm tiền và đi ăn uống thỏa thuê.

Thế nhưng, ít ai biết rằng, có những cửu vạn được phân công sang phía Trung Quốc bốc dỡ hàng đã bị đánh đập rất tàn nhẫn. Lý do bị đánh thì nhiều, nhưng chủ yếu là do để rơi rớt hàng hoặc chậm chạp trong khi vận chuyển. Tuy nhiên, hầu hết những người đã bước chân vào nghề cửu vạn dù có bị đánh đập, có bị vắt kiệt sức lao động thì họ vẫn cam tâm chịu đựng vì cuộc sống, vì miếng cơm manh áo.

Anh Ma Đem bảo: "Nói thật, nếu không đi làm cửu vạn thì cũng chỉ biết đi theo con trâu mà thôi. Làm cửu vạn, có vất vả nhưng thu nhập cao. Làm xong thì nghỉ, không phải lo lắng gì cả. Chúng tôi đây, chẳng ước gì hơn, chỉ mong cả đời được làm cửu vạn".

Khoảng 4 giờ sáng, chúng tôi đã thấm mệt sau một đêm bốc dỡ. Những chiếc áo đã ướt đẫm mồ hôi. Trong khi các chủ hàng kiểm tra lại hàng hóa thì các trưởng nhóm đi phát tiền công cho anh em. Người được nhiều, người được ít. Nhưng dù ít hay nhiều thì tất cả đều chấp nhận với số tiền có được, nếu muốn còn được tiếp tục làm cửu vạn.
 
Làm cửu vạn là mơ ước của nhiều người ở biến giới (ảnh: CTV Báo Lào Cai).
Làm cửu vạn là mơ ước của nhiều người ở biến giới (ảnh: CTV Báo Lào Cai).
Ở khu vực biên giới Bản Phiệt, những cửu vạn muốn tồn tại thì phải có sức khoẻ, biết im lặng trong mọi trường hợp. Chỉ biết bốc hàng lên, dỡ hàng xuống theo chỉ đạo của chủ hàng và trưởng nhóm. Cấm kỵ nhất là cửu vạn tò mò, nói nhiều hoặc tiết lộ cho người ngoài biết lịch trình bốc vác và hàng hóa trong các bao hàng.
Trần Thế
 
Bài đọc nhiều:
 

Bình luận(0)