Thủ tướng: “Tôi không xin, thoái thác nhiệm vụ Đảng giao“

Google News

Trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 14/11, Thủ tướng chia sẻ, ông đã gần 51 năm đi theo Đảng và sẽ tiếp tục thực hiện những gì được phân công.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 14/11, Thủ tướng chia sẻ, ông đã gần 51 năm đi theo Đảng và sẽ tiếp tục thực hiện những gì được phân công.

Trong phần chất vấn, đại biểu Dương Trung Quốc đề cập đến những diễn biến tại Hội nghị Trung ương 6 vừa qua và lời xin lỗi của Thủ tướng trong phiên khai  mạc. Tiếp đó, ông Quốc cũng đề nghị hướng tới văn hóa từ chức để đoạn tuyệt với những lời xin lỗi.

Trả lời chất vấn này, Thủ tướng chia sẻ: "Tôi còn 3 ngày nữa là tròn 51 năm tôi theo Đảng, chịu sự lãnh đạo quản lý của Đảng. Trong 51 năm qua tôi không xin với Đảng cho tôi nhận chức vụ gì. Là một cán bộ Đảng viên, tôi đã nghiêm túc báo cáo với Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương Đảng. Tôi nghĩ Đảng hiểu tôi, tổ chức hiểu tôi, cả về sức khỏe, thương tật, cả về năng lực, phẩm chất, đạo đức cả về tâm tư, nguyện vọng của tôi.
 
"Đảng đã quyết định phân công tôi ứng cử Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội bỏ phiếu bầu làm Thủ tướng và tôi sẵn sàng chấp nhận. Gần cả cuộc đời theo Đảng, tôi không có chạy, tôi cũng không có xin, tôi cũng không có từ chối thoái thác nhiệm vụ gì mà Đảng và Nhà nước phân công. Tôi sẽ thực hiện và tiếp tục thực hiện những gì Đảng phân công như trong suốt 51 năm qua".

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên chất vấn sáng 14/11
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên chất vấn sáng 14/11

Đại biểu Đàm Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) chất vấn Thủ tướng về vấn đề khó tiếp cận vốn vay,  đặc biệt những doanh nghiệp vừa và nhỏ, Chính phủ có giải pháp cơ bản nào để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn?

Thủ tướng cho biết, Chính phủ hiểu cộng đồng doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức. Hiện nay, Chính phủ tập trung chỉ đạo để tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt quan tâm đến kiềm chế lạm phát. Muốn duy trì tăng trưởng thì phải tăng tổng cầu, mà muốn tăng tổng cầu thì phải tăng tín dụng, tăng đầu tư.

Nhóm giải pháp thứ hai là đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, gắn liền với triển khai có hiệu quả để tạo thuận lợi trước mắt và lâu dài. "Chúng ta đã tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp, tái cơ cấu hệ thống tài chính là các ngân hàng. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng", Thủ tướng nói.

Nhóm giải pháp thứ 3 là giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu. Đây là giải pháp vừa trước mắt, vừa cơ bản. Thứ tư đã làm và đang làm và phải làm tốt hơn, cải cách thủ tục gồm cả cải cách thể chế.

Ngoài những nhóm giải pháp kể trên, Thủ tướng đề nghị từng doanh nghiệp phải tự biết tính toán để cơ cấu, chủ động phát huy năng lực sáng tạo, vượt qua khó khăn.

Trong khi đó, đại biểu Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) chất vấn Thủ tướng về chủ trương của Chính phủ khi giải quyết dự án thủy điện. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, khi chủ trương xây dựng thủy điện Chính phủ để ra 5 yêu cầu. Trước hết, đảm bảo yêu cầu về hồ đập, đây là yêu cầu cao nhất. "Hiệu quả đến đâu mà không đáp ứng yêu cầu về an toàn thì không làm", Thủ tướng nói.

Yêu cầu thứ hai, phải đảm bảo di dân tái định cư đến nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ. Thứ ba, không tác động xấu đến môi trường. Thứ tư, yêu cầu đảm bảo phát điện hiệu quả và  giữ cân bằng môi sinh, môi trường xã hội. Thứ năm, đảm bảo đúng quy định của pháp luật từ khảo sát, tư vấn, thiết kế, thi công dự án.

"Dự án nào trong quy hoạch mà không đáp ứng được các yêu cầu nêu trên chúng ta loại khỏi quy hoạch. Qua hai lần rà soát thì đồng chí Bộ trưởng Công thương báo cáo với tôi, đã đưa ra khỏi quy hoạch 107 dự án. Tôi yêu cầu tiếp tục rà soát một cách nghiêm túc, điều chỉnh bổ sung lại quy hoạch", Thủ tướng cho biết.

Với thủy điện Sông Tranh, theo Thủ tướng đến hôm nay các chuyên gia hàng đầu, cả hai công ty tư vấn của Nhật và Thụy Sỹ đều báo cáo thủy điện Sông Tranh an toàn. Tuy nhiên, để chắc chắn hơn với mục tiêu đảm bảo an toàn cao nhất cho tính mạng của nhân dân cần chưa tích nước. Thủ tướng đã giao cho Hội đồng nghiệm thu và các bộ liên quan lập tổ công tác thường xuyên túc trực có mặt tại thủy điện Sông Tranh để có báo cáo và xử lý kịp thời. Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát lại tất cả các thủy điện hiện có.

Sau khi Thủ tướng trả lời câu hỏi có liên quan đến vấn đề thủy điện thì đã hết giờ làm việc buổi sáng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Thủ tướng trả lời các câu hỏi còn lại của đại biểu bằng văn bản.

Trước đó, trong phần báo cáo thêm về các vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm, Thủ tướng cho biết, kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội có 175 phiếu chất vấn, 247 câu hỏi đến Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, trong đó có 5 phiếu với 11 câu hỏi gửi đến Thủ tướng.

Báo cáo với Quốc hội, Thủ tướng cho biết, tình hình kinh tế xã hội đã có chuyển biến tích cực, lạm phát được kiểm chế, chỉ số giá 10 tháng tăng khoảng 6,02%. Thu ngân sách đạt khoảng 76,2%. Chi ngân sách 78,8%. Cán cân thanh toán ổn định. Xuất khẩu gạo cao nhất từ trước đến nay đạt khoảng 7,5 triệu tấn. Nền kinh tế đã tạo việc làm cho gần 1,2 triệu lao động...

Theo Thủ tướng, Chính phủ cần kiên định các giải pháp đúng đang phát huy hiệu quả, đồng thời theo sát tình hình, phấn đấu hoàn thành mục tiêu năm 2012 và chuẩn bị cho năm 2013. Đó là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, quản lý thu chi ngân sách, tạo đột phá trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiêp, thúc đẩy sản xuất... "Tồn kho lớn, tổng cầu giảm đang là nút thắt cho nền kinh tế. Nhiều đại biểu phản ánh, và Chính phủ nhận thức rõ điều đó", Thủ tướng nói.

(Theo Infonet)

Đang đọc nhiều:

Sư giả: Nghề pha trộn ăn mày và ăn cắpSư giả: Nghề pha trộn ăn mày và ăn cắp

Mức phạt không sang tên cao: Cho luôn CSGT xe! Mức phạt không sang tên cao: Cho luôn CSGT xe! Phạt xe không chính chủ: CSGT Hà Nội hiểu sai nghị định? Phạt xe không chính chủ: CSGT Hà Nội hiểu sai nghị định?
[links()]

Bình luận(0)