Đặc điểm chung của thủ khoa năm 2012 không phải các học sinh dẫn đầu lớp hay các kỳ thi, mà là chỉ là những học sinh có học lực khá...
- Hơn 100 thủ khoa của kỳ thi đại học năm 2012 đã lộ diện. Đặc điểm chung của thủ khoa năm nay không phải các học sinh dẫn đầu lớp hay các kỳ thi, mà là chỉ là những học sinh có học lực khá, với bí quyết học tập là cân bằng giữa học và chơi.
Không học thêm, không luyện thi, biết cách chơi
Thủ khoa ĐH Ngoại ngữ Nguyễn Nguyệt Minh (THPT Chuyên ngữ - Hà Nội thích xem phim và nghe nhạc Hàn Quốc. Chính vì yêu thích những nhóm nhạc, nghệ sỹ Hàn nên đề văn khối D năm nay đã khơi mạch cảm xúc để Minh có thể viết vèo vèo trong một giờ đồng hồ câu hỏi về "thần tượng".
Không phải lúc nào cũng vùi đầu vào học, Trần Xuân Bách luôn biết cách cân bằng thời gian hợp lý nhất. Em yêu thích và biết chơi các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền, cầu mây, cầu lông, chạy và đặc biệt là cờ tướng. Học lực bình thường, thậm chí không có gì nổi bật, nhưng với sự nỗ lực của mình, Trần Xuân Bách đã khiến nhiều người sững sờ khi đỗ thủ khoa 30 điểm của Trường Đại học Y Hà Nội.
Trái với hình dung của nhiều người là thủ khoa phải là "mọt sách", suốt ngày chúi đầu, chúi mũi vào bài vở, cô bạn Nguyễn Kim Phượng thủ khoa 30 điểm tuyệt đối Trường Đại học Y dược TPHCM rất... ham chơi. Thường mỗi buổi tối, Phượng dành hơn một giờ cho bài vở, còn lại... chơi. Em thích chơi game, xem phim hoạt hình, đọc sách... Những ngày nghỉ, em thích đi picnic với bạn bè để thư giãn chứ không thích gò bó suốt ngày vào việc học.
Kinh nghiệm học tập của thủ khoa ĐH Ngoại Thương Nguyễn Ngọc Thiện (Thanh Miện - Hải Dương) là rèn luyện cho mình thói quen học tập mỗi ngày. Từ thói quen tạo thành sở thích. Cân bằng sở thích chơi và sở thích học là chìa khóa của thành công.
|
Thủ khoa Đại học Ngoại ngữ Nguyễn Nguyệt Minh. |
Cân bằng học và chơi
GS Hồ Ngọc Đại, chuyên gia giáo dục thực nghiệm cho rằng, nếu trẻ chỉ cắm cúi vào sách, vở, lúc nào đầu cũng căng như dây đàn để đối phó với bài tập, với bài kiểm tra và các kỳ thi, chúng sẽ cảm thấy sợ học, coi học là một gánh nặng. Thực tế cho thấy, năng lực của trẻ là không thể lường trước được. Vấn đề là phải có chìa khóa đúng để mở những cánh cửa này. Mọi sự cố gắng nhồi nhét những mớ được coi là kiến thức hoặc không phải là kiến thức cũng sẽ trở nên vô nghĩa nếu trẻ không thích học. Nguyên lý giáo dục này có thể lý giải được vì sao đa số thủ khoa lại đều có phương pháp học và chơi một cách cân bằng, không cần đến các lò luyện hay ngày đêm cặm cụi chong đèn học tập.
TS Nguyễn Mạnh Hà, Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn tâm lý, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Trung tâm thường xuyên có chương trình tư vấn mùa thi bằng cách đưa học sinh đi tham quan các trường đại học mà các em có ý định thi vào. Trong những buổi tư vấn này, các em cũng bày tỏ, chia sẻ áp lực học tập và cách học. Đa số các em vẫn quen học kiểu cày cuốc ngày đêm, lao đến các lò luyện... nhiều khi chỉ để yên lòng bố mẹ và yên lòng chính các em. Tuy nhiên, cách học hiệu quả được kiểm chứng qua nhiều kỳ thi lại chính là cách học cân bằng. Nghĩa là học vừa phải, nhưng học có phương pháp, tiếp nhận đúng cách. Kết hợp với thư giãn, nghỉ ngơi, coi việc học cũng giống như một trò chơi, đam mê, yêu thích. Khi đó, ở vào những tình huống cụ thể là kỳ thi, các em sẽ phát huy cái năng lực tự nhiên đó của mình để hoàn thành tốt bài thi - trò chơi của mình.
Theo các chuyên gia, một yếu tố nữa là đa phần các em đỗ thủ khoa đã biết xác định mục tiêu của mình. Biết rõ mình thích gì, phấn đấu vì điều gì, con đường đi trong tương lai của mình như thế nào. Tiếp đó là ý chí, đây chính là phương tiện để đạt được mục tiêu. Đây cũng là bài học cho các học sinh khác về một phương pháp học tập hoàn toàn mới mà hiệu quả.
"Một vài năm trước đây có nở rộ hiện tượng thủ khoa con nhà nghèo. Khi đó hiện tượng được lý giải rằng thủ khoa con nhà nghèo thể hiện sức bật để xác lập vị thế của mình trong xã hội. Còn đến nay, thủ khoa "trung bình" nở rộ chứng tỏ rằng cái công bằng trong học tập được xác lập. Các em có thể vượt lên hơn hẳn nhờ kỹ năng và tài năng, chứ không hẳn là chỉ nhờ vào chăm chỉ hay áp lực phải là thủ khoa như trước đây".
TS Trịnh Hòa Bình (Viện Khoa học Xã hội) |
Tô Hội
[links()]