Thần tài hiển linh trên cột nhà cổ xôn xao Nam Định

Google News

Sau khi tu sửa, cây cột bằng gỗ xoan trong ngôi nhà cổ của gia đình ông Đương (Hải Hậu, Nam Định) đột nhiên hiện lên hình mặt người.

Sau khi tu sửa, cây cột bằng gỗ xoan trong ngôi nhà cổ của gia đình ông Đoàn Văn Đương (SN 1931, ở xóm 4, xã Hải Lộc, Hải Hậu, Nam Định) đột nhiên hiện lên hình mặt người khiến tất thảy những ai biết chuyện đều bất ngờ.
Một đồn mười, mười đồn trăm, người dân khắp nơi ùn ùn kéo tới, chắp tay khấn vái. Có người nói vì vợ chồng ông Đương ăn ở hiền lành nên thần tài gõ cửa!?...
 Hình mặt người trên cột nhà.
Thần tài hiển linh trên cột nhà?!
ở xã Hải Lộc (huyện Hải Hậu, Nam Định), không phải đến khi có sự lạ mang tên "mặt thần hiển linh trên cột nhà" thì người dân mới biết đến tiếng ông Đoàn Văn Đương. Trước đó, với tư cách là chủ nhân của căn nhà bằng gỗ tự nhiên, lợp mái rạ rêu phong cổ bậc nhất địa phương, lại vì tính cách ăn ở hiền hòa nên cụ ông 83 tuổi này đã được nhiều người quý mến.
Theo thời gian ngôi nhà đã xuống cấp và được ông Đương cho tu sửa vào tháng 6/2014, thay thế mái rạ bằng mái ngói. Thế nhưng sau khi tiến hành cải tạo, ngôi nhà bỗng dưng nổi tiếng bởi sự xuất hiện của một khuôn mặt trên cây cột bằng gỗ xoan ở giữa nhà. Dấu hiệu lạ khiến nhiều người trong vùng tin rằng đây là kết quả của việc hai vợ chồng ông Đương ăn ở hiền lành, tích đức nên "thánh" mới hiển linh. Có người lại nói đó là một vị thần tài... Liên tiếp nhiều ngày sau đó, ngôi nhà cổ của ông Đương trở thành điểm du lịch của hàng trăm người dân hiếu kỳ cả trong lẫn ngoài huyện Hải Hậu. Có ngày lượng người đến xem, chụp ảnh, quay phim lên tới cả trăm người, tụ tập đến 22h đêm khiến hai vợ chồng ông Đương mất ăn mất ngủ.
Theo tìm hiểu được biết, hiện tượng lạ xuất hiện trong ngôi nhà ông Đương đến nay đã năm ngày. Khi mới xuất hiện, khuôn mặt đó không rõ ràng, mờ ảo, nhưng càng ngày, khuôn mặt đó càng hiện lên rõ nét hơn, đặc biệt mỗi khi đêm xuống, "dung mạo thánh" rất lung linh, ảo diệu như biết cười, biết nói. "Buổi sáng hôm đó, khi nghe mấy đứa cháu nói có mặt người trên cái cột nhà ông Đương, tôi đến xem thì chỉ thấy mờ mờ không rõ. Vài hôm sau tôi với đứa cháu sang xem lại thì khuôn mặt đó hiện rõ hơn nhiều. Nhìn rõ khuôn mặt, mắt, mũi cả tóc tai, râu ria nữa, mấy lần tôi xem buổi tối cũng thấy rõ ràng. Nói đoạn cô cho chúng tôi xem những hình ảnh đã chụp trong máy điện thoại. Giờ ngày nào cũng có người đến xem, chụp ảnh gửi đi khắp nơi", chị Hoàng Thị H. (42 tuổi) khẳng định với chúng tôi.
Ông Đương. 
Sáng 26/6, theo chân chị H., chúng tôi đến ngôi nhà cổ của gia đình ông Đương. Lúc này, đã có hàng chục người đang chen chúc, ngấp nghé từ ngoài sân vào đến trong nhà. Nhiều thanh niên còn tranh thủ lấy điện thoại chụp lại "dung mạo của vị thánh", số khác chỉ trỏ, bàn tán về những vân gỗ ngang dọc trên thân cột. Trong ngôi nhà nhỏ bé chỉ vài chục m2 có hàng chục người chen lấn, người đứng kẻ ngồi chỉ để nhìn mặt "thánh". Bên cạnh đó, một số người đàn bà vừa quỳ vừa lẩm bẩm khấn vái, mắt hướng về cây cột như thể hiện lòng thành với vị thánh mới hiển linh.
Bên ngoài ngôi nhà, một người phụ nữ trung niên nói oang oang giữa đám đông: "Đây là chân dung của một vị quan âm, các bà nhìn thấy tháp sen không, ở ngay bên trên khuôn mặt đó. Tôi còn nhìn thấy dòng chữ ở phía trên chân dung quan âm nữa. Ngài chỉ hiển linh cho những người tin ngài mà thôi, không tin mọi người cứ nhìn mà xem". Nói đoạn, người phụ nữ này tiến đến gần cây cột, chỉ tay vào những vân gỗ và khẳng định những nội dung mình nói là đúng. Tuy nhiên quan điểm của người phụ nữ này nhanh chóng bị những người khác bác bỏ. "Đây là mặt Tôn Ngộ Không, vừa nhìn là nhận ra ngay rồi sao lại bảo là hình Quan âm được", một người đàn ông nói.
Theo quan sát của chúng tôi, ngôi nhà của ông Đương có bốn cây cột dựng tại gian giữa của ngôi nhà, cả bốn cột đều bằng gỗ xoan. Hình mặt người xuất hiện ở cột trong, bên trái của gian nhà, cách mặt đất khoảng 1 mét. Toàn bộ cây cột đều ngả một màu nâu đen nhưng tại vị trí xuất hiện mặt người lại có màu trắng hồng, có đầy đủ các bộ phận như mắt mũi, miệng. Việc người dân xóm 4 cho rằng đây là hình mặt người, thần tài, hình Quan âm hay mặt Tôn Ngộ Không nhưng không ai đưa ra được những bằng chứng thuyết phục.
Bên cạnh đó, một số người dân xóm 4 lại lý giải theo cách khoa học: "Đây có thể là vị trí của một cành đã bị cắt khi cây đang lớn. Cây nào cũng có các vòng tuổi nếu xẻ gỗ sẽ nhìn thấy các vòng tuổi của cây. Theo thời gian những vân gỗ còn lại sẽ phát triển theo cây và hình thành nên nhiều hình thù khác nhau chứ làm gì có thánh thần nào lại hiện trên cột nhà", một thanh niên nêu quan điểm.
 Hàng chục người dân tập trung xem thần tài hiển linh.
"Tôi không biết đó là ông nào"
Dòng người hiếu kỳ đổ về nhà ông Đương ngày một nhiều, những lời ra tiếng vào cũng theo đó mà đến tai ông Đương. Mặc cho thiên hạ đồn thổi đó là khuôn mặt của Tôn Ngộ Không, thần tài hay thần thánh hiển linh báo hiệu tin vui, ông Đương vẫn thẳng thắn khẳng định đó chỉ là sự trùng hợp hi hữu.
Trong gian nhà cổ mới được tu sửa, lợp ngói đỏ tươi, ông Đương vui vẻ cho biết việc tu sửa ngôi nhà cổ diễn ra khoảng nửa tháng trước do bị xuống cấp và hình mặt người được phát hiện sáng 20/6. "Đây là ngôi nhà cổ của nhà tôi được lưu giữ từ ngày xưa nên tôi muốn giữ lại cho con cháu sau này. Hôm tu sửa, một trận mưa to ập xuống, vì chưa lợp mái nên đồ đạc trong nhà ướt hết. Có thể vì dính nước mưa, cây cột bị mốc nên mới thành ra thế này. Sáng hôm đó, mới ngủ dậy tôi quét dọn trong nhà thì phát hiện thấy hình ảnh này trên cột nhà, tôi gọi mấy đứa đến xem sau đó là hàng xóm kéo nhau đến xem rồi quay phim, chụp ảnh tung lên mấy trang mạng làm người ta tìm đến nhiều hơn".
Theo lời ông Đương, mặc dù ông đã giải thích với mọi người đó chỉ là sự trùng hợp nhưng chẳng có mấy người tin lời ông nói, thậm chí nhiều người còn mang tiền lẻ đến đặt dưới chân cột, chắp tay vái lạy để tỏ lòng kính mến trước hình mặt người này. "Tôi không khấn vái cũng không thắp hương gì cả nhưng có một số người đến vái lạy rồi để tiền dưới chân cột như để tạ lễ với thần thánh. Tôi không đồng ý nhưng cũng không thể cấm họ đến xem được nên dặn đứa cháu là chỉ được cho người dân nhìn chứ không để tiền hay đụng chạm vào cột".
Bên cạnh việc có người khấn vái, quỳ lạy trước cây cột nhà mình, ông Đương cũng cho biết nhiều người tìm đến nhà ông để xem "mặt thánh" và sau đó chia vui với ông vì tin rằng ông được thần tài gõ cửa, chắc chắn sẽ có lộc trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo quan điểm của mình, ông Đương cho rằng đó chỉ là những lời đồn thổi vô căn cứ của một số người. "Có người bảo tôi đó là thần tài, sẽ mang đến may mắn cho gia đình tôi, tôi nghĩ bụng nếu là thần tài tại sao lại hiện trên cây cột? Sau đó tôi bảo họ "tôi không biết đó là ông thần nào cũng chả biết đó là Tôn Ngộ Không hay là Quan âm, tôi không quan tâm" - ông Đương cho biết thêm.
Chỉ là tin đồn
Trao đổi với PV, ông Đoàn Thanh Vân - Trưởng xóm 4 cho biết: "Sau khi hình mặt người xuất hiện tại nhà ông Đương, tôi có đến xem và trực tiếp hỏi thông tin cụ thể từ gia đình ông ấy. Theo những gì mà tôi biết thì thời gian ông Đương tu sửa nhà là lúc hay mưa và rất có thể hiện tượng đó là do gỗ xoan thấm nước nên bị mốc chứ làm sao mà lại có chuyện tự dưng nổi mặt người lên cột được. Về việc người dân đồn thổi đó là hình thần thánh hay thần tài, tôi cho rằng đó là lời đồn không có cơ sở. Với hình ảnh đó, mỗi người nhìn vào sẽ mường tượng một cách khác nhau. Hơn nữa, tôi nhớ là có hỏi cháu ông Đương, nó bảo là do ông nó vẽ rồi lau sạch nhưng hôm sau tôi đến hỏi thì nó lại chối, bảo là không nói thế. Việc người dân tụ tập tại nhà ông Đương để xem hình mặt người, chính quyền địa phương đã biết và đang theo dõi. Nếu tình hình phức tạp, chúng tôi sẽ có biện pháp can thiệp để đảm bảo trật tự an ninh tại địa phương".
Theo ĐSPL

Bình luận(0)