Gặp điều kiện tốt, tôi bẫy được cả trăm con chim, tính ra cũng kiếm được hơn 1 triệu đồng/ngày.
(Kienthuc.net.vn) - Ở Thanh Hóa, việc bẫy bắt, bán chim trời khá rầm rộ. Mỗi buổi chiều dòng người dùng xe máy, xe đạp chở chim trời bán công khai giữa lòng thành phố.
Đánh bắt chim kiếm 1 triệu/ngày
Người dân huyện Nga Sơn, Hoằng Hoá, Quảng Xương, Tĩnh Gia… (Thanh Hóa) phản ánh rất nhiều chim trời bị bẫy bắt mang ra TP Thanh Hóa bán.
|
Chim trời được mang đi bán khắp TP Thanh Hóa |
Chúng tôi theo những chiếc xe chở chim trời về một số xã Quảng Vinh, Quảng Giao, Quảng Hùng, Quảng Hải và dọc quốc lộ 1A, địa phận huyện Tĩnh Gia… Đến đâu cũng thấy người dân giăng lưới, cắm que nhựa bẫy chim trời.
Ông Nguyễn Văn Minh xã Quảng Hùng cho biết: “Tôi đánh bắt chim khoảng 10 năm nên tôi biết thời điểm chim về nhiều là sau các vụ gặt, nếu gặp trận mưa lớn, gió lạnh thì lại càng dễ bẫy.
Gặp điều kiện tốt, tôi bẫy được cả trăm con chim, tính ra cũng kiếm được hơn 1 triệu đồng/ngày. Vào mùa không chỉ người dân xã tôi mà rất nhiều người dân xã khác cũng chọn nghề này để kiếm cơm, chim trời nhiều vô kể, không bắt thì người khác cũng bắt thôi”.
|
Lưới bẫy chim giăng trắng cánh đồng xã Quảng Vinh |
Còn tại xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương, hàng trăm ha đất lúa được thu hoạch xong là hàng trăm giàn lưới được giăng lên để bẫy chim, lều lán cũng được dựng lên khắp nơi. Sa lưới nhiều nhất là cò, diệc, cu ngói…
Dụng cụ bẫy chim là lưới, nhựa, chim mồi, đặc biệt để dụ được những con chim trời sa lưới, cánh săn chim chuyên nghiệp còn dùng băng đĩa thu âm thanh của chúng rồi đem rải khắp cánh đồng dưới gần các con chim mồi để gọi bầy.
“Chim thường đi theo bầy, vì thế khi thấy chúng đang bay lượn trên cao, âm thanh tiếng chim được mở to, đồng thời giật dây cho chim mồi tung cánh. Ở trên cao đàn chim tưởng đồng loại gọi nên cũng sà xuống thế là dính bẫy” - một người bẫy chim nói.
|
Vỉa hè thành nơi bán chim trời |
… cơ quan quản lý kêu lực lượng mỏng
Ông Hà Xuân Thư - hạt phó Hạt kiểm lâm ven biển cho biết: “Tình trạng săn bắt chim xảy ra tại Cồn Trường thuộc xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa và trên núi Trường Lệ, thuộc phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn. Tuy nhiên, việc săn bắn này nhỏ lẻ, chúng tôi chỉ nhắc nhở chứ chưa xử lý trường hợp nào”.
|
Ngang nhiên bầy bán chim trời kéo... |
Khi được hỏi có biết việc săn bắt chim trên địa bàn các huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia… không, ông Thư phân trần:“Do lực lượng mỏng, trong khi quản lý địa bàn rộng nên chưa chặt chẽ. Sắp tới chúng tôi sẽ cho kiểm tra và ngăn chặn”.
Nhưng sắp tới là khi nào thì chúng tôi không nhận được câu trả lời cụ thể từ phía vị hạt phó Hạt kiểm lâm ven biển.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Chiến - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Thanh Hoá cho biết: “Gần đây, chúng tôi thấy có xuất hiện việc buôn bán chim trời trên địa bàn thành phố, Hạt cũng đã cử anh em xuống đấu mối với các phường để xử lý. Tuy nhiên, chim trời thường được chuyển từ các vùng khác về, nên có bắt, có cấm họ chỗ này thì họ lại bán nơi khác và tìm mọi cách để đưa vào thành phố”.
|
...người đến mua chim đông như đi chợ |
“Mới đây, UBND thành phố cũng có công văn gửi đến các cơ quan ban ngành trên địa bàn thành phố, cần tăng cường đẩy mạnh công tác ngăn chặn và xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển chim trời. Tuy nhiên, đem họ ra phạt theo NĐ 99 là rất khó, vì mức phạt quá cao”, ông Chiến chia sẻ.
Theo ông Chiến, để chấm dứt tình trạng trên, cần phải có sự vào cuộc của các ngành các cấp, việc này không chỉ riêng của ngành Kiểm lâm mà còn nhiều ngành khác cũng phải mạnh tay hơn nữa, đặc biệt là chính quyền cấp xã. Có làm được như thế thì may ra việc tàn sát, buôn bán chim trời mới có thể chấm dứt được.