Mất đất sản xuất, người dân vùng thượng lưu hồ thủy điện Sông Tranh 2 gần như mất tất cả.
- Mất đất sản xuất, người dân vùng thượng lưu hồ thủy điện Sông Tranh 2 gần như mất tất cả. Không làm, nhưng vẫn phải ăn, người nhắm mắt làm liều thì vào rừng phòng hộ chặt trộm gỗ. Kẻ nhát gan thì ở nhà nuôi ước mơ: Mất thủy điện.
Sợ cái thủy điện lắm rồi!
Với hy vọng hình dung rõ hơn cuộc sống của bà con dọc sông Tranh, nơi giờ đây đã trở thành lòng hồ thủy điện, tôi tìm đến thôn xa nhất của xã Trà Bui. Đón tôi là anh Hồ Văn Tiến, chủ tịch UBND xã Trà Bui (Bắc Trà My, Quảng Nam). Anh trông khá già so với cái tuổi 33 của mình. Tôi thấy làm lạ bởi gương mặt chủ tịch xã lúc nào cũng âu lo sầu não. Ánh mắt thường trực nỗi thất thần, bất lực. Gần như anh không cười. Anh đích thân lấy xe máy chở tôi vào những thôn xa nhất và thiệt hại nhiều.
Con đường gập ghềnh quá sức tưởng tượng của tôi. Đang là mùa mưa, đường trơn nhẫy. Khúc khuỷu. Lổn nhổn sỏi đá. Đây đó lại gặp một hố sụt gần hết mặt đường. Bánh xe sượt trái sượt phải. Tôi nhắm mắt, tay bám chặt vào yên xe, phó mặc tính mạng cho người dẫn đường tận tâm.
Tôi đến nhà bà Vũ Thị Hồng Điệp ở thôn 4, xã Trà Bui. Bà kéo tay tôi ngồi xuống như đây là cơ hội hiếm hoi để bà trút nỗi lòng. Bà kể: “Cái hôm trước có động đất mạnh lắm. Tô cơm để trên bàn mà hắn rớt xuống đất luôn. Mấy bữa nay cũng động đất nhưng chỉ rung rung nhẹ thôi. Ở đây dễ chết quá cô ơi. Mấy ngày nay động đất liên tù tì. Có ngày không dám ngủ, chạy hết ra ngoài đường đứng thôi. Ai mà dám ở trong nhà khi cái mái tôn cứ giựt lên giựt xuống. Lúc động đất, con cháu 5 tuổi hắn hoảng. Hắn chạy ra vườn bu lấy cây cau bám vào đó và leo tót lên. Hỏi hắn vì răng mà leo lên đó, hắn bảo cây cau có rễ nên nó không rung rinh, cái tường không có rễ nên nó dễ đổ lắm”.
Nói đoạn, bà đặt câu hỏi với tôi: “Tôi thấy có nhiều thủy điện mà sao không thủy điện nào như Sông Tranh vậy? Tôi mong muốn bỏ thủy điện đi chứ không thì dân chết vì lo lắng”. Tôi bảo: Số tiền làm thủy điện lớn lắm bà ơi, bà nhìn xuống: “Thì người mô làm sai người đó phải chịu. Bà làm sai thì bà phải chịu. Chứ sao bà bắt người khác chịu được. Nếu kêu mất nhiều tiền quá, thì ai là người đứng ra làm cái thủy điện đó, người đó phải chịu chứ”.
|
Trông em. |
Mét đất bằng ổ bánh mỳ
Anh Hồ Văn Tiến cho biết, theo quy định của UBND tỉnh Quảng Nam, phương án đền bù đối với đất trồng cây lâu năm ở khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 được tính với giá từ 1.000 - 2.000đ/m2. Nghĩa là mỗi ha đất, người dân được đền bù từ 10 - 20 triệu đồng. “Một ổ bánh mỳ đổi được một mét vuông đất, tui thấy sao mà giá rớt thê thảm thế. Nhưng biết làm răng bi chừ. Người dân vì thủy điện mà chấp hành thôi. Cũng mong là khi có thủy điện rồi thì kinh tế sẽ ổn định, được ăn cơm no. Nhưng sao lâu quá rồi mà vẫn đói”, anh Tiến thở dài.
Anh Nguyễn Ngọc Vũ, Trưởng khu 7 bảo: “Có thủy điện rồi mà dân vẫn khổ quá, đời sống tụt xuống không bằng trước. Động đất! Dân sợ, không dám đi đâu cả. Thậm chí bỏ nương bỏ rẫy luôn. Sống cùng sống, chết cùng chết. Hoang mang lắm, không làm được cái chi hết”.
Bà Điệp vào khu tái định cư này từ năm 2007. Đây là khu tái định cư của thôn 6. Khi chuyển lên đây, bà Diệp được đền bù 71 triệu đồng. Khi tôi hỏi công việc hằng ngày, bà bảo: “Biết làm cái chi, ở không chứ làm cái chi. Đất mô mà làm?”.
|
Bữa rau lúc thiếu đói. |
Đã có vài trường hợp phải đi tù!
Anh Hồ Văn Tiến than thở: “Không có đất canh tác, đàn bà và trẻ nhỏ còn có thể ở nhà, chẳng lẽ đàn ông cũng ở nhà. Ai cũng ở trong nhà thì lấy gì mà ăn. Mà cũng do cùng quẫn quá, không có gì để ăn nên mới tính chuyện vào rừng phòng hộ chặt trộm gỗ. Kiểm lâm bắt được, thế là bị đi tù. Trong xã đã có vài trường hợp phải đi tù rồi! Dân phải tù tội cũng là do cái thủy điện mà thôi”. T
ôi bảo: Đó là suy nghĩ sai lệch, không đúng. Vì nếu đổ lỗi cho không có đất, thì tại sao có những người họ vẫn sống được mà không cần phạm tội? Anh Tiến giải thích: Những người vi phạm là người có nhận thức kém, không biết cách làm ăn. Nhưng mà đồng bào mình xưa nay chỉ biết bám vào nương rẫy để sống. Giờ mất nương rẫy rồi, biết làm gì để sống đây?
Anh Nguyễn Ngọc Văn, Ban Lao động - Thương binh & Xã hội, UBND xã Trà Bui cho biết, lo lắng nhất của người dân là không có đất. Xã có 9 thôn với 1.064 hộ, 930 hộ nghèo. Người dân sống dựa vào nương rẫy. Từ ngày có thủy điện thì bị ảnh hưởng nhiều lắm. Không đảm bảo được cuộc sống. Diện tích bị thu hẹp lại. Thóc của mỗi nhà đều giảm hơn nhiều. Người dân cứ ăn ở tàm tạm như thế thôi. Đưa vào trong này dân không có đất mà canh tác.
“Dân bức xúc nhất là đất sản xuất. Không đất dẫn đến tù tội đó chớ. Một số hộ không có tí đất nào để làm, buộc phải đi xa. Trước đây, một nhân lực làm được 2 ang, giờ chỉ làm được nửa ang thôi vì phải đi xa quá. Nhà tái định cư thì chất lượng kém, chưa ở được bao nhiêu đã xuống cấp rồi. Tường cứ bong tróc hết cả”, anh Ngọc chia sẻ.
|
Phóng viên hỏi chuyện người dân vùng Trà Bui. |
Không có đất lấy gì mà khai hoang!
Theo anh Hồ Văn Tiến, đất canh tác của bà con hạn chế, thậm chí là không có. Xã có 7.000ha thì đa số là đất sản xuất, còn lại là đất ở. Tổng số hộ phải di dời là 674 hộ, với 3.523 khẩu. Trước đây diện tích trung bình của 1 hộ bình thường thì 3 - 4ha. Đa phần là đất ở phần lòng hồ thủy điện. Bây giờ cuộc sống của các hộ rất khó khăn vì không có đất.
Thấy bà con khó khăn, UBND huyện có công văn hỗ trợ tiền khai hoang cho bà con. Nghĩa là thay vì cấp đất theo quy định nhưng do không có đất nên hỗ trợ một khoản tiền để dân khai hoang. Nhưng không có đất lấy gì mà khai hoang! Việc nhận tiền hỗ trợ khai hoang như vậy là cũng không phù hợp. Trong xã có 249/321 hộ dân là không có đất sản xuất.
“Khi bắt đầu di dời dân thì thủy điện hứa vào nơi ở mới điều kiện sống tốt hơn. Nhưng khi vào đây nhiều cái khó khăn lắm. So với nơi ở cũ, chất lượng nhà tái định cư kém lắm. Bà con kêu là nhà bị hư nhanh, tường vữa rớt rụng liên tục. Bà con thì không có tiền để sửa chữa lại nhà. Vừa rồi được tiếp xúc cử tri, nhân dân rất mừng vì Chính phủ không cho hồ thủy điện tích nước. Nhưng nhân dân còn mừng hơn nữa nếu chính phủ hủy thủy điện”, anh Tiến chia sẻ.
“Nhiều nhà khoa học bảo thủy điện Sông Tranh 2 an toàn, nhưng dân vẫn hoang mang lắm. Nhà khoa học nói đảm bảo nhưng tôi không thấy đảm bảo được. Nhà khoa học cứ nói là an toàn nhưng liệu có ai học được chữ ngờ hay không? Chứ bây giờ mà đập bị vỡ thì các ông cũng bảo là do thiên tai à. Nhân dân chúng tôi lo vì còn con cháu sau này nữa chứ đâu phải một mình mình”.
Anh Hồ Văn Tiến |
Tô Hội