Rùng rợn hang động hàng trăm quan tài ven sông Mã

Google News

Có hang chỉ còn sót lại vài mảnh gỗ song cũng có hang còn nguyên vẹn cả xương người.

Vách đá sừng sững, ngất ngưởng bên dòng sông Mã nhưng lại cất giấu nhiều bí mật, đến nay chưa có lời giải về những hang động với hàng trăm quan tài trên đỉnh núi.

Có hang chỉ còn sót lại vài mảnh gỗ song cũng có hang còn nguyên vẹn cả xương người, giống như nguyên vẹn những câu chuyện tưởng như rất hoang đường, kỳ bí.

Không dám lên núi vì sợ thần thánh yểm bùa

Đã nhiều tháng nay, kể từ ngày động quan tài trên đỉnh núi cao thuộc địa phận bản Khó, xã Hồi Xuân, Quan Hóa (Thanh Hóa), được phát hiện, thói quen lên rừng săn bắn, kiếm củi, hái nấm,…của người dân trong vùng dường như không còn. Không phải người dân đã no đủ, đã chán cái nấm, cái măng mà đơn giản là vì họ sợ làm kinh động đến những linh hồn từ rất lâu rồi chọn rừng núi làm nơi yên nghỉ.
Chiếc quan tài độc mộc còn nguyên vẹn
Chiếc quan tài độc mộc còn nguyên vẹn

Lý do của người dân cũng có cơ sở bởi trước đó, một vài người dân vì lạc vào hang có chứa nhiều quan tài, suýt nữa thì hồn vía không còn về với thân xác. Người đàn ông bị phạt vì dám làm kinh động đến giấc ngủ ngàn thu của người xưa mà dân bản Khó thường nhắc tới đó là ông Lương Văn Tướng, 50 tuổi, người dân tộc Thái ở bản Khó, xã Hồi Xuân.

Ông Tướng là một tay sắn bắn lão luyện, nổi tiếng vì sát thú, có tài đoán hướng con vật để đặt bẫy, vậy mà bữa đó đi săn không những về tay không mà còn suýt nữa thì thành người ngơ ngẩn. Nhắc lại chuyện cũ, ông Tướng bảo vẫn thấy nổi da gà…
Những chiếc quan tài nằm ngổn ngang
Những chiếc quan tài nằm ngổn ngang

Bữa đó, anh Tướng lại chuẩn bị đồ nghề lên rừng đi săn thú. Giống như mọi bận, sau khi đặt bẫy xong, anh ngồi rình nhưng suốt từ sáng đến lúc lá rừng xào xạc về chiều, vẫn không con thú nào sập bẫy. Trong lúc chuẩn bị ra về, anh Tướng phát hiện có con nai rừng đang ăn gần đó liền giương ná lên bắn. Mũi tên đi lệch, găm vào phần hông con vật khiến nó bỏ chạy. Nghĩ con vật sớm muộn gì cũng ngấm thuốc mà gục, anh Tướng đuổi theo nhưng cứ chạy mãi, chạy mãi mà con nai vẫn chưa chịu ngã.

Đến một cửa hang thì mất dấu. Nghĩ con nai vào trong hang trú ẩn, anh Tướng rón rén đi vào để rồi sững người khi thấy bên trong la liệt xương trắng và quan tài độc mộc. Hoảng hốt, anh nhảy tót lên cửa hang ngồi thở nhưng rồi vì “tiếc con thú, công sức cả một ngày ngồi rình” như anh Tưởng nói nên anh đã lấy hết can đảm, đi sâu vào bên trong.

Những chiếc quan tài nằm ngổn ngang

“Thực sự lúc đó tôi chỉ nghĩ đến con nai, chẳng nghĩ sợ gì nhưng rồi càng đi sâu vào trong, tôi thấy rét run khi xung quanh là ngổn ngang xương người”, anh Tướng kể. Âm khí và hơi lạnh trong hang lúc chiều muộn đã khiến người đi săn có thâm niên này không còn can đảm đi tiếp, liền chạy ngược trở lại mà cảm giác như xương người quấn lấy bước chân.

Trở về nhà trong trạng thái của kẻ không còn hồn vía, anh Tướng cứ ngơ ngẩn mấy hôm liền, không ăn uống được. Thấy chồng kêu đói mà miệng nuốt không trôi, người gầy xọp đi, nhiều lúc ngồi nói năng lảm nhảm về những từ lạ tai toàn về xương người, chết chóc, vợ anh cho rằng điềm gở liền gọi thầy cúng tới nhà trị bệnh nhưng không khỏi.
Chiếc đầu lâu và xương sườn còn nguyên vẹn
Chiếc đầu lâu và khúc xương còn nguyên vẹn

Mãi tới khi anh Tướng kể lại gặp nhiều quan tài trong hang núi thì dân bản mới xôn xao, cho rằng anh Tướng phá giấc ngủ của người xưa nên bị phạt, bị bắt mất hồn vía, phải cúng, phải làm lễ tạ tội thì mới khỏi. “Chẳng biết thế nào nhưng sau khi vợ tôi mượn thầy mượn thợ tới nhà cúng bái, làm lễ thì bệnh tình tôi đỡ dẫn, tinh thần tỉnh táo ra, đi lại, ăn nói bình thường, không còn hư hư thực thực như trước”, anh Tướng bộc bạch.

Sau vụ anh Tướng bị phạt, người ta ít lên núi hẳn, chỉ có anh Tướng và một vài thanh niên thi thoảng vẫn quay lại cái hang có nhiều quan tài ấy và đương nhiên lần nào “viếng thăm” trở về, họ cũng sắm một lễ nho nhỏ gọi là tạ lỗi.

Kỳ bí những quan tài hàng trăm năm tuổi

Theo lời anh Tướng thì động quan tài mà người dân nơi đây cứ quen gọi là hang ma nằm cheo leo trên vách núi dựng đứng, sát bờ sông Mã, rất khó đi lại. Kể từ ngày hang ma được phát hiện tới nay, khu vực này càng trở nên hoang vắng vì người dân không dám bén mảng tới vì sợ bị phạt.

Cũng phải thôi bởi không phải bỗng dưng mà người ta đưa người chết đến đây an táng trong hang mà phải vì một lý do nào đó, và trong lúc chưa có một lời giải thích thỏa đáng từ các nhà nghiên cứu lịch sử vén bức màn bí ẩn về sự kỳ bí của những quan tài, xác chết này thì tốt nhất là đừng động đến. Chính vì suy nghĩ có thần thánh, có yểm bùa nên vùng núi ven sông này vốn đã hoang vu càng thêm lạnh lẽo, vắng dấu chân người.

Hang Ma nằm bên kia sông Mã, nơi có nhiều vách núi dựng đứng. Lối vào duy nhất nhỏ và sâu hun hút nhưng đi sâu vào trong, lòng hang rộng và đẹp đẽ với nhiều hình thù kỳ quái do nhũ đá tạo thành. Bóng tối mờ ảo nhưng vẫn đủ để chúng tôi nhìn thấy xung quanh la liệt những quan tài được làm bằng những thân cây to, đẽo tròn, khoét rỗng giữa với vương vãi xương người. Thời gian có thể đã bào mòn những hoa văn trang trí trên “ngôi nhà” của người chết, nhưng thời gian chỉ làm bề ngoài thân gỗ nứt nẻ chứ bên trong gần như còn nguyên vẹn.

Đường nét gọn gàng cho thấy người ta đã dùng vật sắc nhọn, bằng kim khí mới có thể khoét được ruột cây gỗ hàng trăm tuổi này. Hàng chục chiếc quan tài nằm ngổn ngang, mùi ẩm mốc, mùi ngai ngái của phân dơi bốc lên khiến chúng tôi rợn người, giật mình thon thót vì tiếng vỗ cánh của những chú dơi nằm ngủ trong quan tài bị đánh thức.
 Đường lên hang ma dựng đứng bởi vách đá
Đường lên hang ma dựng đứng bởi vách đá.

Anh Tướng cho biết những cỗ quan tài này có lẽ từ rất lâu rồi bởi người già nhất bản như cụ Lương Thị Ngái, 87 tuổi, ngày trẻ thường xuyên lên núi lấy củi còn chưa nghe kể có hang chứa quan tài thì những người trẻ như anh làm sao biết được. Hơn một thế kỷ hay vài thế kỷ, câu trả lời thuộc về các nhà nghiên cứu, song điều chúng tôi ghi nhận được là dù tồn tại rất lâu rồi nhưng nhiều cỗ quan tài này dường như vẫn còn nguyên vẹn cả áo quan, người chết và một số đồ đạc táng theo.

Theo nhà khảo cổ học Nguyễn Gia Đối, Viện Khảo cổ học thì hang Ma có thể là tập tục động táng của người cổ xưa vào khoảng thời đại Kim khí và kéo dài tới tận thế kỷ 15. Tục “động táng” xuất phát từ việc quan niệm con người thời kỳ đầu ăn hang ở hốc nên khi chết phải đưa quay về “ngôi nhà” đầu tiên. Thời bấy giờ đường lên hang không khó khăn như bây giờ nhưng trải qua bao năm tháng với những dư trấn, lũ lụt, biến đổi địa lý mà đất đá bị sói mòn, chỉ còn trơ lại những vách núi.

Theo ông Hà Văn Tuyên, trưởng phòng Văn hóa huyện Quan Hóa thì hang Ma nằm trong hệ thống các hang động có chứa quan tài cổ ở khu vực huyện Quan Hóa, mỗi hang động đều có từ vài chục đến vài trăm quan tài như ở núi Pha Cáng, hang Hòm, hang Pha Ké, hang Đầu Lâu,…và tất cả đều có chung một đặc điểm là có vị trí nằm ở vách núi sát bờ sông Luồng và sông Mã.

Nhiều ý kiến cho rằng đây là nơi an táng những người thuộc thân tộc của Tướng quân Khằm Ban, tức Phạm Hiếu, người đã giúp Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh vào thế kỷ 15 song cũng nhiều ý kiến lại cho rằng đây là nơi yên nghỉ của những người dân tộc Thái thuộc tầng lớp quý tộc.

Câu trả lời xin nhường cho các nhà khảo cổ học tuy nhiên điều mà chúng tôi muốn đề cập tới là trước những hang động có dấu vết của người cổ xưa, dù đã trải qua hàng mấy trăm năm, với bao biến động của tự nhiên và của chính con người, vẫn còn lưu lại, rất cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương để bảo tồn và lưu giữ.

Một vài hang động, do chưa được quan tâm, bảo giữ nên đã trở thành phế tích với một vài mẩu gỗ còn sót lại. Trước một hang ma còn nguyên vẹn như ở bản Khó này, các nhà khảo cổ học nên sớm vào cuộc để người dân nơi đây sớm có một lời giải thích thỏa đáng, không còn lo sợ về những điều không tưởng về thần thánh, bùa ngải đang âm ỉ truyền miệng khiến người ta sợ hãi không dám vào rừng.

(Nguồn: Bóng đá & Cuộc sống)
[links()]

Bình luận(0)