22 năm tích của xây cầu
Người xã Nhạc Kỳ biết đến ông Thi không chỉ bởi ông là người lái đò ở đoạn sông Kỳ Cùng suốt 22 năm nay, mà còn bởi ông đã bỏ số tiền 22 năm tích cóp đưa đò để xây một cây cầu bê tông dài gần trăm mét nối đôi bờ sông huyền thoại.
Nhà ông Thi nằm ngay bên bờ sông Kỳ Cùng cách chân cầu bê tông chỉ vài bước chân. Khi chúng tôi hỏi thăm về cây cầu, ông cười khà khà đắc chí: "Từ ngày có cây cầu, gia đình tôi và người dân xã Nhạc Kỳ đem hàng hóa sang chợ Điềm He, huyện Văn Quan bán nhiều hơn, những hôm họp chợ, người người qua lại cây cầu nườm nượp như trảy hội, nhìn cảnh đó khiến tôi nức lòng, không ngờ hiệu quả của cây cầu mang lại cao đến như vậy, mặc dù ban đầu tôi nghĩ xây cầu là để phục vụ nhu cầu đi lại của gia đình và mấy hộ dân trong thôn Lương Thác là chính".
Ông Thi kể lại: "Tôi làm nghề lái đò qua sông Kỳ Cùng từ năm 1986 - 2008 mới thôi. Hồi đó, người dân xã Nhạc Kỳ và Điềm He muốn qua sông thì chỉ có mỗi một con đò của tôi, mỗi ngày lái đò kiếm được vài đồng, số tiền đó gia đình tôi không dùng đến mà để tiết kiệm, còn việc ăn uống chi tiêu hằng ngày dựa vào công việc chăn nuôi, đồng áng của vợ. Lúc đó tôi đã mơ ước có một cây cầu bắc qua sông Kỳ Cùng để bản thân tôi và người dân đi lại qua đôi bờ sông đỡ khổ, nhưng tiền túi của không đủ nên đành chịu".
Sau 22 năm tích cóp tiền của, năm 2008 ông Thi dồn được 200 triệu đồng và vay ngân hàng thêm 100 triệu đồng nữa để mua sắt, thép, xi măng xây dựng chiếc cầu bê tông và từ giã cái nghiệp lênh đênh sông nước.
|
Cây cầu bê tông mới xây là niềm mơ ước từ mấy chục năm nay của ông Thi. |
"Kỹ sư" nông dân
Dẫn chúng tôi đi trên cây cầu xi măng thoáng đãng vắt ngang sông Kỳ Cùng, ông Thi kể lại những ngày đầu tiên khi triển khai ý tưởng xây cầu: "Năm 2008 khi biết tôi có ý định xây cầu thì vợ, con, hàng xóm rất lo lắng vì với số tiền 200 triệu đồng làm sao mà xây được cầu. Bản thân tôi cũng phải nhiều đêm mất ăn mất ngủ để tính toán độ dài, khối lượng bê tông, sắt thép...".
Tin đồn về việc ông Thi bỏ của xây cầu lan ra khắp nơi, UBND huyện Văn Lãng cũng cử đoàn công tác cùng kỹ sư đến để khảo sát, nghiên cứu. Ngay sau đó, đoàn công tác của huyện đi đến kết luận: "Nếu muốn xây cầu phải mời kỹ sư thiết kế, nghiên cứu, đo đạc tác động môi trường...". Dự tính kinh phí cho việc này lên đến hàng tỷ đồng. Với số tiền lớn như vậy bản thân ông Thi hoàn toàn không có khả năng để làm. Mặc dù vậy ông vẫn quyết định khởi công cây cầu bê tông theo mơ ước mấy chục năm ròng.
"Sau khi tham khảo ý kiến của UBND huyện thấy số tiền thực hiện việc xây cầu quá lớn, tôi đã tự thiết kế, tự xây dựng mà không cần ai trợ giúp. Tôi tự đo chiều dài của cây cầu cần xây, thiết kế các trụ xi măng cao 2m, mặt cầu rộng 2m, chiều dài mỗi nhịp 4m. Sau khi đo đạc thực tế và vẽ sơ đồ thiết kế xong, tôi thuê dân làng đến làm với mức công 30.000đ/ngày. Sau 4 tháng thi công, đến tháng 4/2009 cây cầu được hoàn thành", ông Thi kể.
Trước khi xây cầu, ông Thi có cách "tính toán" rất dị kỳ. Ông quan sát nhiều mùa nước lũ tràn về, và phán đoán lực tác động của nước và các loại gỗ lớn lên cây cầu là bao nhiêu tấn. Ví dụ như một khúc gỗ to bằng một người ôm, dài 2m trôi với vận tốc 10km/giờ sẽ tác động lên cầu một lực tương đương khoảng 1 tấn, cộng thêm đó là lực đẩy của nước... Với cách suy đoán đó, ông đã xây trụ cầu to gấp gần 20 lần so với lực tác động của cây gỗ. Mặt khác khi xây cầu, ông Thi không làm lan can cầu vì nếu nước lũ dâng đến mặt cầu, lượng rác, gỗ mắc lại là rất lớn, khiến cho cầu chịu thêm áp lực, cầu sẽ nhanh hư hại...
"Tôi không được học hành gì, nên việc tính toán gặp rất nhiều khó khăn, thế nên phải dùng kinh nghiệm nhiều năm lặn lội sông nước phán đoán sao cho hợp lý để cây cầu có độ bền cao nhất", ông Thi cho biết.
|
Hằng ngày, ông Thi vẫn bê từng viên đá đắp vào trụ cầu để trụ cầu trụ vững trước lũ quét, nước xoáy. |
Vật vã bên cầu
Nói về cảm giác khi khánh thành cây cầu trong mơ, ông Thi bày tỏ: "Lúc đó tôi vừa vui, vừa lo lắng, vật vã để trả khoản nợ 100 triệu đồng vay ngân hàng. Thế nhưng, điều đó không lo bằng việc phải vật vã giữ cầu khi mùa lũ về, nước từ thượng nguồn cuồn cuộn đánh vào cầu khiến tôi thót tim, chỉ sợ nước cuốn trôi cây cầu mới xây thì bao nhiêu công sức đổ sông đổ bể. Những hôm mưa gió tôi xách đèn pin ra chân cầu nhìn nước lũ dâng cùng với những khúc gỗ to uỳnh cứ lao vùn vụt rồi đâm bổ vào cầu với lực tác động cực lớn mà nơm nớp, lo lắng...".
Dẫn chúng tôi đến đôi nhịp cầu có màu xi măng nhìn mới hơn so với những nhịp khác ông Thi kể: Đó là hai nhịp cầu đã bị đánh bật bởi nước lũ năm 2011. Khi đó, hai nhịp cầu phía xã Nhạc Kỳ bị nước xoáy móng trụ, sau đó hai trụ này bị nghiêng 450 dầm cầu bị nước đánh trôi xa cách đó mấy chục mét. Sau mùa lũ, ông lại phải chi thêm 50 triệu đồng nữa để làm lại hai nhịp cầu bị hư hỏng.
Ông cho biết: "Hiện ở hai trụ cầu này đã được xây lại với móng sâu và to hơn, đảm bảo chịu được mức lũ lớn nhất từng càn quét qua đây".
"Lúc mới xây cầu, chính quyền đã trợ giúp cho tôi 60 tấn xi măng và cho phép tôi được thu phí qua cầu nhằm trang trải một phần gánh nặng vì phải đi vay ngân hàng. Số tiền thu phí tôi dùng vào việc trùng tu, bảo dưỡng cầu mỗi khi có sự cố như sụt lún móng trụ do mưa lũ... trong số những lần hư hại, nặng nhất là sự cố trôi 2 nhịp cầu năm 2011 với số tiền thiệt hại là 50 triệu đồng".
Ông Chu Văn Thi
|