"Đi với giai đẹp mà khó tính thế ai chịu được...muốn chỗ sạch thì leo lên nóc nhà mà ngồi", bà chủ quán thịt cầy trên đường Trần Não văng tục...
"Đi với giai đẹp mà khó tính thế ai chịu được... muốn chỗ sạch thì leo lên nóc nhà mà ngồi", bà chủ quán thịt cầy trên đường Trần Não (quận 2, TP HCM) văng tục và mắng cô gái vừa hỏi có chỗ ngồi nào sạch sẽ hơn không.
Vừa bước vào quán đã nghe những lời chói tai của bà chủ, nữ thực khách là dân Sài Gòn gốc cảm thấy sốc, tức giận định bỏ về. Người bạn trai đi cùng cô níu tay bảo: "Tính bà ấy vậy ở đây ai mà chẳng biết, miệng chửi bậy bạ vậy chứ trong lòng chẳng nghĩ gì đâu".
Chàng trai phải mất vài phút giải thích về "văn hóa chửi" làm nên thương hiệu của quán thịt cầy Hải Phòng ở khu Trần Não này, cô gái mới nguôi giận. Cả hai sau đó cố gắng tìm cho mình một chỗ ngồi nép sâu vào góc quán chật chội.
|
Bà chủ quán "thịt cầy chửi" (áo đen chấm bi) mở miệng ra là chửi tục nhưng nhiều vị khách thích ghẹo để được nghe bà nói. |
Bà chủ quán ở đây nổi tiếng "chửi thề ngọt như chuối", thường quát nạt khách nhưng dường như tối nào quán này cũng đông đến nỗi các bàn nhậu phải kê sát lưng nhau mới có chỗ ngồi. Thực khách chủ yếu là nam, song cũng có một số phụ nữ đi cùng bạn bè, người thân đến đây.
Bà chủ trạc tuổi 40, dáng người phốp pháp, giọng nói sang sảng. Tối đến bà vừa bán hàng vừa đi từng bàn cụng ly với khách và cười nói oang oang. Mỗi lần bà mở miệng lại đệm câu chửi thề rất tự nhiên.
Anh Tùng, một khách quen ở đây cho biết, số lượng quán thịt cầy chặt chính hiệu ở TP HCM không nhiều, đặc biệt những quán có nhiều món lại chế biến đúng vị như bà chủ này làm thì hiếm. "Ăn ngon là lý do khách đến đây khá đông. Với lại đến đây đa phần là đàn ông ai thèm chấp phụ nữ. Bà ấy nói gì thì nói, mình ăn ngon là được", chàng thanh niên quê Bắc Giang đánh giá.
Gần đây, sinh viên làng đại học Thủ Đức thường kháo nhau về quán sinh tố "chửi" ở gần cổng ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM. Không biết tên thật của quán nhưng nó nổi tiếng đến nỗi nhiều bạn trẻ bảo "ở làng đại học mà chưa uống sinh tố chửi thì giống như đời sinh viên không biết mùi vị của mì tôm".
Thậm chí người hâm mộ còn lập cả một hội "Sinh tố chửi" trên Facebook với các thành viên tự giới thiệu là "những người ghét bị chửi nhưng vẫn thích uống sinh tố cô Chửi". Chủ hội này còn thường xuyên cập nhật thông tin về những món mới ở quán, còn các thành viên thì vào đây để viết nên những "kỷ niệm đau thương khó quên" với bà chủ quán.
|
Hội ủng hộ quán "Sinh tố chửi" trên Facebook thu hút hàng nghìn thành viên tham gia. Ảnh chụp màn hình. |
Chủ quán rất hay chửi bới khách đến đây ăn uống chỉ vì những lý do vụn vặt. "Khách hỏi món nào bà không bán là y rằng bị chửi ’đui sao không nhìn thực đơn’. Mua một ly sinh tố 10.000 đồng mà đưa tờ 200.000 đồng trở lên là thế nào cũng bị nói sốc", một bạn chia sẻ.
Một nhóm sinh viên ở làng đại học rủ nhau "sinh tố chửi nhé". Vừa đến quán đã nghe bà chủ sa sả: "Mày thấy bao nhiêu người chờ không, đâu phải tao bán cho mỗi mình mày. Muốn nhanh thì đứng đấy mà đợi bưng ra, không thì còn lâu nhá". Chàng sinh viên kia vì ngồi chờ 15 phút vẫn chưa có sinh tố uống nên giục chủ quán, thế là "ăn" chửi.
|
Trên Facebook, các thành viên hội này còn chế truyện tranh Doreamon về bà chủ quán sinh tố chửi. Ảnh chụp màn hình. |
Chứng kiến cảnh này, Thúy (sinh viên Đại học Kinh tế Luật TP HCM) cho biết đó là chuyện "như cơm bữa" ở đây. Song Thúy phân bua "bà chủ quán hay la lối nhưng vì sinh tố ở đây ngon mà giá lại rẻ nên sinh viên vẫn ngồi".
Đặng (sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM) kể, người lần đầu tiên đến đây ăn sinh tố dễ bị "sốc". Cũng vì bà chủ quán tính tình thất thường nên sinh viên gọi bà với biệt danh là "cô Khùng" hoặc "cô Chửi".
Mặc dù vậy không ít người lần đầu đến đây ăn đã nghe chửi nên "cạch" luôn đến già. Như chàng trai Lê Anh Tuấn tâm sự trên diễn đàn "Sinh tố chửi": "Ba mẹ sinh mình ra, cho tiền mua sinh tố uống cho khỏe để học, chứ không phải uống sinh tố để nghe chửi".
(Theo Tin nhanh Việt Nam)