“Người rừng” sống cùng khỉ, làm bạn gấu trên đỉnh Fansipan

Google News

Bò lên đến độ cao 2.900m, gặp một cái hang, ông Trần Ngọc Lâm chui vào ở và chính thức trở thành “người rừng”. Hàng ngày, ngoài những lúc đi lấy thuốc để uống, ông ngồi thiền trong hang đá.

Ngày đó, đại ngàn Hoàng Liên Sơn còn vô cùng hoang vu, ngoài con đường chinh phục Fansipan từ bản Cát Cát, thi thoảng mới có người lên, thì hầu như chưa có dấu chân người. Chính vì thế, thú rừng còn rất nhiều.

Ở một cái hang nhỏ, giống như khe nứt của quả núi, phía trên hang ông trú ngụ, là “ngôi nhà” của bầy khỉ.

Sáng sớm tinh mơ, bọn khỉ đã hót ríu ran gọi bầy dậy đi kiếm ăn. Con khỉ đực đầu đàn lớn nhất dẫn cả bầy rời hang. Cứ lần lượt từng con nhảy ra khỏi khe nứt giữa hai khối đá lớn. Ông Lâm đếm tổng cộng được 50 con lớn nhỏ.

Hang đá nơi ông Lâm sống cùng bầy khỉ và gia đình gấu

Hang đá nơi ông Lâm sống cùng bầy khỉ và gia đình gấu

Bình thường, hễ thấy tiếng người, bọn khỉ chạy xa, nhưng không hiểu sao chúng lại không sợ ông Lâm. Ông Lâm nói đùa rằng, lúc đó, quần áo rách rưới, râu tóc xồm xoàm kín mặt, nên trông ông cũng không… giống người lắm. Có lẽ chúng tưởng đồng loại, nên không sợ. Nhiều lúc, ông ngồi thiền trong hang, bọn khỉ tò mò lại gần ngó nghiêng, thậm chí trêu ghẹo làm ông mất tập trung.

Bọn khỉ đặc biệt thích nghe tiếng sáo trúc. Chiều tà, khi mặt trời lặn phía bên Lai Châu, chiếu ánh nắng xuyên qua lớp mây ửng hồng, cảm thấy cô đơn, ông lại lôi chiếc sáo trúc tự tạo ra thổi. Mỗi khi tiếng sáo cất lên, bọn khỉ lại tìm đến, đứng lố nhố ở cửa hang, đu trên cây ngồi nghe như khán giả.

Cảnh đẹp Hoàng Liên Sơn

Cảnh đẹp Hoàng Liên Sơn

Có bọn khỉ ở bên, ông Lâm cũng bớt buồn. Hàng ngày, ngoài lúc lấy thuốc, ông thường đi dọc đoạn đường lên Fan, để nhặt nhạnh những mẩu bánh mì, lương khô, thức ăn rơi vãi của khách leo núi, mang về cho bọn khỉ.

Tuy nhiên, lắm lúc, bầy khỉ cũng gây phiền phức cho ông. Nhiều khi, đi rừng về, thấy xoong nồi, bát đĩa mất sạch. Ông lại phải tìm lên hang khỉ đòi về. Mấy chiếc xoong, chảo đều méo mó do bọn khỉ dùng làm… trống.

Bên kia mỏm núi, đối diện với hang ông Lâm và bầy khỉ ở, cách khoảng 200m đường chim bay là nơi trú ngụ của gia đình gấu ngựa.

Cái lần ông có kỳ duyên với gấu ngựa cũng rất lạ lùng. Hôm đó, là buổi sớm, mặt trời mới ló dạng dưới chân núi, ông Lâm đang ngồi thiền, thì choàng tỉnh bởi tiếng gừ gừ.

Thi thoảng ông Lâm lại trèo lên ngọn cây để tìm bầy khỉ

Thi thoảng ông Lâm lại trèo lên ngọn cây để tìm bầy khỉ

Mở mắt, ông chợt rùng mình, khi ngay trước mặt, chỗ miệng hang, cách nơi ông ngồi độ 5m, là con gấu ngựa rất lớn, cỡ tạ rưỡi đang nhìn ông chằm chằm. 

Là người đi rừng nhiều, hiểu tập tính các loài vật, nên ông Lâm bình tĩnh, không bỏ chạy, cũng không tìm cách phòng thủ. Trong số các loài vật trong rừng, thì gấu là loài nguy hiểm nhất.

Người đời thường sợ hổ, nhưng thực ra, hổ là loài rất nhát. Chỉ nghe tiếng động, ngửi thấy hơi người, là chúng chạy trốn từ xa. Riêng gấu, tuy chậm chạp, nhưng thường núp trong bụi rậm và xông ra tấn công người.

Nhưng trước khi tấn công người, chúng thường quan sát thái độ của con người. Nếu tấn công nó, thì nó sẽ tấn công lại, bỏ chạy nó đuổi theo, còn bình tĩnh đối phó với nó, thì nó sẽ bỏ đi.

Sau phút rùng mình, ông lấy lại bình tĩnh. Trong hoàn cảnh bệnh tật đầy mình, tay không ông còn hạ được 4 tên giang hồ tay dao tay kiếm, thì con gấu này không phải đối thủ của ông. Tuy nhiên, ông muốn làm bạn với nó, nên ông giữ nguyên tư thế tọa thiền. Ông mở mắt nhìn nó chằm chằm.

Ông Lâm phải mất cả năm trời đi tìm mới thấy gia đình gấu ở mỏm núi phía Tây đỉnh Fansipan

Ông Lâm phải mất cả năm trời đi tìm mới thấy gia đình gấu ở mỏm núi phía Tây đỉnh Fansipan

Con gấu gầm ghè nhìn ông vài phút, thấy ông không nhụt chí, sợ hãi, nên nó ngó ngoáy đầu, nhìn đi hướng khác, rồi lững thững bỏ đi. Ông Lâm ra khỏi hang, nhìn theo con gấu, thì thấy nó chui vào cái ở mỏm núi bên kia.

Đến trưa, khi ông đang thổi lửa nấu cơm, thì lại gặp một con gấu nữa lững thững đi về phía hang, nơi con gấu ông gặp lúc sáng đang ngủ. Khi đó, ông Lâm mới biết, hang đá chính là nơi ở của vợ chồng nhà gấu. Vợ chồng nhà gấu cứ đi kiếm ăn vài ngày, mới lại mò về hang ở.

Hàng tháng trời ông Lâm tìm cách thân thiện với vợ chồng nhà gấu, song không ăn thua. Khi ông lại gần, chúng gầm gừ nhìn với ánh mắt dữ tợn, rồi cúp đuôi bỏ đi.

Cứ vài ngày, ông lại mang đồ ăn thừa du khách bỏ đi như bán mì, bánh ngọt, hoa quả, đặt ở cửa hang gấu. Thậm chí, ông bắt tổ ong đầy mật đặt ở miệng hang. Tuy nhiên, vợ chồng gấu chỉ ngửi đồ ăn, rồi làm ngơ, không thèm ăn. 

Không nản lòng, ông Lâm cứ kiên trì mang đồ ăn cho vợ chồng gấu. Phải đến mấy tháng sau, có lẽ thấy ông Lâm không phải kẻ thù, nên vợ chồng nhà gấu mới ăn đồ ông Lâm mang đến. Vợ chồng nhà gấu cũng tỏ ra thân thiện hơn với ông Lâm. Tuy nhiên, chúng vẫn không đến gần ông như bầy khỉ.

Khi ông Lâm thổi sáo, bầy khỉ sẽ tìm đến

Khi ông Lâm thổi sáo, bầy khỉ sẽ tìm đến

Mấy năm trời sống như hàng xóm với cặp vợ chồng nhà gấu, ông Lâm hiểu khá kỹ tập tính của loài gấu. Gấu là loài khá hiền lành, trầm tính và kín đáo. Tuy nhiên, chúng lại rất cục tính. Chúng sẽ trở nên cực kỳ hung dữ và nguy hiểm khi con người tìm cách tấn công chúng.

Hiểu về loài gấu, nên đã có hàng trăm lần ông Lâm giáp mặt gấu trong các chuyến vào rừng sâu, nhưng chưa lần nào ông gặp nguy hiểm. Đường gấu gấu đi, việc ông ông làm, không để ý đến chúng, không tấn công chúng, thì sẽ không gặp nguy hiểm.

Mấy năm sống trong hang, ông Lâm đã chứng kiến nhiều lần gấu cái trở dạ sinh ra đàn gấu con. Ông Lâm để ý và thấy rằng, gấu bố không ở cùng gấu con, không chăm sóc gấu con. Khi gấu mẹ sinh gấu con, gấu bố tìm ổ riêng để ở, cách “nhà” mấy chục mét. Khi gấu con trưởng thành thì chúng đi tự đi tìm cuộc sống khác. Chú gấu con nào không tự động đi, thì gấu bố cũng đuổi đi.

Đến bây giờ, nhắc lại đàn khỉ và gia đình nhà gấu, ông Lâm vẫn buồn. Ông bảo rằng, chính ông là người có lỗi với gia đình gấu và đàn khỉ, khi vì ông mà chúng phải bỏ đi.



Ông Trần Ngọc Lâm nhiều lần dẫn tác giả xem cảnh phá rừng của lâm tặc trong đại ngàn Hoàng Liên Sơn

Ông Trần Ngọc Lâm nhiều lần dẫn tác giả xem cảnh phá rừng của lâm tặc trong đại ngàn Hoàng Liên Sơn

Chuyện là, khi ông tìm ra con đường ngắn nhất chinh phục đỉnh Fansipan, chỉ mất 2 ngày một đêm, thì cũng là lúc khách du lịch ầm ầm kéo lên Fan. Con đường đó chỉ cách nơi ở của đàn khỉ và vợ chồng nhà gấu một đoạn. Vì có nhiều người đi lại, gây ra tiếng ồn, nên chúng đã bỏ đi cả.

Trong các chuyến xuyên rừng đi tìm thuốc quý, ông Lâm thường truy tìm dấu vết của đàn khỉ và vợ chồng nhà gấu. Phải mất gần một năm sau, ông Lâm mới tìm thấy vợ chồng nhà gấu, khi chúng đang trú ngụ trong hang đá trên một mỏm núi rất cao ở phía Tây đỉnh Fansipan, thuộc đất Lai Châu. 

Cánh rừng này cách hang ông Lâm ở một ngày cuốc bộ. Khu rừng này nguyên sinh tuyệt đối, vô cùng hiểm trở, ít dấu chân người.

Mỗi khi muốn gặp đàn khỉ, ông Lâm vừa đi vừa thổi sáo. Khi bầy khỉ nghe thấy tiếng sáo, chúng hót ríu ran đáp lời. Cứ theo tiếng khỉ hót vạch rừng đi, thể nào cũng gặp được chúng. 

Tôi đã có chuyến cuốc bộ theo ông Lâm xuyên qua những khu rừng vân sam cổ thụ, những khu rừng đỗ quyên đỏ rực, rừng chè ngàn năm, đại ngàn pơ-mu khổng lồ, thân phủ rêu xanh cao chót vót đẹp như trong cổ tích để đi tìm bọn khỉ. 

Chiều xuống, nhóm lửa bùng bùng, ông Lâm lại lôi sáo trúc ra thổi. Ông thổi một lúc, thì từ xa vọng lại tiếng khỉ hót. Nhưng có mặt người lạ, chúng không dám đến. Ông Lâm bảo, nếu chỉ có mình ông, chúng sẽ tìm đến nhảy nhót nô đùa ríu rít trên ngọn cây.

Bình luận(0)