Người phụ nữ 18 lần mang lễ trả lại nhà trai

Google News

Bao đời nay, đồng bào Sán Chỉ ở Bắc Giang vẫn lưu giữ những nét văn hóa độc đáo về tục cưới hỏi.

Tục cưới lạ kỳ của người Sán Chỉ
Hỏi chuyện về tục cưới hỏi của người Sán Chỉ, ông Lý Văn Mạc, trưởng thôn Họ, xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) chia sẻ: Trước khi tiến tới hôn nhân, người Sán Chỉ thực hiện trang trọng các nghi lễ như: Dạm ngõ, so mệnh, ăn hỏi, thách cưới, dẫn cưới và đón dâu. Trong đó, lễ ăn hỏi hay còn gọi là lễ đặt gánh là một nghi lễ độc đáo. Nghi lễ này thường được tổ chức vào mùa xuân hay vào dịp nông nhàn và được thực hiện sau những nghi thức dạm ngõ, so mệnh, thách cưới.
Nguoi phu nu 18 lan mang le tra lai nha trai
Theo tục của người Sán Chỉ, khi đoàn nhà trai đến, nhà gái đặt sàng rượu chặn lối, mời rượu và thách hát đối. 
Người Sán Chỉ thường chọn ngày mùng 1 đầu tháng hoặc ngày 15 làm thủ tục ăn hỏi. Nghi thức lễ ăn hỏi ở nhà gái diễn ra khá đơn giản, mục đích là để hai họ nhà trai và nhà gái bàn bạc và quyết định đồ sính lễ cho ngày cưới. Ngày ăn hỏi, nhà trai cử ông mối và 4 thanh niên phụ lễ mang đồ lễ đến nhà gái để xin “đặt gánh”. Ông mối được gia đình người Sán Chỉ lựa chọn phải là người khác họ tộc, là người chủ gia đình, còn đủ đôi, con cái đông đúc, được mọi người tôn trọng, kính nể, thạo ăn nói, biết nhiều về phong tục, tập quán dân tộc. Nét độc đáo trong lễ ăn hỏi của dân tộc Sán Chí là cuộc thi hát đối giữa nhà gái và nhà trai. Nhà trai muốn vào được trong nhà phải hát với nhà gái, bao giờ thắng thì mới được vào nhà, nếu nhà trai hát thua nhà gái thì sẽ phải chịu phạt uống rượu, không uống được thì chịu đổ lên đầu.
Khi mọi thủ tục trong lễ ăn hỏi đã xong, trước khi rời khỏi nhà gái, mỗi thành viên trong đoàn ăn hỏi, trừ ông mối đều được quệt nhọ vào mặt để đi đường gặp nhiều may mắn và ma quỷ không nhận ra. Cụ Lý Thị Năm, một cao niên ở xã Kiên Lao cho hay, sau lễ “đặt gánh” là thời kỳ “ăn giá bạc”, tức là thời kỳ hai họ đi lại và đôi trai gái tìm hiểu về nhau. Thời gian này có thể kéo dài từ 1 đến 3 năm.
“Như bản thân tôi, ăn hỏi xong đúng 3 năm mới được tổ chức cưới. Trong 3 năm ấy, ông ấy đi học còn mình ở nhà. Ai ở nhà người đó. Đến năm tôi 20 tuổi mới tổ chức cưới. Việc này cũng nhằm thể hiện là mình đã được họ đã ngắm rồi thì không nhà nào được ngó vào nữa và phần nữa cũng để mình phát triển trưởng thành”, cụ Năm chia sẻ.
18 lần tự đi “trả lễ” nhà trai
Nguoi phu nu 18 lan mang le tra lai nha trai-Hinh-2
Cụ Hoàng Thị Pít ngồi bên cháu nội kể về chuyện 18 lần trả lễ. Ảnh: Khánh Chi 
Được sự chỉ dẫn nhiệt tình của người dân bản địa, chúng tôi tìm về nhà cụ bà Hoàng Thị Pít ở Sa Lý (Lục Ngạn - Bắc Giang) để tìm hiểu thêm về tục cưới hỏi của người Sán Chỉ. Theo phong tục của người Sán Chỉ thì khi nhà trai đem quả cau, miếng trầu đến nhà gái cầu hôn, nếu không đồng ý thì người con gái có quyền đem lễ trả lại nhà trai. Chính người phụ nữ này đã phải 18 lần đem sính lễ đi trả lại.
Năm nay đã bước qua tuổi 80 nhưng cụ Pít vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Hỏi chuyện, cụ chỉ cười. “Lúc trước ở quê, mọi người lấy vợ lấy chồng đều do bố mẹ sắp đặt trước. Tôi cũng đã lấy một đời chồng, khi lên 13 tuổi, bố mẹ gả tôi cho một gia đình giàu có trong làng. Người chồng khi ấy mới 12 tuổi, kém tôi 1 tuổi”. Bà kể, hàng ngày hai vợ chồng đi chăn trâu, có khi không ai chịu ai lại đánh nhau khóc là chuyện bình thường. Ngỡ sang nhà giàu sẽ có cơm ăn và có cuộc sống sung sướng nhưng mới 13 tuổi, phận làm dâu, phải hộ mẹ chồng giã gạo, xay lúa... “Nói chung là việc gì cũng phải biết làm, làm chậm, làm hỏng thì bị mắng, chửi, thậm chí bị đánh đòn”, cụ Pít mở đầu câu chuyện.
“Ở nhà chồng được gần một năm thấy khổ quá, thế là tôi trốn về nhà bố mẹ đẻ. Nhà chồng có sang gặp bố mẹ tôi nói chuyện và xin đón về nhưng tôi nhất định không về nữa. Mặc cho hàng xóm dè bỉu, mặc cha mẹ hết lời thuyết phục nhưng tôi vẫn không đồng ý và xin ở lại với bố mẹ đẻ. Thời gian sau đó, nhà trai đến đòi tiền phạt, bố mẹ đành vay tiền mua một con trâu và hai con gà đi đền danh dự cho người ta. Khi ấy, con trâu là tài sản lớn lắm, chỉ nhà giàu mới có”, cụ Pít nhớ lại.
Sau khoảng lặng hồi tưởng, cụ kể thêm, từ lúc bỏ nhà chồng về, cụ bị mọi người xem như là đứa con bất hiếu vì không nghe lời bố mẹ. Khi ấy, ông cụ thân sinh ra cụ Pít tuyên bố: Mày phải ở vậy làm việc bao giờ đủ tiền trả nợ mới cho đi lấy chồng. Năm lên 22 tuổi, đang bị cho là ế thì gặp ông Lâm Khanh, một người địa phương. Hai người sớm nảy sinh tình cảm và yêu nhau, thế nhưng khi xin phép gia đình thì bố mẹ cụ Pít nhất định không đồng ý, thậm chí còn nói lớn: “Mày lấy nó thì không nhìn mặt tao nữa”.
Không lấy được người mình yêu, cụ Pít lăn lưng lo làm việc kiếm tiền trả nợ. Đến năm 26 tuổi, số tiền nợ sau lần “bỏ chồng” đã trả đủ nhưng lúc này cụ cũng không có ý định lấy chồng nữa. Cụ tự “cấm cửa” những chàng trai làng bén mảng đến. Sợ con ế nên bố mẹ cụ ra sức tìm kiếm chồng cho con gái. Biết gia đình nào còn có con trai tầm tuổi chưa lấy vợ là họ lại đánh tiếng trước.
Khi ấy 26 tuổi cụ Pít đẹp mặn mà. Dù bị coi là gái đã có một đời chồng nhưng cụ Pít vẫn được rất nhiều chàng trai để ý. “Tôi vẫn còn nhớ tháng 10 và tháng 11 Âm lịch năm 1958 trong vòng hai tháng có tới 18 người mang sính lễ đến hỏi nhưng tôi đều mang trả hết, với lý do trước đó đã lấy một đời chồng do bố mẹ sắp đặt nhưng không thành nên lần này muốn được tự chọn chồng. Nhưng bố mẹ tôi không nghe vẫn muốn tôi làm theo sự sắp đặt của ông bà. Họ đến hỏi là bố mẹ tôi tỏ vẻ vui mừng ra mặt, chưa gì đã gọi trước là ông, bà thông gia. Trong số 18 người đó thì người xa nhất là ở thị trấn Chũ (Lục Ngạn - Bắc Giang), ngày đó mang sính lễ đi trả tôi phải đi bộ mất cả ngày trời mới tới nơi nên còn nhớ rất rõ. Còn một người tên Trần, ít hơn 7 tuổi, khi đem lễ đến nhà thì anh này khóc ngay trước mặt tôi, lúc ra về anh ta kéo tôi lại và nói muốn lấy tôi làm vợ nhưng tôi không chịu” – Cụ Pít kể.
Duyên đẹp, kết đẹp
Ai đến hỏi cụ Pít cũng đem lễ trả lại, biết không thể ép buộc được nên cuối cùng bố mẹ cũng đành chiều ý con gái. Suốt 4 năm trời, sau lần bị gia đình nhà gái từ chối cau trầu, dù ít có cơ hội gặp nhau, tâm tình nhưng giữa cụ Pít và cụ ông Lâm Khanh vẫn mang tình cảm sâu đậm. Bản thân cụ ông Lâm Khanh cũng không có ý định lấy vợ mà chỉ chờ một ngày có cơ hội đón cụ Pít về “nâng khăn sửa túi”. Thương con gái, cảm động trước tâm chân tình của chàng trai Khanh, bố mẹ cụ Pít đồng ý cho cụ lấy cụ ông Lâm Khanh làm chồng.
Bà con lối xóm nghe tin cụ Pít lấy chồng nên đến chung vui rất đông. Mẹ cụ Pít chỉ cười và gật đầu khi thấy tân rể mang cau trầu đến lần nữa. Đây là lần thứ 20 có người đến xin lấy con gái làm vợ (đây là lần thứ 2 cụ ông Khanh đến cầu hôn và 18 lần trước các chàng trai đến mà cụ Pít từ chối). Còn người dân Sán Chỉ ở bản Trạm tập trung rất đông về nhà cụ Pít để uống rượu, ăn thịt mừng hạnh phúc. Trước họ hàng hai bên và bà con lối xóm, cụ ông Lâm Khanh, cụ Pít cùng nhau uống hết 1 cang rượu cần, nghi lễ trở thành vợ chồng của họ đã hoàn thành. Trước hạnh phúc ngỡ như sẽ không bao giờ có này của mình, cụ Pít vui mừng, nghẹn lời trong nước mắt. Còn cụ ông trong tâm trạng lâng lâng hạnh phúc và vui mừng. Họ sống hạnh phúc với nhau và sinh hạ đến 10 người con. Năm 2009, cụ ông Lâm Khanh qua đời sau trận ốm, vì tuổi cao sức yếu. Cụ Pít vẫn làm nương rẫy và vui vầy cùng con cháu…

“Họ nhà trai đi đón dâu bên họ nhà gái gồm có một ông mối và hai bé gái đi cùng. Đồ lễ mang theo có chăn màn, có con gà và dắt theo con trâu. Họ nhà trai mang sang họ nhà gái 1,4 tạ thịt lợn, 1 gánh nếp, 1 gánh gạo tẻ để nhà gái nấu ăn, có trầu cau, rượu là 60 đến 80 chai rượu. Lễ vật phải gánh chứ không chở bằng xe máy. Vì ngày xưa lúc khó khăn, người Sán Chỉ không ở đồng bằng mà ở khe núi nên phải gánh lấy chứ xe máy không đi được”, cụ Năm cho biết thêm.


Theo Khánh Chi/Giadinh.net

>> xem thêm

Bình luận(0)