Ngày 29 và 30/11, tại Cần Thơ, Bộ Nội vụ cùng Tạp chí Tổ chức Nhà nước tổ chức hội thảo đánh giá 3 năm (2010 – 2012) đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, cho thấy một bức tranh về thực trạng cán bộ ở cơ sở.
|
Học sinh ở xã vùng sâu Vị Thanh (Vị Thủy, Hậu Giang) sử dụng thành thạo máy vi tính, trong lúc nhiều cán bộ và công chức xã chưa biết sử dụng. Ảnh: Duy Khương . |
Không chuyên môn
“Có xã tại tỉnh Thái Nguyên mỗi lần cần soạn thảo văn bản, lãnh đạo xã phải thuê một cháu mới học xong lớp 9 về gõ phím mổ cò để làm văn bản”, kết quả khảo sát 30 tỉnh và thành phố của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội.
Hiệu trưởng Đại học Nội vụ Hà Nội Triệu Văn Cường cho biết thêm: “Một số địa phương cách thị xã Lai Châu chỉ 20 km mà cả UBND chỉ mới có một nhân viên tạm tuyển biết gõ máy vi tính nhưng không biết soạn một văn bản đúng”.
Bộ Nội vụ lập đề án đào tạo, bồi dưỡng mỗi năm 100.000 cán bộ, công chức xã. Ba năm qua, đã bố trí hơn 165 tỷ đồng để biên soạn tài liệu, bồi dưỡng giáo viên. Theo tài liệu, thời gian thực hành chiếm khoảng 2/3 thời gian học lý thuyết nhưng lại “chưa hướng dẫn cụ thể thực hành những vấn đề gì”, phát biểu của Sở Nội vụ TP Cần Thơ. |
Nguyên nhân theo khảo sát, còn có 22,5% công chức chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ hoặc mới trình độ sơ cấp.
Nên nhiều nơi, công chức không biết soạn thảo văn bản, thống kê số liệu thì sai sót, quản lý tài liệu bằng cách “xếp, bó lộn xộn trong tủ, dưới gầm bàn, trên nóc tủ”.
Không ít nơi, công chức văn phòng - thống kê cấp xã khi được giao phụ trách công tác một cửa rất lúng túng.
Quy định hiện nay, công chức xã là những người làm nghiệp vụ văn phòng, văn hóa xã hội, tư pháp, tài chính, địa chính… Còn cán bộ xã là những người ở vị trí lãnh đạo, trưởng và phó chính quyền, đảng ủy, các đoàn thể.
Công chức không có chuyên môn nghiệp vụ thì không tham mưu được cho cán bộ xã thực hiện công tác quản lý nhà nước đúng thủ tục, quy trình.
Trong lúc, nhiều cán bộ xã cũng chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ. Sở Nội vụ TP Cần Thơ cho biết, chuyên môn của cán bộ chủ chốt xã, có 25,6% chưa được đào tạo hoặc mới trình độ sơ cấp.
Trình độ chuyên môn ấy ở TP Hải Phòng là 34,6% và tỉnh Kon Tum lên đến 47,6%. Đặc biệt, cán bộ và công chức xã còn rất ít người được đào tạo về quản lý hành chính nhà nước.
Thống kê của Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Long, xấp xỉ 90% cán bộ và công chức xã chưa được đào tạo quản lý hành chính nhà nước.
Văn hoá thấp
Địa phương được đánh giá làm khá tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức xã là TP Đà Nẵng.
Để đào tạo cán bộ chủ chốt xã, Đà Nẵng tuyển chọn những người đã tốt nghiệp đại học, được 139 người cử tham gia khóa học quản lý nhà nước một năm, sau đó phân công về các xã, phường. Đến nay, 26 người (18,7%) đã được bổ nhiệm làm chủ tịch, bí thư hoặc cấp phó.
Đặc biệt, Đà Nẵng tiếp nhận 119 sinh viên mới tốt nghiệp đại học đưa về làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở xã. T
ích cực như vậy nhưng đến nay, Đà Nẵng vẫn còn 31,2% cán bộ và công chức xã chưa được đào tạo hoặc mới có trình độ chuyên môn sơ cấp.
Trình độ văn hóa của cán bộ, công chức xã lại thấp nên việc đào tạo chuyên môn quản lý cũng gặp nhiều khó khăn.
Tỉnh Kon Tum còn 34,7% cán bộ và 13% công chức xã mới học tiểu học hoặc THCS. Đây đó còn tình trạng chủ tịch xã bỏ dấu ủy ban vào túi quần, túi xách, gặp đâu đóng đó.
Có nơi, cán bộ xã xác nhận việc mua bán, chuyển nhượng đất bất hợp pháp do nể nang, đóng dấu tại nhà, gây khiếu kiện phức tạp.
Theo Sáu Nghệ
Tiền Phong