"Tôi có ba cô con dâu thì mỗi con một tính. Tôi phải "phân loại" ra tính cách từng con để mà đối xử..."
- "Người ta thường bảo giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng", thế mà tôi, một chị chồng lại luôn ước, giá là nhà văn, tôi sẽ viết truyện về tấm lòng thơm thảo của các em dâu tôi", bà Nguyễn Thị Ban, Hà Long, Hà Trung, Thanh Hóa cảm kích chia sẻ trong tâm sự về chuyện những nàng dâu.
Khó hay dễ còn tùy ở dâu
|
Bà Ban cười tươi khi nhắc đến hai em dâu của mình. |
Thoạt nhìn, bà Ban trông có vẻ hơi khó gần, nhưng khi bà nở nụ cười gương mặt thoắt trở nên rạng rỡ, thân thiện. Bà bảo, bà là người mẹ chồng cũng có tính cách y như vẻ ngoài của mình, vừa khó lại vừa dễ. Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, bà bảo: Khó hay dễ còn tùy vào từng dâu, không phải dâu nào cũng đối xử như dâu nào được. "Có con dễ mà hóa khó, có con khó lại thành dễ".
Lý giải cho cái quan niệm có vẻ khó hiểu của mình, bà cười: Tôi là phụ nữ nông thôn, ít học, nhưng tôi đọc nhiều tiểu thuyết lắm, cũng có chút hiểu biết chữ nghĩa đấy, mọi người vẫn khen tôi nếu học cao lên thì có khi theo nghề viết lách cũng nên.
"Tôi có ba cô con dâu thì mỗi con một tính. Tôi phải "phân loại" ra tính cách từng con để mà đối xử. Con dâu trưởng chín chắn hơn cả, trong chuyện chỉ bảo, tôi có "dễ" hơn so với các dâu thứ, nhưng cũng vì thế mà kỳ vọng vào con nhiều hơn, nên tôi thường yêu cầu cao các việc con làm, thành ra dễ mà lại hóa khó. Còn con dâu út, làm tôi phật lòng, lo nghĩ nhiều nhất. Nhưng nói lắm làng xóm chê cười, nên giờ tôi đành nhắm mắt bỏ qua, thế là khó mà lại thành ra dễ".
Bà Ban gật gù nói như một triết gia: "Tôi nghĩ đừng nên hỏi rằng mẹ chồng khó hay dễ, mà hãy hỏi xem tình cảm của bà đối với con dâu thế nào. Suy từ chuyện của tôi thì thấy, khó lại đi liền với yêu, chứ không phải là dễ".
"Chị ơi em sợ bố chết quá"
Bà Ban bảo, trong những lúc phải nghĩ ngợi về dâu con, bà thường nhớ tới hai cô em dâu của mình. Cha mẹ bà có 5 người con, bà là chị cả, dưới bà là hai em gái và hai em trai.
Nói về hai cô em dâu, bà bỗng trở nên xúc động, lặng đi. Bà luôn miệng bảo, để bà về ngồi trong đêm tĩnh lặng, suy ngẫm, viết ra giấy mới có thể nói đầy đủ được những tình cảm mà bà dành cho hai em dâu của mình.
"Người miền Trung tôi có câu ca, "trong cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau", tôi thấy thấm thía. Khi bố tôi tai biến nằm liệt giường, mẹ tôi ngã rạn xương, tôi mới hiểu thấu tấm lòng thơm thảo của các em dâu tôi".
"Lúc bố tôi mới bị bệnh, chưa có kinh nghiệm trong ăn uống, cụ thường xuyên táo bón. Mỗi lần như vậy, các em tôi lại tự tay thò vào móc phân ra cho cụ. Con đẻ chắc gì đã đối xử được với bố mẹ như các em dâu tôi. Việc tắm rửa, ăn uống của bố đều nhờ cả vào bàn tay săn sóc của hai em. Chúng tôi là con gái thật, nhưng phận theo chồng, chỉ đến thăm bố được phần nào. Tôi nhớ mãi tháng 6 năm ngoái, giây phút bố tôi cận kề cái chết, em dâu tôi ôm lấy tôi mếu máo: Chị ơi em sợ bố chết quá, em thương bố quá".
Tôi hỏi bà Ban, bà có biết vì đâu hai em dâu lại hiếu thảo với bố mẹ chồng như vậy, bà trầm ngâm: "Nói về học thức thì hai em dâu tôi chỉ học hết lớp 7, có lẽ là do bản chất con người. Cũng có thể vì bố mẹ tôi đã hết lòng thương yêu các em nên các em cũng dốc tấm lòng đáp lại. Mẹ tôi bị ngã rạn xương đến nay là 8 năm rồi, đi lại, ăn uống đều do hai em tôi săn sóc cả, nếu không phải là vì cái tình thực sự thì các em dâu tôi không thể làm được như thế".
"Nếu là nhà văn, tôi nhất định sẽ viết về các em dâu của mình", bà Ban hào hứng nói, như không biết bà đã nhắc đi nhắc lại câu đó bao nhiêu lần suốt buổi trò chuyện.
Mai Loan