“Mục kích” chuối Bảo Đại to, nặng hơn người

Google News

(Kiến Thức) - Giống chuối quý hiếm nhất Tây Nguyên (từng là đặc sản vua Bảo Đại ưa thích) gần như tuyệt chủng, nhưng rồi lại nhanh chóng phát triển từ những chồi non. 

"Chuối vua"
Ở nước ta có lẽ chưa từng có một loại chuối nào được "phong vương" như chuối LaBa của Tây Nguyên. Đó là giống chuối cổ chỉ có ở xứ sở của những trường ca Đam San bất tận với những đặc trưng văn hoá như nhà rông, nhà dài.
Giống chuối LaBa có lẽ một phần vì quý giá nên người ngoài ít biết, cũng chẳng được thưởng thức để biết thêm mùi vị. Vì rằng, giống chuối ấy chỉ dành cho vua chúa hoặc các thủ lĩnh bộ lạc xưa nên một thời, gần như không ai thấy bóng dáng chuối LaBa ở đất Tây Nguyên nữa.
Phải qua rất nhiều những nhiêu khê phiền hà, cuối cùng chúng tôi mới tìm ra được người có những hiểu biết sâu sắc về chuối LaBa huyền thoại. Đó là ông Hoàng Văn Hùng, cán bộ thuộc Phòng Nông nghiệp huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. Ông Hùng cũng là tác giả của đề tài nghiên cứu phục tráng và phát triển giống chuối LaBa quý hiếm này.
Một cân chuối bán tại vườn đã lên tới 6.000đ. 
Theo lời kể của ông Hùng thì trước đây, vua Bảo Đại mỗi lần vào Tây Nguyên đều thưởng thức chuối LaBa. Cũng từ đấy, người Tây Nguyên gọi giống chuối ấy là "chuối vua" hoặc chuối Bảo Đại. Ông Hùng bảo: "Cũng bởi vị ngon thơm dẻo mà chuối LaBa trở thành đặc sản tiến vua".
Trong ký ức của các già làng Tây Nguyên thì giống chuối này chỉ dành cho vua chúa và các tù trưởng bộ lạc. Một phần cũng bởi giống chuối ấy rất khó trồng, lại hiếm khi trổ hoa đơm trái. Nếu ai trồng được giống chuối này để dâng lên vua chúa đều được ban công ghi thưởng hậu hĩnh.
Thế rồi những năm chiến tranh, giống chuối LaBa vì nhiều lý do dẫn tới tuyệt chủng. Tây Nguyên vắng chuối LaBa giống như mất đi bóng cây Kơ nia, mất đi cây thần thánh - nơi trú ngụ của buôn làng. 
Mãi đến những năm 90 thế kỷ trước, những mầm non của chuối LaBa mới bắt đầu đâm chồi nảy lộc trở lại trên nền đất bazan đỏ tươi như tấm lòng người Tây Nguyên. Từ những mầm non ấy, họ bắt đầu cấy trồng nhân ra khắp các buôn làng và trở thành giống cây đem lại giá trị kinh tế cao.  
Một buồng chuối trung bình đã nặng tới 70kg. 
"Chuối Bảo Đại" sang... Tây
Theo ông Hùng, sự kiện chuối LaBa xuất khẩu sang Tây Âu vừa qua là một điểm nhấn quan trọng của ngành nông nghiệp Tây Nguyên. Tuy nhiên, việc xuất khẩu chuối LaBa không phải chuyện bây giờ mới có. Ngay từ thời Pháp thuộc, giống chuối LaBa đã được các chủ đồn điền Pháp đem xuất khẩu khắp châu Âu hòng thu lợi nhuận.
Hiện nay, chuối LaBa không chỉ xuất khẩu sang các nước Tây Âu, mà người Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng rất chuộng giống chuối này. Riêng về giá trị kinh tế thu về thì đó là một con số không thể đo đếm vì hiện nay, những đơn đặt hàng lớn vẫn chuyển về Tây Nguyên từng ngày từng giờ.
Khi chúng tôi có mặt tại nhà của ông Vương Lý tại xã Hiệp Thạch đã thấy xe tải cỡ lớn chờ sẵn để bốc hàng xuất khẩu. Ông Vương Lý bảo: "Từ sáng đến giờ tôi đã xuất đi hai xe, đang chờ bà con và các thương lái chở chuối đến để tính toán chi trả một thể".
Theo tiết lộ của ông Vương Lý, mỗi tháng gia đình ông thu mua không dưới 100 tấn chuối LaBa. Chuối mua đến đâu hết hàng đến đó, người nước ngoài ưa chuộng loại chuối này nên việc xuất khẩu không hề khó khăn. Sự lo lắng duy nhất của ông Vương Lý chỉ là không gom đủ số lượng theo đơn đặt hàng.
Cũng giống ông Vương Lý, gia đình bà Thu Phượng cùng ở xã Hiệp Thạch cũng là một đầu mối thu mua chuối LaBa lớn nhất Tây Nguyên. Hàng trăm tấn chuối mỗi tháng bà phải chuyển sang nước ngoài. Vì sợ không gom đủ hàng nên bà Phượng còn đầu tư hàng chục hecta nương đồi để trồng chuối bù vào những khi hàng hiếm.
Theo ông Hoàng Văn Hùng: "Hiện vẫn chưa có một thống kê chính xác số lượng diện tích trồng chuối LaBa ở Tây Nguyên. Cũng không thống kê được lượng chuối thu hoạch hằng năm nhưng một điều phải khẳng định là giống chuối này đang trở thành chủ đạo để bà con xoá nghèo làm giàu trên mảnh đất quê mình".
 Dù được chăm sóc cẩn thận, chuối LaBa cũng nhiều sâu bệnh.
Ước gì chuối trổ hai buồng 
Nói đi cũng phải nói lại, dù LaBa là giống chuối quý, giá trị kinh tế cao nhưng cung cách chăm sóc và những phí tổn đầu tư cũng rất tốn kém. Chúng tôi đã tìm đến nhiều nơi của Tây Nguyên để hỏi thăm bà con các buôn làng về giống chuối này.
Ai cũng khẳng định đó là giống chuối thơm, ngon và dẻo. Giá trị bán ra ngay tại vườn cũng lên tới 6.000 - 8.000đ/kg. Một buồng chuối LaBa trung bình nặng tới 50kg, thậm chí 80kg. Như vậy, một gốc chuối cũng cho người dân gần 400.000đ.
Theo quan sát của chúng tôi, chuối LaBa Tây Nguyên khá đa dạng với kích cỡ thân cây cao lớn đến 3m. Từ khi trồng đến lúc thu hoạch phải mất một năm ròng rồi lại đốn đi trồng cây giống. Cân nặng của một buồng chuối có thể lên tới hàng trăm kg. Thậm chí, có quả chuối nặng tới gần nửa cân. Trong khi đó, 1ha chỉ có thể trồng được tối đa 2.000 gốc.
Tuy nhiên, đa số người trồng chuối ở Tây Nguyên cho rằng, việc thu lợi chẳng được bao nhiêu vì đồng tiền bỏ ra để mua phân đạm, thuốc trừ sâu là không nhỏ. Theo tác giả của nghiên cứu đề tài chuối LaBa - ông Hoàng Văn Hùng thì: "Giống chuối này hay bị sâu bệnh phá hoại. Các loại phân đạm và thuốc trừ sâu chuyên dụng cho chuối lại có giá khá cao".
Có lẽ cũng chính vì lý do đó mà người dân trồng chuối LaBa ở Tây Nguyên có một mơ ước duy nhất là làm sao để chuối trổ hai buồng. Một buồng chi phí cho phân đạm, thuốc trừ sâu và công cán, một buồng có thể giúp họ làm giàu chính tại quê hương bản quán.
Và một nỗi buồn của người trồng chuối Tây Nguyên hiện nay đó là sự đánh đồng giữa chuối thường và chuối LaBa do không thể xác định  nguồn gốc qua mẫu mã. Điều ấy đã khiến cho thương hiệu chuối LaBa bị giảm sút nghiêm trọng, chỉ lợi cho các thương lái tha hồ dìm giá khi chuối đến kỳ thu hoạch.
"Chuối LaBa khi trưởng thành cao tới trên 3m, buồng trái hình trụ, trái cong úp vào quầy, quầy trổ xiên... khi chín ăn có vị ngọt đậm, dẻo thơm. Qua phân tích chất lượng, chuối LaBa đều đạt chuẩn về các tỷ lệ dinh dưỡng. Hiện nay, giá thu mua tại vườn là 6.000đ/kg chuối nhưng lúc cao điểm có thể lên tới hàng chục ngàn một cân".
Ông Hoàng Văn Hùng (cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Đức Trọng, Lâm Đồng)
Quách Hoà

Bình luận(0)