- Một vùng quê nghìn đời thuần nông như xã Thọ Nghiệp, Xuân Trường - Nam Định bỗng dưng nổi tiếng bởi nghề "hái ra tiền" như taxi. Thế nhưng, bây giờ, taxi quá tải, người lái quá nhiều lại vào buổi giáp hạt nên nhiều người tính chuyện bỏ nghề, bán taxi trả nợ lãi.
Từ truyền thống làng xích lô
Xã Thọ Nghiệp là vùng đất thuần nông, ngoài làm ruộng, hầu như không có một thứ nghề phụ nào khác để kiếm ra tiền. Khi xong mùa vụ, đàn bà con gái được chơi dài, họa hoằn lắm mới có một hai cô trong mỗi thôn xóm làm được nghề may vá, bán hàng tạp hóa.
Trước đây, khi các tỉnh miền núi phía Bắc còn nhiều rừng, ở Thọ Nghiệp có những cánh xẻ cưa hàng chục người một nhóm kéo nhau lên núi chặt gỗ, kéo cưa lừa xẻ, bán sức kiếm tiền.
Thế rồi, khi rừng cạn gỗ, họ trở về quê tích tiền kéo nhau lên Hà Nội mua xích lô. Một thời, hình bóng xích lô tung hoành khắp Thủ đô nhưng ít ai biết rằng, số nhiều các "xế" là người xã Thọ Nghiệp. Rồi khi xích lô trở nên lỗi thời, một số "xế" trở về quê với ruộng đồng, số còn lại nâng cấp với nghề xe ôm.
Tuy là một xã thuần nông chiêm trũng nhưng Thọ Nghiệp cũng nổi tiếng là làng "xuất ngoại". Tất nhiên, sự "xuất ngoại" ở đây không xa xôi như xuất khẩu lao động ở các nước phương Tây hay Hàn Quốc mà đơn giản là sang Lào làm thợ xây.
Những năm từ 1990, hầu hết thanh niên trai tráng ở Thọ Nghiệp đều sang Lào làm ăn. Từ Thủ đô Viêng Chăn đến Thà Khẹt, Luông Pha Băng... những ngôi nhà cao thấp, mái chửa mái vòm đều có bàn tay người Thọ Nghiệp. Nhưng, một thực tế phũ phàng mà Thọ Nghiệp đã, đang và sẽ phải chịu đó là tệ nạn nghiện hút khi một số thanh niên làm ăn tại Lào mang về. Tệ nạn này đã từng làm xáo động vùng quê yên ả như Thọ Nghiệp.
Và nghề taxi của xã thuần nông này thực sự nở rộ vào những năm đầu thế kỷ XXI khi nhu cầu đi lại ở thành phố tăng lên. Theo ông Lê Văn Thực, Chủ tịch UBND xã Thọ Nghiệp thì số lượng taxi lên tới vài trăm chiếc lớn nhỏ.
|
Biệt thự của một tài xế taxi ở Thọ Nghiệp. |
Đến taxi
Tuy nhiên, đến với nghề lái taxi ở Thọ Nghiệp lại chỉ tập trung ở các xóm 10, 12, 13, 14, 18, 19, 20, 21. Theo ông Thực, số nhiều các tài xế tham gia lái taxi theo kiểu "góp cổ phần", còn lại là họ tự bỏ tiền mua xe taxi để về nhập hãng.
Đáng chú ý, có những nhà sở hữu 2 - 3 chiếc taxi, thậm chí cả nhà đều lái xe. Từ bố mẹ, con cái đến cháu chắt đều tham gia vào nghề và thông thường họ thay nhau chạy khách 24/24.
Ông Thực thẳng thắn: "Nghề lái taxi cũng là một nghề chân chính, cũng nhờ nghề này mà xã tôi thay da đổi thịt, nhiều nhà mua được ô tô riêng, xây nhà tầng, tậu được đất, tích được vốn liếng làm ăn".
Theo một thống kê sơ bộ, thanh niên xã Thọ Nghiệp tham gia lái taxi lên tới gần 400 người, trong số đó không ít là phụ nữ. Thông thường, vợ chồng cùng tham gia làm nghề chung một xe, vợ lái ngày, chồng lái đêm hoặc ngược lại.
Ngay tại xã Thọ Nghiệp cũng có hai ông chủ lớn tham gia mở hãng và thực sự trở nên giàu có. Còn người lái taxi thì cũng tùy, theo như lời ông Chủ tịch xã Lê Văn Thực: "Anh nào chí thú làm ăn, biết tránh xa tệ nạn, không chơi bời cờ bạc thì giữ được tiền, còn không thì "xuống dốc không phanh".
Anh Phạm ở xóm 20 làm tài xế taxi đã 5 năm cho hay: "Làm cái nghề này đôi khi phải liều lĩnh, nhưng cũng phải biết niềm nở với khách thì mới có cơ hội làm ăn lâu dài".
|
Đến Thọ Nghiệp, đâu đâu cũng gặp taxi. |
Bỏ nghề, bán xe
Bây giờ, ở Hà Nội hay ở Thọ Nghiệp gặp các anh em tài xế taxi hỏi thăm, ai cũng kêu trời kêu đất. Một lái xe tên Trần than thở: "Làm từ sáng đến tối chẳng đủ tiền ăn, tiền xăng thì chưa tính, tiền nộp lệnh cũng không có mà trả".
Chúng tôi đi sâu vào vấn đề, anh không giấu giếm bảo, ở làng cũng có mấy anh em bỏ nghề rồi. Phần vì tháng ba ngày tám không có khách, phần nữa là bây giờ giá xăng lên, tiền lãi ngân hàng tăng cao nên dù có cố gắng làm cũng không đủ tiền mà trả.
Lý giải về điều này, ông Lê Văn Thực cho hay: "Có đến trên 30% người làm nghề taxi vay ngân hàng để mua xe. Một số bỏ nghề bán xe cũng có thể vì lý do lãi suất tăng, nhưng cũng có thể do nhiều anh em mới vào nghề chưa thông thạo đường sá, điểm bắt trả khách nên hay bị phạt nên đâm ra chán nản rồi bỏ nghề".
Gặp chúng tôi, anh Trần - tài xế vừa bỏ nghề bảo: "Bỏ nghề rồi nhưng chưa lấy được hồ sơ gốc ở công ty vì còn nợ tiền lệnh, 8 triệu cơ". Thì ra, mấy tháng liền anh làm không đủ tiền nộp lệnh (tiền thuê xe mỗi ngày 150.000đ - PV) nên đành bỏ taxi để làm nghề khác.
Còn anh Nguyễn Văn đang dán thông báo bán xe taxi để trả nợ ngân hàng. Anh bảo: "Tớ mua con xe này gần 400 triệu đồng, bây giờ lãi suất tăng ầm ầm, mùa giáp hạt chẳng ai đi xe, làm ăn khó khăn nên tớ tính bán quách cái xe đi góp tiền vào mà trả nợ ngân hàng, không thì sạt nghiệp mất. Nhìn người lái taxi, ai cũng muốn làm nghề nhưng không ăn thua đâu. Trong chán ngoài thèm thôi, kiếm được đồng tiền phải đổ mồ hôi, sôi máu mắt, có khi còn mất mạng chứ chẳng phải đùa".
|
Không có khách, ta xi đành "đắp chiếu". |
Và những con "sâu nghề"
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Thực cho biết: "Số nhiều các anh em làm nghề taxi đều rất đứng đắn, tử tế nhưng cũng có những trường hợp mà pháp luật không thể dung thứ".
Điển hình nhất cho những con "sâu nghề" là trường hợp Phạm Văn Sâm (SN 1989) trú quán xã Thọ Nghiệp đã làm "mất thể diện quốc gia" khi y có hành vi trộm cắp và chiếm giữ trái phép tài sản của anh Daniel và chị Tham mang quốc tịch Singapore đến Hà Nội để tham gia Hội nghị Đại hội đồng Interpol lần thứ 81 vào tháng 11 năm ngoái.
Theo nguồn tin chúng tôi có được, Phạm Văn Sâm từng nhiều lần lừa đảo tiền và ép giá khách hàng. Thủ đoạn của Sâm là chở khách đến đúng địa chỉ, sau đó chốt cửa đòi tiền khách cao hơn mức bình thường, khi nào khách trả theo đúng yêu cầu thì hắn mới mở cửa cho đi.
Còn nhiều những trường hợp mà các tài xế đã thực hiện như lắp "súng trộm cước" taxi, tham đồ rơi của khách, không trung thực là một cảnh báo đáng quan tâm đối với ngành vận tải nói riêng và xã hội nói chung.