"... tuyệt nhiên chưa ai biết đến người phụ nữ làm trống giỏi nhất ở làng này...", ông Chu Thế Canh vui vẻ khi giới thiệu về làng nghề Đọi Tam.
- "Làng trống Đọi Tam đã quá nổi tiếng bởi lịch sử 1.000 năm làm trống với bao thợ cả nổi tiếng. Nhưng tuyệt nhiên chưa ai biết đến người phụ nữ làm trống giỏi nhất ở làng này. Tôi sẽ ưu ái, bật mí cho các anh về người phụ nữ ấy", ông Chu Thế Canh, Chủ tịch UBND xã Đọi Sơn (Duy Tiên, Hà Nam) vui vẻ khi giới thiệu về làng nghề Đọi Tam.
Đọi Tam là một làng nhỏ của xã Đọi Sơn, nơi có thửa ruộng Tịch điền thời vua Lê Đại Hành. Lễ hội thiêng liêng này được diễn ra vào mùng 7 tháng Giêng hằng năm. Theo truyền thống, ngày cày Tịch điền không thể thiếu tiếng trống uy nghi làng Đọi. Làng trống Đọi Tam từ xưa đến nay không truyền nghề cho con rể và con gái vì sợ bị lộ bí mật ra ngoài. Nghề vốn nặng nhọc, đàn ông học đã khó, đàn bà thì khó gấp vạn lần.
|
Chị Thanh được mệnh danh là "nữ hoàng" trống làng Đọi. |
"Mối tình trống"
Ấy vậy mà có một "nữ hoàng" trống của làng nghề nức tiếng năm châu như Đọi Tam. Nói thế không ngoa, vì trống của chị đã xuất khẩu sang nhiều nước thuộc khắp các châu lục. Chị là Lê Thị Thanh, vợ anh Lê Ngọc Hùng - một nghệ nhân và cũng là chủ xưởng của cơ sở sản xuất trống lớn nhất nhì Đọi Tam hiện thời.
Vị Chủ tịch UBND xã Đọi Sơn niềm nở bảo: "Ở làng này không phụ nữ nào làm trống giỏi như chị Thanh đâu. Gần 30 năm làm nghề rồi, lại được nghệ nhân giỏi như anh Hùng chỉ dạy thì chỉ có nhất".
Tôi quay sang, anh Hùng mỉm cười bảo: "Chúng tôi yêu nhau cũng vì trống đấy". Phía đối diện, chị Thanh đang pha nước nghe vậy thì tỏ vẻ ngường ngượng, nhưng rồi chị sẵn lòng chia sẻ: "Tôi sinh 1962, anh Hùng hơn tôi một tuổi. Quê tôi không phải làng Đọi mà tận dưới xã Thanh Hà - Thanh Liêm. Thời trẻ, nghe tiếng anh Hùng làm trống giỏi nhất nhì làng, thế rồi làm quen, yêu nhau lúc nào chẳng biết".
Ngày ấy, ở làng Đọi gọi họ là "mối tình trống". "Gọi thế thôi chứ thực ra không trống rỗng đâu mà lãng mạn lắm! Năm 1984 chúng tôi cưới nhau, anh Hùng vừa là chồng, vừa là sư phụ dạy tôi những tuyệt kỹ của nghề làm trống", chị Thanh cho hay.
Nghề làm trống cũng giống như nghề đóng cối xay, rất vất vả cực nhọc lại cần đến tính kiên trì và một sức khoẻ dẻo dai cùng ý chí bền bỉ. Thoạt đầu, sợ vợ không theo được nên anh Hùng không dám truyền nghề. Nhưng thấy chị Thanh quyết tâm nên anh Hùng đã không ngại truyền đạt từng động tác đơn giản nhất.
Đầu tiên chỉ là những công đoạn "xếp tang" (tạo khung gỗ cho trống - PV), đến chọn da trâu, căng da trên mặt trống... Rồi khi đã thành thạo các khâu giản đơn này, chị tiếp tục được học cách tạo âm và "đóng đinh" cho trống. Mãi sau này, khi đã lành nghề, chị mới được chồng dạy cho cách đánh bóng và vẽ hoa văn trên mặt cùng tang trống.
|
Chị có thể làm được tất cả các khâu. |
"Bụng trống" vẫn làm trống
Trở thành một trong những cao thủ trong làng trống Đọi Tam, chị Thanh vẫn không ngừng học hỏi từ chồng những tuyệt kỹ nghề nghiệp để tạo ra những âm thanh vang vọng hơn. Cho đến nay đã gần 30 năm làm nghề, sản phẩm trống do tay chị Thanh làm ra đã được xuất khẩu sang khắp các nước châu Âu.
Cũng từng ấy năm làm nghề, "nữ hoàng" trống của làng Đọi không hề quản ngại vất vả. Chị bảo: "Tôi hai lần mang thai thì cả hai lần đều không nghỉ ngơi, làm trống cho đến lúc đau đẻ mới thôi. Sinh con được vài ngày lại tiếp tục làm trống".
Chị bảo nhỏ, ở nhiều nơi làm trống họ kiêng phụ nữ mang thai lắm vì sợ âm thanh của trống không thịnh, không vang. Ở Đọi Tam này không kiêng kỵ điều ấy, "bụng trống" thì vẫn làm như thường, miễn sao cái tay nghề vững chắc, có sáng tạo, biết thỉnh âm cho chuẩn.
Ở làng Đọi Tam này, các cụ cấm kỵ nhất là truyền nghề cho con gái và con rể vì sợ bị lộ bí mật ra ngoài. Nên những người làm dâu như chị Thanh phải rất thông minh, trung thành và yêu chồng mới được truyền nghề một cách tỉ mỉ. Anh Hùng bảo rằng: "Làm nghề thì không khó chút nào, nhưng để có được bí quyết của nghề nghiệp thì đó là kinh nghiệm tích cóp trăm đời, không dễ gì truyền cho người khác".
Chị Thanh lại được chồng truyền cho tất thảy những bí mật nên dù có vất vả cũng đứng ra cùng công nhân trong xưởng làm ra những sản phẩm tuyệt mỹ. Nhiều người trong làng thấy chị Thanh "bụng trống" mà cứ đứng liên tục mấy tiếng liền hết dùng búa tạo khung đến căng da trống thì phát hoảng. Thậm chí, họ còn thấy chị đứng trên mặt trống mà dận xuống cho da trâu dãn nở.
|
Thậm chí còn dùng máy tạo tang trống. |
Ngủ cũng mơ đánh trống
Ông Chu Thế Canh, Chủ tịch UBND xã Đọi Sơn cho hay: "Làng nghề bận rộn nhất là vào dịp trước Trung thu hoặc lễ, Tết, các xưởng trống phải tăng hết tốc lực nên người dân không lúc nào được nghỉ ngơi".
Quả thật, như với chị Thanh, sáng tinh mơ đã phải cùng chồng đi lấy da trâu, rồi về chỉ huy thợ làm tang trống từ gỗ mít. Đến khâu làm trống, chị đứng ra thực hiện từ A đến Z. Có những quả trống lớn, chị không kham nổi, phải cùng chồng tỉ mỉ từng khâu. Có khi cả tháng mới xong.
Như hồi Hà Nội kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, không chỉ vợ chồng chị Thanh, mà 100% thợ trống ở Đọi Tam đều phải ăn nằm với trống. "Nói không ngoa chứ, ngủ mà còn mơ làm trống. Nửa đêm, chồng mơ chỉ huy thợ làm tang, vợ gọi thợ căng da trâu. Đang ngủ mà cứ í ới như đang làm trống", chị Thanh tiết lộ.
Chị bảo tiếp: "Hồi ấy, do khách đặt hàng nhiều nên các xưởng trống đầy ắp hàng, thậm chí không có chỗ ngồi uống nước. Còn bây giờ thì lại bận việc khác".
Việc mà chị Thanh bận bây giờ chính là làm ra những quả trống chất lượng để xuất khẩu sang châu Âu. "Khách nước ngoài họ cũng am hiểu trống lắm. Họ đặt hàng, đến hẹn là có mặt, họ gõ trống thấy âm chuẩn thì mới ký hợp đồng nên mình phải cẩn thận từng chi tiết", chị Thanh cho hay.
Không chỉ là một "nữ hoàng" trống của làng Đọi Tam, chị Thanh còn nằm trong đội đánh trống chuyên nghiệp gồm 60 phụ nữ của xã Đọi Sơn. Trong nhiều lễ hội lớn của nước ta, trống của chị và đội trống 60 phụ nữ ấy đã đứng ra biểu diễn rất hùng hồn.
|
Đường vào làng trống Đọi Tam. |
"Theo thống kê chưa đầy đủ thì hiện nay ở Đọi Tam có khoảng 80 phụ nữ làm nghề trống. Phụ nữ làm trống cũng không kém đàn ông, thậm chí nhiều chị em còn đi kiếm việc làm (như bọc lại da trống) ở các xứ đạo vùng Nam Định, Thái Bình... Phụ nữ làm trống rất vất vả nhưng nếu đã theo được nghề thì nghề cực nhọc ấy sẽ theo họ đến suốt đời, trường hợp chị Thanh là một ví dụ".
Ông Chu Thế Canh (Chủ tịch UBND xã Đọi Sơn) |
Trần Hòa
[links()]