Nước bẩn bủa vây ốc đảo
Từ bến phà Tam Quan, chúng tôi vượt hạ lưu sông Trường Giang đến xã đảo Tam Hải. Cuộc sống người dân nơi đây quanh năm bám biển mưu sinh luôn khổ sở bởi nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt thường nhật.
|
Xã đảo Tam Hải từ nhiều năm nay bị ô nhiễm nguồn nước ngầm rất nghiêm trọng. |
“Xã Tam Hải có 2823 hộ dân với 8400 nhân khẩu sống phân bố rải rác ở 7 thôn. Tuy nhiên cả 7 thôn trong xã đều lâm vào tình cảnh thiếu nước sạch trầm trọng, ô nhiễm nhất là thôn 3, thôn 4 và thôn 5”, ông Phan Như Tường, Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết.
Theo người dân nơi đây, sở dĩ mạch nước ngầm bị ô nhiễm là do biển ăn sâu vào bờ dẫn đến tình trạng nước nhiễm mặn. Đặc biệt, hậu quả của những vụ chìm tàu, dầu tràn trên biển rồi ăn sâu vào trong lòng đất cũng là một nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước. Mạch nước ngầm nơi đây thường có màu đục ngòm và không thể dùng để phục vụ cho sinh hoạt.
“Bà con nơi đây cũng đã cố gắng đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống giếng khoan đến cả mấy chục mét nhưng nước vẫn không tài nào dùng được”, bà Nguyễn Thị Siêng, một người dân thôn 4 cho biết.
Nhận thấy tình trạng thiếu nước sạch kéo dài triền miên từ năm này sang năm khác, chính quyền và nhân dân xã đảo Tam Hải đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp Hội đồng Nhân dân bàn về liệu pháp xử lí nước tại địa phương nhưng tất cả đều trở nên vô vọng. “Cách đây 5 năm, một tổ chức nước ngoài mang tên Đông Tây Hội Ngộ có tìm đến Ủy ban xã để đặt vấn đề xây dựng hệ thống đường ống dẫn nước sạch về đến từng hộ dân cư nhưng kinh phí dự trù lên đến hàng chục tỉ đồng, một con số quá lớn, nằm ngoài khả năng của một xã nghèo nhất huyện này”, ông Phan Như Tường nói.
Cả xã sống dựa vào nguồn nước giếng cổ
Trong khi nguồn nước ngầm ở xã đảo Tam Hải được xác định là ngày càng ô nhiễm, một điều kỳ lạ là có một chiếc giếng cổ xa xưa vẫn trong sạch.
|
Cả xã đảo Tam Hải gồm 7 thôn đều phải gánh nước từ giếng cổ về dùng.
|
“Gần 10 năm nay, người dân cả xã đều dùng chung nước ở giếng cổ Chiêm Thành, thuộc thôn 3, một giếng cổ của người Chăm còn sót lại. May mắn nước ở giếng này quanh năm trong lành, đặc biệt dù mùa nắng hay mùa mưa, nước trong giếng luôn đảm bảo một mực nước ổn định đủ cung cấp cho việc nấu ăn, uống của người dân”, ông Nguyễn Tấn Hùng, cán bộ xã phụ trách bảo quản giếng cổ cho biết.
Mặc dù nước giếng cổ luôn đảm bảo vệ sinh an toàn cho nhu cầu ăn uống của người dân nhưng việc tắm rửa thì vẫn phải dùng nước bẩn hoặc tắm nước biển. “Nhà tôi ở thôn 5, cách giếng cổ chừng 3, 4 cây số, mỗi ngày tranh thủ thời gian rảnh sau khi ra khơi tôi chỉ kịp gánh về được vài ba gánh nước đủ nước đun sôi để uống, còn tắm giặt vẫn phải bơm nước máy ô nhiễm để dùng”, ông Lê Mây, một người dân thôn 5 chia sẻ.
Ngoài ra, không phải gia đình nào cũng có thể vượt mấy cây số lặn lội đến giếng cổ nằm heo hút nơi cuối xã để lấy nước sạch về sử dụng. Những gia đình chỉ toàn người già, con nít vì có người thân đi làm ăn xa đành phải chấp nhận dùng nước bẩn, tiềm ẩn mối nguy hiểm mầm mống bệnh tật.
Người dân nơi đây cũng cho biết, trong thời gian qua trên địa bàn xã có nhiều người chết vì căn bệnh ung thư. Họ phỏng đoán rất có thể nguyên nhân là do nguồn nước bị ô nhiễm chứa các chất độc hại. Chỉ tính riêng 3 thôn nằm trong khu vực ô nhiễm trầm trọng đã có gần chục trường hợp bị ung thư. Mới đây nhất, bà Hồ Thị Hiệp, thôn 6 đã qua đời sau 4 năm chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác. Tình trạng gia tăng số ca mắc bệnh ung thư trong xã cũng khiến người dân nơm nớp lo lắng vì hiện tại chưa thể cải thiện nguồn nước sinh hoạt.
TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU