Không phân biệt tại chức-chính quy khi tuyển công chức

Google News

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định không có sự phân biệt giữa bằng tại chức hay chính quy khi thi tuyển công chức.

Tại cuộc họp báo thường kì của Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn khẳng định không có sự phân biệt giữa bằng tại chức hay chính quy khi thi tuyển công chức.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, sau khi báo chí phản ánh có 7 địa phương trong cả nước thông báo không tuyển dụng đầu vào có bằng tại chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã kịp thời chỉ đạo 2 đoàn công tác kiểm tra công tác tuyển dụng tại một số địa phương để làm rõ nội dung báo chí đưa tin.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trần Anh Tuấn tại cuộc họp báo diễn ra sáng nay 3/10
Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trần Anh Tuấn tại cuộc họp báo diễn ra sáng nay 3/10
Theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, việc tuyển dụng công chức, ngoài yêu cầu về phẩm chất, đạo đức, phải nâng cao chất lượng tuyển dụng, không phân biệt loại hình đào tạo tại chức hay chính quy, công lập hay dân lập.

Vấn đề là cơ quan tổ chức tuyển dụng phải đảm bảo công bằng, khách quan, không nên nhìn vào bằng cấp mà cần xem xét năng lực người được tuyển dụng có đảm bảo được nhiệm vụ công tác hay không?

Sau khi xem xét, nếu phát hiện việc tuyển dụng không đúng với quy định của pháp luật hiện hành về công chức, Bộ Nội vụ sẽ có ý kiến để các địa phương hay cơ quan tuyển dụng sửa lại quy định trên. Đồng thời, yêu cầu báo cáo kết quả tuyển dụng với cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm xem có đúng không. Từ đó, phối hợp với cấp có thẩm quyền khắc phục nhằm nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức.

Luật công chức không cấm

Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Nguyễn Xuân Bình cho hay: Quy định hiện hành về công chức sẽ được thực hiện đồng bộ trong cả nước.

Luật Công chức không cấm tuyển dụng công chức hệ tại chức, Luật Giáo dục cũng không phân biệt giá trị các loại hình bằng cấp cho nên cần thực hiện đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Thực tế, các địa phương bằng cách này, cách khác tuyển dụng những người có trình độ vào bộ máy để phát huy được hiệu quả công tác, Bộ Nội vụ chia sẻ về vấn đề này.

Tuy nhiên, đại diện của Bộ Nội vụ cũng thừa nhận thời gian qua, ở một chừng mực nào đó, loại hình tại chức phát triển tràn lan, không đáp ứng được yêu cầu. Do đó, Bộ Nội vụ cũng nhìn nhận được không phải tất cả người tốt nghiệp tại chức đều đạt yêu cầu.

Song, vấn đề đặt ra là làm thế nào việc tuyển dụng được thực hiện kết hợp giữa quy định của pháp luật và trách nhiệm, thẩm quyền của người tuyển dụng.

Thi cạnh tranh

Kỳ thi nâng ngạch công chức từ chuyên viên lên chuyên viên chính, từ chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp năm nay (sẽ được Bộ Nội vụ tổ chức trong tháng 10 này-PV) lần đầu tiên tổ chức theo quy định mới của Luật Cán bộ công chức.

Trong đó quy định “thi cạnh tranh”, điều này chi phối đến tính chất cuộc thi. Trong một chừng mực nào đó, điều đó đã tạo lên sức ép đối với người dự thi, tạo cơ hội cho người tham gia cũng như nâng cao chất lượng công chức.

Việc tổ chức thi cạnh tranh nhằm bảo đảm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức “vừa hồng vừa chuyên” để phục vụ người dân cho tốt và đảm bảo kỳ thi thực sự công bằng, minh bạch, nghiêm túc. Thông qua kỳ thi này tạo được sự đồng thuận xã hội và đồng thuận trong nội bộ công chức.
 
(Theo Tiền Phong)
[links()]

Bình luận(0)