Đại biểu nói không phù hợp, tổ soạn thảo nói phù hợp!
Tại Hội thảo lấy ý kiến về Nghị định quản lý sản xuất, kinh doanh bia do Bộ Công thương tổ chức ngày 9/9, đại diện Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam và đại diện Bộ Giao thông vận tải đã bày tỏ quan điểm không đồng tình với quy định cấm bán bia trên vỉa hè và cấm bán bia cho phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú và người say bia rượu.
"Nghị định quản lý sản xuất, kinh doanh bia là rất cần thiết. Tôi cũng đồng tình với một số nội dung trong dự thảo, tuy nhiên, tại chương III, điều 16 của Nghị định có quy định cấm bán bia trên vỉa hè, cấm bán bia cho phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú và người say bia rượu thì tôi cho rằng chúng ta chưa thể kiểm soát được vì vậy chưa nên đưa vào đây, mà chỉ nên đưa vào các mục cảnh báo, giáo dục" - ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam cho biết.
|
Bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ pháp chế Bộ Giao thông Vận tải. |
Đồng quan điểm với ông Việt, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ pháp chế Bộ Giao thông Vận tải cũng cho rằng, điều 15 và 16 của Nghị định quản lý sản xuất, kinh doanh bia là không phù hợp.
"Bộ Công thương nói là thể chế hoá Quyết định 244 của Chính phủ nhưng tôi cho rằng thể chế hoá không có nghĩa là đưa hết vào Nghị định mà chỉ tăng cường biện pháp quản lý. Chẳng lẽ bây giờ người dân khi đi mua bia phải mang theo chứng minh thư? Nếu chúng ta đưa ra quy định cấm bán cho phụ nữ có thai, cấm bán cho người dưới 18 tuổi, cấm bán cho người say bia rượu thì kiểm soát như thế nào?
Tôi cho rằng không phải cứ không quản lý được thì đưa ra quy định cấm, mà đã đưa ra quy định cấm thì phải kiểm tra, giám sát được. Trong dự thảo có cả một chương về xử lý vi phạm vậy thì cũng phải đặt ra vấn đề là kiểm tra, giám sát như thế nào. Nếu quy định mà chưa kiểm soát được thì nên tạm chưa đề cập đến" - bà Nga nhấn mạnh.
Phản bác lại ý kiến của bà Nga, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, không phải là không quản lý được mà đưa ra quy định cấm, mà xây dựng quy định để quản lý cho tốt hơn. Bà Thoa cho rằng hội thảo là để trao đổi lấy ý kiến, chứ không phải là chê trách nhau. "Chúng ta cần bàn xem nếu quy định không phù hợp thì nên làm thế nào? Hình thức nào? Cần bàn luận theo hướng xây dựng" - Thứ trưởng Thoa nói.
Là một trong những thành viên thuộc ban soạn thảo Nghị định, ông Phạm Đình Thưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công thương) cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với quy định cấm bán bia trên vỉa hè, hay cấm bán cho người dưới 18 tuổi.
Theo ông Thưởng, trước đây quy định cấm bán tiết canh lòng lợn cũng từng gây tranh cãi và được đưa ra là để lấy ý kiến dư luận và sau đó đã có những giải pháp. Cho nên việc cấm kinh doanh bia vỉa hè là cũng thế, sẽ có người đồng ý, có người không đồng ý nhưng vẫn phải thảo luận để có được giải pháp cuối cùng.
"Còn với quy định cấm bán bia cho người dưới 18 tuổi, tôi cho là khả thi, vì có nhiều trường hợp vẫn nhận biết được. Ví dụ như học sinh mặc đồng phục vào mua là nhìn sẽ biết ngay. Hay ví dụ như khi tôi đi ra nước ngoài, vào một quán bar ở đó, họ nhìn tôi là người Việt Nam, trông khá trẻ và giống như đang ở tuổi vị thành niên nên bắt tôi phải xuất trình hộ chiếu. Tôi không mang hộ chiếu theo và đã phải ra về" - ông Thưởng lấy ví dụ.
Một thành viên khác trong ban soạn thảo là ông Nguyễn Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công thương) khẳng định lại một lần nữa, mục đích đưa việc cấm bán bia trên vỉa hè là để hạn chế, để tuân theo đúng chỉ thị của Chính phủ.
"Rất tiếc là ở những nước văn minh là họ vẫn cho bán nhưng họ quản lý rất tốt. Nhưng có những nước tôi đến, khi vào quán bia họ bắt phải xuất trình chứng minh thư có lẽ vì nhìn tôi trẻ quá. Cho nên chúng ta không thể không đưa quy định này vào được, nhưng về câu chữ phải làm sao cho phù hợp" - ông Cường khẳng định.
Sẽ không huỷ bỏ quy định cấm bán bia trên vỉa hè!
Trao đổi với Một Thế Giới bên lề Hội thảo lấy ý kiến về Nghị định quản lý sản xuất, kinh doanh bia, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) khẳng định, quy định cấm bán bia trên vỉa hè, cấm bán bia cho phụ nữ có thai, người say bia rượu là đều có căn cứ, có tính khả thi.
"Không phải lúc nào chúng ta cũng ngồi canh để xử phạt, nhưng cần phải có một chế tài, một quy định để nếu vi phạm thì có cơ sở để xử lý, để lần sau những người bán bia sẽ không dám bán nữa. Cho nên chúng ta cứ nói là không khả thi, không kiểm soát được thì rất khó, thì không làm" - ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, ở các nước khác cũng giống như Việt Nam, không thể ngồi canh để kiểm soát mà vấn đề này đòi hỏi tính tự giác của người bán, tính tự giác của người sử dụng. Thông thường, ở các nước khác thường cảnh báo, khuyến cáo người dùng, điều này Việt Nam cũng đã làm, tuy nhiên ông Dũng cho rằng người dân ở các nước khác tuân thủ pháp luật tốt hơn ở Việt Nam nên dẫn đến họ làm tốt hơn. Còn ở Việt Nam, người dân chưa tuân thủ luật pháp tốt nên mới xảy ra tình trạng như hiện nay.
"Nhưng không phải vì thế mà chúng ta không quy định. Quan điểm của cá nhân tôi là nên quy định, và từ đó, để vận động người dân thực hiện và các nhà quản lý có căn cứ để thực thi. Ví dụ như, rõ ràng nhìn thấy ông này bán bia cho người có bầu, nhưng nếu không có quy định thì làm sao tôi xử phạt ông được? Còn nếu xảy ra với một số ít thì có thể thôi. Chứ còn cứ nói làm sao biết được để xử lý hay tính khả thi ra sao... thì chắc chắn sẽ không có căn cứ để thực thi pháp luật khi xảy ra tình trạng đó" - ông Dũng cho biết.
Về vấn đề người bán bia sẽ phải dựa trên cơ sở nào để nhận biết người say bia rượu để không bán cho họ, ông Dũng cho rằng dựa vào "mắt nhìn" là chủ yếu.
"Bạn nhìn người say mà không biết sao? Nhìn một người say là biết ngay chứ sao lại không biết. Nếu nhìn người say mà không nhận biết được thì chịu rồi" - ông Dũng nói.
Cùng với đó, ông Dũng cũng phân tích rõ hơn về quy định cấm bán bia trên vỉa hè. Theo đó, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ cho rằng, quy định cấm bán trên vỉa hè đã được nhắc đến trong rất nhiều văn bản, không riêng gì Quyết định 244 của Chính phú. Và về nguyên tắc thì vỉa hè không phải là nơi kinh doanh và không phải là nơi bán hàng, kể cả bia hay các mặt hàng khác. Nguyên nhân là do nó ảnh hưởng đến giao thông, ảnh hưởng đến mỹ quan, khó kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm.
"Một xã hội văn minh thì việc bán hàng trên vỉa hè phải được tổ chức lại. Sở dĩ tôi nói vậy là ở một số khu vực, một số nơi vỉa hè rộng rãi và quản lý được người bán hàng thì có thể cho phép bán. Nhưng với điều kiện là phải đảm bảo được những điều đó, chứ vỉa hè chật chội mà cách quản lý chưa tốt thì không thể cho phép được. Việc cấm bán bia trên vỉa hè do Bộ Công thương soạn thảo là trên tinh thần của Quyết định 244, và một số ý kiến cũng cho rằng việc cấm bán trên vỉa hè đã được quy định từ trước rồi, nên không cần phải đưa vào nữa, nhưng tôi vẫn cho rằng coi như đây là lời nhắc nhở" - ông Dũng khẳng định
Trước câu hỏi sẽ rất khó kiểm soát được cấm bán bia trên vỉa hè, vì dù đã có quy định từ trước nhưng hiện nay, tình trạng bán hàng trên vỉa hè vẫn diễn ra tràn lan, ông Dũng lập luận: "Chẳng nhẽ không kiểm soát được thì không quy định sao? Giống như chuyện kiểm soát ma tuý, dù cấm nhưng người ta vẫn cứ hút, vậy chẳng lẽ lại không quy định cấm hút ma tuý nữa?"
Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ cho rằng, cần phải hướng tới một xã hội văn minh, người dân chưa ý thức chấp hành pháp luật thì phải đưa ra quy định để dần dần hướng người dân thực hiện, chứ không thể nói là khó làm thì không quy định, như vậy xã hội sẽ rất hỗn độn. Phải có hành lang pháp lý để người dân có ý thức hơn và để cơ quan chức năng có cơ sở để xử lý.
Về vấn đề người bán bia sẽ phải dựa trên cơ sở nào để nhận biết người say bia rượu để không bán cho họ, ông Dũng cho rằng dựa vào "mắt nhìn" là chủ yếu.
"Bạn nhìn người say mà không biết sao? Nhìn một người say là biết ngay chứ sao lại không biết. Nếu nhìn người say mà không nhận biết được thì chịu rồi" - ông Dũng nói.