Ai có dịp được tham quan Trung tâm Du lịch Buôn Đôn (tại Buôn Trí A, xã Krông An, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk) sẽ thấy tiêu bản một chú voi nhỏ nhắn, bình thường như bao con voi con khác. Nhưng chúng tôi thật bất ngờ khi biết đây chính là nguyên mẫu của một bài hát thiếu nhi khá nổi tiếng do nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác - bài hát “Chú voi con ở Bản Đôn”.
Câu chuyện về chú voi con lạc mẹ
Nhà trưng bày của khu du lịch Buôn Đôn được thiết kế tựa như ngôi nhà dài đặc trưng của người Ê-đê, nơi đây trưng bày rất nhiều dụng cụ cũng như những sản vật của dân tộc họ, từ những chiếc cồng chiêng đã gỉ sét cho đến những chiếc kìm, sợi dây thừng săn voi đã ngả màu, mọi thứ đều rất sống động và chân thực. Tuy nhiên, ấn tượng nhất với tôi khi đến đây vẫn là tiêu bản của một chú voi con đặt ở trong nhà trưng bày.
|
Chị Hoa – hướng dẫn viên du lịch của Trung tâm thuyết trình về cách săn voi của người Ê-đê. Ảnh: N.V |
Con voi con này cao khoảng 1m, còn khá nhỏ, bộ da thô ráp và cứng, trên da còn nhiều sợi lông tơ. Đôi mắt chú mở to, chiếc vòi uốn cong và miệng chú còn hé ra như đang chực gọi mẹ. Bốn chân của chú đứng choãi ra, mạnh mẽ, đang hướng về phía trước như muốn đuổi theo mẹ đòi bú. Có lẽ vì thế nên mấy chị hướng dẫn viên nơi đây thường gọi đùa chú là “voi sữa”.
Chị Hoa - hướng dẫn viên du lịch giới thiệu: Đây là chú voi con mà nhạc sĩ Phạm Tuyên đã gặp, và từ đó có cảm hứng sáng tác ra bài hát cho thiếu nhi nổi tiếng sau này. Nguồn gốc của chú voi này cũng lạ lùng, chú voi rừng đi lạc được đem về nuôi chứ không phải là voi nhà sinh ra. Người dân trong buôn đã tìm thấy chú voi đó ngay bìa rừng, gần khu nghĩa trang mộ cổ của “Vua săn voi” Khun Junob hiện giờ.
Con voi rừng trông còn nhỏ, theo chiều cao thì chú voi này mới được 6 tháng tuổi. Ở Buôn Đôn này, người dân tộc Ê-đê có tục săn và thuần hóa voi rừng có độ tuổi từ 2-4 năm tuổi. Khi săn bắt voi, thợ săn dùng voi nhà truy đuổi vây ép voi rừng đến khi voi rừng hết đường chạy thì bắt trói chân, xích cổ lại, còn voi nhỏ sẽ không bắt. Vì vậy mà con voi này bơ vơ đi lạc đến buôn. Thế là công ty và Trung tâm Du lịch Buôn Đôn nuôi dưỡng chú voi con cùng đàn voi nhà ở đây (lúc này Buôn Đôn có trên dưới 30 con voi nhà làm nông và làm du lịch).
Nhiều khách du lịch khi ấy đến trung tâm tham quan và ngắm voi thường rất thích thú với nó, và khi nghe câu chuyện lạc mẹ của nó đều tỏ ra thương cảm. Nhưng được một thời gian, con voi con ấy ốm chết. Lúc ấy, nó mới được 1 năm 2 tháng tuổi. Chị Hoa bảo, hình như nó không chịu được cuộc sống mới trong buôn làng, mọi người cho nó bú nhờ sữa của voi nhà nhưng nó không quen, vẫn thiếu dinh dưỡng nên kiệt sức mà chết. Mọi người thương con voi con đó như con của mình nhưng không cứu được nó.
Vì hoàn cảnh khá đặc biệt của chú voi con, một phần cũng do chú voi con là nguyên mẫu, là nguồn cảm hứng ra đời của bài hát “Chú voi con ở Bản Đôn” nên công ty quyết định ướp xác con voi con này và đem lưu giữ tại Nhà Trưng bày và Thuyết trình của Trung tâm Du lịch Buôn Đôn.
|
Tiêu bản của “chú voi con ở Bản Đôn”. Ảnh: G.T.A |
Thấy tôi hào hứng với câu chuyện về chú voi đặc biệt ấy, anh Phạm Văn Thao – Phó quản lý Trung tâm Du lịch Buôn Đôn kể tiếp: Hồi con voi còn khỏe mạnh, mọi người trong cơ quan đều góp sức nuôi nó. Những con voi bé như vậy thường rất cần hơi ấm của mẹ. Anh Thao kể, ngày ấy có hai người chăm sóc nó nhiều nhất là chị Cha Ly và chị H’núc. Mọi công việc từ vệ sinh, tắm rửa, đến pha sữa và cho nó bú bình đều do các chị làm. Tôi có ngỏ ý muốn tìm gặp các chị, nhưng anh Thao cho biết, hiện nay các chị không còn làm ở Trung tâm nữa, thông tin về những người “mẹ” của chú voi này công ty cũng không còn lưu giữ.
Sau khi con voi con ấy chết, công ty quyết định bỏ ra một khoản tiền khá lớn để có thể ướp xác nguyên vẹn và đặt trưng bày vào năm 2000, khi Nhà Trưng bày và Thuyết trình vừa được tu sửa xong.
Ước mong của nhạc sĩ Phạm Tuyên
Giờ đây, khi nhắc đến voi, nhắc đến Buôn Đôn, đến vùng đất Tây Nguyên, Đăk Lăk, không ai không nhớ đến bài hát “Chú voi con ở Bản Đôn” do nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác. Với giai điệu trong trẻo, ca từ đơn giản và dễ thuộc: “Chú voi con ở Bản Đôn. Chưa có ngà nên còn trẻ con…”, bài hát này không chỉ dành riêng cho thiếu nhi mà còn dành cho tuổi thơ của mọi người trên khắp mọi nẻo đường đất nước.
Tôi cũng thế, sau chuyến đi Buôn Đôn về, tôi lập tức liên lạc với nhạc sĩ Phạm Tuyên. Trả lời tôi qua điện thoại là một người lớn tuổi nhưng chất giọng Hà Nội chuẩn và trầm ấm. Khi nhắc nhớ về mảnh đất Buôn Đôn, ông cười khà khà: “À, Buôn Đôn thì có “Chú voi con ở Bản Đôn” chứ gì” (Buôn Đôn là cách gọi theo người Việt, Bản Đôn là cách gọi theo người Lào)... Rồi lần theo trí nhớ, ông Tuyên kể lại rành rọt câu chuyện về chuyến đi năm xưa, như sống lại trong thời điểm ấy. Ông kể về chuyến công tác năm 1983 với nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, nhạc sĩ Hoàng Vân đi thực tế tại mảnh đất Đăk Lăk, về hình ảnh “chỉ gặp voi con mà không thấy voi to đâu hết cả”, về câu nói tưởng chừng như đùa “không”.
Ông bảo, suốt cả chuyến đi tôi không gặp được con voi lớn nào. Thấy voi con nhốt ngay góc nhà, dễ thương quá nên tôi quyết định viết luôn về “Chú voi con ở bản Đôn”, âm điệu cứ lấy vần ca “đê đê” giống nhạc người Ê-đê. Sau này về Hà Nội rồi, bạn tôi ở ngoài Đăk Lăk khen nhiều lắm, bảo bài hát này chắc chắn được nhiều người thích, lại hợp với người Ê-đê. Tôi tưởng chỉ khen vậy thôi, không ngờ 2 năm sau thì ông Phó Chủ tịch tỉnh Đăk Lăk mời tôi lên Buôn Đôn chơi, thiếu nhi ở đó hát cho tôi nghe bài hát của tôi, họ còn tặng cho tôi bức phù điêu hình con voi bằng gỗ, quý lắm!”.
"Sau lần ấy, tôi chưa có dịp về Buôn Đôn lần nào nữa. Nếu mai mốt còn khỏe, chắc chắn phải quay lại để xem “con voi của mình như thế nào rồi”.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên
Câu chuyện chưa dừng lại ở đó, nhạc sĩ chia sẻ, chính ông cũng không ngờ rằng bài hát lại được nhiều người thích đến vậy, ngay cả Đài Truyền hình Đăk Lăk lúc đó cũng lấy luôn bài hát làm nhạc hiệu suốt một thời gian dài. “Điều mà tôi vừa bất ngờ, lại vui nhất đó là hôm đó có cô Quỳnh Mai, người hay viết nhạc hiệu cho Đài Truyền hình lúc đó, đã lấy luôn bài hát “Chú voi con ở Bản Đôn” phát lên Đài Phát thanh Truyền hình của tỉnh Đăk Lăk, rồi chọn luôn bài hát của tôi làm nhạc hiệu cho tỉnh. Thế là phát cả ngày, người nghe cũng ngân nga hát theo. Điều đó cho tôi thấy rằng có sự bình đẳng nghệ thuật giữa người lớn và trẻ con. Một bài ca thiếu nhi mà được chọn làm nhạc hiệu như vậy là lớn lắm. Tôi nghe cô ấy nói mà cười hoài thôi”.
Đến đây, giọng nhạc sĩ Phạm Tuyên trầm xuống: Sau lần ấy tôi chưa có dịp về Buôn Đôn lần nào nữa, nếu mai mốt còn khỏe chắc chắn phải quay lại để xem “con voi của mình” như thế nào rồi. Tôi có kể cho nhạc sĩ nghe về câu chuyện con voi con năm xưa hiện giờ ra sao, ông nghe xong rồi bảo: “Thôi, giờ nó đã không còn, voi con được trưng bày như vậy là quý hóa lắm rồi!”...
Tôi gác máy, kết thúc cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Phạm Tuyên và cố ngăn mình bộc lộ hết cảm xúc câu chuyện về chú voi con ở Bản Đôn.
Không hiểu sao hình ảnh một chú voi con dễ thương bị chết yểu phải đem làm tiêu bản cho khách du lịch tham quan khiến tôi có một cảm giác buồn và thương cảm vô cùng, nhất là khi chú voi ấy đã từng là nguyên mẫu và nguồn cảm hứng của một bài hát mà ai ai cũng thuộc lòng. Dường như câu chuyện ấy cũng phản ánh phần nào bức tranh du lịch và thuần dưỡng voi nhà của Tây Nguyên đang mai một và đến hồi báo động.